Tham vọng trở thành cường quốc sản xuất, nền kinh tế được dự báo vượt Nhật Bản trong năm nay mắc kẹt với loạt ‘căn bệnh kinh niên’, đẩy sáng kiến 23 tỷ USD vào ngõ cụt

Những thách thức vốn đã tồn tại trong nhiều thập kỷ đang "ngáng chân" Ấn Độ trở thành công xưởng sản xuất của thế giới.

Ấn Độ từ lâu đã ấp ủ tham vọng trở thành cường quốc sản xuất. Cách đây 5 năm, quốc gia này đã triển khai một chương trình khuyến khích liên kết sản xuất (PLI) nhằm thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước kinh doanh tại đây. Tuy nhiên, các mục tiêu chính đã không đạt được.

Là một phần của chiến lược ​​“Sản xuất tại Ấn Độ”, chương trình PLI trị giá 1,97 nghìn tỷ rupee (23 tỷ USD), tập trung vào 14 lĩnh vực , bao gồm hàng không vũ trụ, ô tô, điện tử, dược phẩm và dệt may. Ấn Độ kỳ vọng PLI có thể giúp nâng tỷ trọng sản xuất trong GDP lên 25% vào năm 2025.

Tuy nhiên, trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2025, con số này chỉ là 14%, giảm từ mức hơn 15% khi chương trình được triển khai vào năm 2020.

Chương trình này cũng đặt mục tiêu sản lượng/doanh số đạt 15,52 nghìn tỷ rupee. Nhưng tính đến tháng 11/2024, con số đó chỉ khoảng 14 nghìn tỷ rupee.

Trước các kết quả đáng thất vọng, chính phủ Ấn Độ có khả năng không gia hạn chương trình.

Theo Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (MCI), 764 công ty, bao gồm Foxconn, Reliance Industries và Mahindra đã đăng ký tham gia PLI, với tổng giá trị đầu tư lên tới 1,61 nghìn tỷ rupee tính đến tháng 11 năm ngoái.

Các vấn đề cơ chế

Các chuyên gia trong chương trình Inside India của CNBC cho rằng những vết nứt trong ngành sản xuất Ấn Độ không chỉ giới hạn ở kết quả của PLI hay chiến lược Sản xuất tại Ấn Độ” nói chung.

“PLI chưa bao giờ hiệu quả đối với tất cả 14 ngành, mà chỉ đối với một số lĩnh vực ngách. Ngành sản xuất Ấn Độ đã bị hạn chế trong thời gian dài, chủ yếu là do chính sách bảo hộ sản xuất trong nước khiến nước này kém cạnh tranh hơn so với các trung tâm sản xuất toàn cầu khác”, Dhiraj Nim, chiến lược gia ngoại hối và chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng ANZ cho biết.

Những lỗ hổng chính sách bao gồm thủ tục cồng kềnh, luật lao động không linh hoạt và khó khăn trong kinh doanh, Nim cho biết.

Ngoài ra, Ấn Độ cũng là một nền kinh tế định hướng dịch vụ và lực lượng lao động chưa sẵn sàng tham gia vào sản xuất.

Nim lưu ý rằng khoảng cách kỹ năng lao động trong các lĩnh vực sản xuất đã cản trở năng suất và sản lượng của Ấn Độ, trong khi các thị trường mới nổi khác bao gồm Bangladesh, Philippines, Việt Nam, Morocco và Mexico có kết quả tốt hơn.

“Đây là những thách thức về mặt cấu trúc mà Ấn Độ đã phải đối mặt trong nhiều thập kỷ. Không có cách giải quyết dễ dàng nào”, chuyên gia này nói thêm.

Lợi thế

Dù đối mặt với các vấn đề nan giải trên, Ấn Độ vẫn có lợi thế lớn. Số lượng người trẻ và dân số thành thị đang tăng lên với thu nhập khả dụng ngày càng tăng để có thể mua được những sản phẩm chất lượng. Các tập đoàn đa quốc gia ra sức cạnh tranh để giành thị phần tại nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới.

Anupam Singhal, giám đốc sản xuất toàn cầu tại TCS Global, chia sẻ với CNBC rằng: “Tất cả các hãng sản xuất lớn đều đã có hoặc đang cân nhắc mở nhà máy tại Ấn Độ”.

“Ấn Độ được coi là quốc gia trẻ nhất và rất nhiều người trẻ mạnh tay chi tiêu. Vì vậy, công ty nào muốn chứng minh khả năng cạnh tranh, họ cần phải có mặt tại Ấn Độ”, ông nói thêm.

Ngay cả những doanh nghiệp đã rời đi cũng đang tìm cách quay trở lại. Ford Motors đang tìm cách quay lại Ấn Độ với một nhà máy ở Chennai, Tamil Nadu.

Samir Kapadia, CEO của India Index, cho biết bên cạnh yếu tố nhân khẩu học, căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và các quốc gia như Trung Quốc, Mexico, Canada đã đưa Ấn Độ thành “vị trí chiến lược” cho các công ty sản xuất và xuất khẩu.

“Doanh nghiệp đến Ấn Độ vì nhu cầu cấp thiết”, Kapadia nhận định. Ông nhấn mạnh Ấn Độ có “lợi thế về chi phí và quy mô”, cùng với lợi thế trong các lĩnh vực điện tử tiêu dùng, hàng không vũ trụ, quốc phòng và ô tô.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP Ấn Độ tăng kỷ lục 105% trong 1 thập kỷ, từ 2.100 tỷ USD năm 2015 lên dự kiến 4.300 tỷ USD năm 2025. Nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng đã đưa nước này vào nhóm 5 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Quốc gia này có tiềm năng vượt Nhật Bản trong năm 2025 và vượt Đức vào năm 2027.

Con đường phía trước

Tuy nhiên, các kế hoạch thuế quan trả đũa của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng biến Ấn Độ thành mục tiêu. Và điều đó có thể làm xói mòn sức hấp dẫn của nước này như một điểm đến sản xuất.

Ấn Độ được cho là đang xem xét giảm thuế đối với 55% hàng nhập khẩu từ Mỹ để bảo vệ hàng xuất khẩu của mình. Hiện tại, thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ dao động từ 5 – 30%.

Dhiraj Nim của ANZ cho biết tác động thuế quan đối với hàng xuất khẩu của Ấn Độ “sẽ rất dễ kiểm soát” nhưng chúng vẫn sẽ làm tăng chi phí sản xuất và khiến các công ty gặp khó khăn trong tuyển dụng nhiều lao động.

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Piyush Goyal dự kiến ​​tổng kim ngạch xuất khẩu, bao gồm cả dịch vụ, sẽ đạt 2.000 tỷ USD vào năm 2030, tăng mức 778,21 tỷ USD trong năm tài chính 2023 – 2024. Động lực đến từ các chính sách hoàn thuế, thuế xuất khẩu và nhiều hiệp định thương mại tự do mới dự kiến được ký kết với Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ vào cuối năm nay.

Cường quốc Nam Á này hiện có 13 FTA, ít hơn so với các thị trường mới nổi như Việt Nam (17 FTA). FTA sẽ tạo ra sự thay đổi cho Ấn Độ và giúp duy trì xuất khẩu thuận lợi — giống như đối với Việt Nam, ông Nim cho biết.

“FTA sẽ giảm rào cản thương mại và giúp giảm chi phí. Điều này có thể thu hút các công ty nước ngoài đến Ấn Độ và thúc đẩy các doanh nghiệp nội sản xuất sản phẩm cạnh tranh hơn. Nhìn chung, ngành sản xuất sẽ được hưởng lợi”, ông nói thêm.

Theo CNBC