Thanh toán QR Code, NFC tăng vọt

Thanh toán QR không chỉ phổ biến khi mua sắm giá trị nhỏ mà đã mở rộng sang các lĩnh vực như điện máy, nội thất, trang sức và cả đầu tư tài chính.

Giá trị giao dịch trung bình của thanh toán QR đã tăng 20% trong năm 2024. Ảnh: Payoo.

Năm 2024, thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ và tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội. Theo báo cáo e-Conomy SEA 2024 của Google, Temasek và Bain & Company, thanh toán kỹ thuật số của Việt Nam ghi nhận tổng giá trị giao dịch đạt 149 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, hành vi thanh toán của người dùng cũng thay đổi. Không chỉ đơn giản là chuyển dịch từ tiền mặt sang không tiền mặt mà ngay trong phạm vi không tiền mặt, những hình thức thanh toán mới đang lan tỏa rộng rãi trong khi thanh toán điện tử truyền thống dần thu hẹp.

QR Code, NFC lên ngôi

Trong báo cáo năm 2024, nền tảng thanh toán Payoo cho biết thanh toán QR và công nghệ NFC đã trở thành những hình thức tiên phong trong xu hướng số hóa của nền kinh tế.

Thanh toán QR, với tốc độ tăng trưởng trung bình 8-10%/tháng, nay không chỉ phổ biến khi mua sắm tại cửa hàng tiện lợi hay trả tiền bữa ăn mà còn mở rộng sang các lĩnh vực như điện máy, nội thất, trang sức và cả đầu tư tài chính.

Thống kê từ Payoo cho thấy giá trị giao dịch trung bình của thanh toán QR đã tăng 20% so với năm 2023. Tín hiệu này phản ánh QR không còn bị xem là giải pháp thanh toán cho những giao dịch giá trị nhỏ mà đã được công nhận như một phương thức tin cậy và linh hoạt trong giao dịch giá trị cao.

Bên cạnh QR, 2024 còn là năm của thanh toán không tiếp xúc qua NFC. Trong khi thanh toán không chạm tăng trưởng trung bình khoảng 6%/tháng thì hình thức thanh toán truyền thống (quẹt/chèn chip) lại giảm 2-3%.

Đóng góp vào sự phát triển của hình thức thanh toán không tiếp xúc là các chương trình khuyến mại của nhóm ngân hàng, tổ chức thẻ như Napas, Mastercard hay Payoo.

Đặc biệt, phương thức thanh toán tích hợp thẻ vào thiết bị di động của Apple (Apple Pay) đang trở thành một xu hướng, với tốc độ tăng trưởng trung bình trên 15%/tháng.

Trước xu hướng này, các ngân hàng cũng đẩy mạnh chiến lược khai thác Apple Pay để đáp ứng nhu cầu khách hàng, đồng thời tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Người Việt đang chi tiêu vào đâu?

Nhìn lại bức tranh kinh tế 2024, Payoo đánh giá nền kinh tế Việt Nam tiếp tục trên đà phục hồi song tiêu dùng vẫn cho thấy sự phân hóa rõ rệt giữa các nhóm hàng hóa và dịch vụ.

Theo đó, các ngành hàng được phân chia làm 3 nhóm chính gồm tăng trưởng nổi bật, tăng trưởng tương đương và nhóm có xu hướng giảm nhẹ so với toàn hệ thống.

Nhóm ngành ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ gồm mặt hàng thời trang, thiết bị sức khỏe, thể thao và giáo dục, tăng khoảng 25% so với mức bình quân chung.

Trong khi nhóm tăng tương đương gồm dịch vụ ăn uống, bán lẻ, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, vui chơi giải trí. Nhóm nữ trang, đồng hồ, hàng xa xỉ tuy vẫn duy trì được sự quan tâm của người dùng nhưng có xu hướng giảm nhẹ tại một số thời điểm trong năm.

“Điều này có thể phản ánh xu hướng người tiêu dùng ưu tiên chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu hơn, đặc biệt trong bối cảnh tâm lý thắt chặt chi tiêu vẫn còn hiện diện”, đại diện Payoo chia sẻ.

nen tang thanh toan payoo,  payoo hop tac,  cong thanh toan payoo anh 1

Thanh toán online ở nhóm dịch vụ F&B vẫn tăng mạnh dù thị trường nhiều thách thức. Ảnh: Payoo.

Điểm đáng chú ý ở ngành dịch vụ ăn uống là dù thị trường F&B vẫn đang trải qua cuộc thanh lọc mạnh mẽ với nhiều cửa hàng phải đóng cửa, nhưng doanh thu từ mảng đặt hàng và thanh toán online lại ghi nhận mức tăng trưởng đều đặn trên 10%/tháng.

Điều này là một phần của chiến lược cắt giảm chi phí, đẩy mạnh bán hàng online và tiếp cận nhóm khách hàng trẻ - những người ưa thích sự tiện lợi từ các thương hiệu F&B.

Ở chiều ngược lại, các nhóm ngành điện máy, điện thoại ghi nhận mức tăng thấp hơn khoảng 20% so với bình quân chung.

Thực tế, mặt hàng công nghệ đang trải qua hơn một năm trong tình trạng “vùng trũng tăng trưởng”. Ngay cả những đợt bùng nổ ưu đãi như Black Friday, các sản phẩm công nghệ ở hầu hết trung tâm điện máy có mức giảm giá lớn nhưng sức tiêu thụ chỉ tăng 23% so với ngày thường, tương đối khiêm tốn so với các lĩnh vực khác.

Theo Payoo, xu hướng này không chỉ phản ánh hành vi người tiêu dùng mà còn gợi mở về chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế thay đổi.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.