Trong bài viết "Tương lai của than trong ngành năng lượng toàn cầu", Wood Mackenzie công bố 2 thông tin quan trọng:
Thứ nhất, sản lượng than của Châu Á - Thái Bình Dương sẽ giảm hai phần ba vào năm 2050.
Theo phân tích của các chuyên gia năng lượng thuộc Wood Mackenzie, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang trải qua giai đoạn bùng nổ đầu tư năng lượng tái tạo với 4.000 tỷ đô la Mỹ cần thiết cho các tài sản phát điện mới trong thập kỷ tới.
Dự kiến đến năm 2050, sản lượng điện gió và mặt trời sẽ tăng gần 8 lần tính từ năm 2023, trong khi than giảm hai phần ba.
Đến năm 2030, tất cả các quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ đạt công suất điện than tối đa, ngoại trừ Ấn Độ và Indonesia - nơi than tiếp tục phát triển cho đến cuối những năm 2030.
Điện hạt nhân sẽ cung cấp tải cơ bản quan trọng với công suất tăng gấp 4 lần, từ 105 Gigawatt vào năm 2023 lên 469 Gigawatt vào năm 2050 khi sản lượng nhiệt điện giảm.
Thứ hai, thị trường than nhiệt toàn cầu sẽ suy giảm, dẫn đầu là Trung Quốc.
Wood Mackenzie cho biết, thị trường than nhiệt vận chuyển bằng đường biển bắt đầu suy giảm rất mạnh trước năm 2030, với mức giảm 60% về thương mại vào năm 2050.
Mặc dù nhu cầu than nhiệt (được sử dụng trong các nhà máy điện để tạo ra điện) sẽ tiếp tục tăng ở Đông Nam Á và Ấn Độ vào những năm 2030, nhưng vẫn không bù đắp được sự suy giảm nhanh chóng trong lượng than nhập khẩu vào châu Âu, Trung Quốc, và cuối cùng là hầu hết các quốc gia còn lại trên thế giới.

Dự báo, nhu cầu than sẽ duy giảm trên toàn cầu trong các thập kỷ tới. Ảnh minh họa: BGS (UK)
Sự suy giảm nhu cầu than nhiệt của Trung Quốc - nhà sản xuất và tiêu thụ than lớn nhất thế giới - sẽ là một trong những đặc điểm chính của thị trường trong dài hạn với sản lượng than dự kiến sẽ giảm 80% vào năm 2050.
Trong trung hạn, Trung Quốc có thể sẽ giảm đáng kể lượng nhập khẩu than nhiệt qua đường biển khi nước này tìm cách giảm thiểu tác động của nhu cầu giảm đối với chuỗi cung ứng mỏ than trong nước.
Tính theo thời điểm hiện tại, than nhiệt tiếp tục dẫn đầu mức sản xuất điện kỷ lục của Trung Quốc, theo thông tin mới nhất của Power Magazine cuối tháng 1/2025.
Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy sản lượng điện từ các ngành than, dầu, khí đốt tự nhiên và điện hạt nhân của nước này tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy là tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong thập kỷ qua nhưng vẫn đạt mức kỷ lục 6,34 nghìn tỷ kilowatt giờ.
Các quan chức nước này cho biết nhu cầu điện tiếp tục tăng trên khắp Trung Quốc mặc dù quốc gia này có thêm năng lượng gió và mặt trời kỷ lục.
Tín hiệu đáng mừng?
Đối với các nhà môi trường, việc thế giới giảm nhu cầu than để chuyển sang các nguồn năng lượng sạch khác như năng lượng tái tạo là một tín hiệu đáng mừng. Vì than là nhiên liệu hóa thạch có hàm lượng carbon cao nhất, thải ra nhiều hơn 72% CO2 gây biến đổi khí hậu trên mỗi đơn vị năng lượng so với khí đốt.

Quá trình khai thác than cũng gây hại môi trường. Ảnh: Worldanimalfoundation
Than gây ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu bắt đầu từ quá trình khai thác (gây hại cho đất đai, nguồn nước và động vật hoang dã) đến việc đốt than.
Các nhà máy điện bằng than thải ra hơn 60 loại chất gây ô nhiễm không khí nguy hại khác nhau, trong đó có SO2 (lưu huỳnh đioxit) và NOX (nitơ oxit). Mặc dù đã đầu tư hàng tỷ đô la, các nhà khoa học vẫn không thể loại bỏ hoàn toàn khí thải độc hại từ các nhà máy nhiệt điện than.
Hậu quả của khai thác than/sử dụng than vì thế làm nổi bật tầm quan trọng của quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo trên toàn cầu, nhằm đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050 của nhiều chính phủ.