Thế khó của Thủ tướng Thái Lan về kế hoạch phát tiền cho người dân
Ngày 10/11, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin thông báo Chính phủ sẽ cấp 10.000 baht (tương đương 280 USD) cho mỗi công dân với một số điều kiện. Ông yêu cầu mọi người cùng mua sắm vì lợi ích đất nước.
Thủ tướng Srettha nói trên truyền hình: “Tôi khuyến khích tất cả những ai đủ điều kiện tham gia chương trình này, hãy tự nguyện chi tiêu. Mỗi người trong số các bạn đang tham gia vào nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng và giữ ổn định nền kinh tế đất nước. Chi tiêu là cách hợp lý để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế cấp bách, đã diễn ra suốt một thập kỷ.”
Sau khi Thái Lan trải qua gần 10 năm dưới sự điều hành của Chính phủ liên kết với quân đội, đảng Pheu Thai đã vận động với cam kết giải bài toán quản lý kinh tế yếu kém, khiến đất nước đối diện nguy cơ tụt lại so với láng giềng ở Đông Nam Á. Trong 100 ngày đầu làm Thủ tướng của ông Srettha, áp lực buộc Pheu Thai phải thực hiện một số cam kết đầy tham vọng nhưng không ít tranh cãi.
Kế hoạch của Pheu Thai, là chuyển 500 tỷ baht (15 tỷ USD), tương đương 3% tổng sản phẩm quốc nội, vào thẳng tài khoản của 50 triệu công dân có thu nhập dưới 70.000 baht mỗi tháng và số tiền tiết kiệm trong ngân hàng ít hơn 500.000 baht. Nhưng một số rào cản ở Quốc hội, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp, có thể trì hoãn kế hoạch này sớm nhất đến tháng 5/2024.
Trong khi đó, Thủ tướng Srettha và nội các đã giành chiến thắng nhanh chóng ở một số chính sách khác, như trợ cấp ngắn hạn nhằm giảm 10% chi phí điện và nhiên liệu cho người dân từ tháng 9/2023. Đến cuối tháng 10, những nỗ lực của ông khiến 55% số người được Viện Quản lý Phát triển Quốc gia (NIDA) khảo sát cho biết, họ rất hài lòng, trong khi 40% nói chưa hài lòng.
Về chính sách đối nội, ông ấy đang điều hướng một không gian rất hẹp. Ông ấy không phải là người lãnh đạo đảng của mình. Ông ấy cũng không phải là thành viên Quốc hội. Không gian và quyền lực của ông ấy bị giới hạn.
Ông Napon Jatusripitak, chuyên gia tại Viện ISEAS-Yusof Ishak
Theo hệ thống chính trị Thái Lan, hiến pháp cho phép người không phải là nhà lập pháp trở thành Thủ tướng. Họ chỉ cần có tên trong danh sách ứng viên được đệ trình tới ủy ban bầu cử. Pheu Thai gần đây đã bầu bà Paetongtarn Shinawatra, con gái của người sáng lập đảng và cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, làm lãnh đạo.
Ông Napon Jatusripitak cho biết thêm, điều này giải thích tại sao điểm nhấn trong những tháng đầu tiên của Thủ tướng Srettha là về đối ngoại, nơi ông dễ dàng tạo sự khác biệt so với người tiền nhiệm Prayuth Chan-ocha. Giống như ông Srettha, cựu Thủ tướng Prayuth chưa bao giờ là thành viên Quốc hội, dù đã điều hành Chính phủ khoảng 9 năm.
Tự nhận là “người marketing” của Thái Lan, ông Srettha đã thăm 10 quốc gia từ khi nhậm chức tháng 8/2023, trong đó có láng giềng ở Đông Nam Á, Trung Quốc để dự diễn đàn “Vành đai và Con đường”, Ả Rập Saudi và hai lần tới Hoa Kỳ tham dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc với Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Tại APEC, Thủ tướng Srettha đã mang về 300 tỷ baht (9 tỷ USD) cam kết đầu tư từ Amazon Web Services, Google và Microsoft.
Chiến sự giữa Israel và Hamas ngày 7/10 mang đến cho Thủ tướng Srettha thách thức đối ngoại đầu tiên. Các trợ lý cho biết, ông thực hiện cách tiếp cận đầy thực tế trong việc hồi hương hàng nghìn công nhân từ Israel, cũng như tiến hành đàm phán để Hamas thả hơn hai chục con tin người Thái. Một nửa số đó đã được Hamas trả tự do, trong thời gian ngừng bắn tạm thời giữa 2 bên từ 24 đến 27/11.
Theo 1 cuộc thăm dò khác của NIDA, 69% người dân được hỏi cho biết, họ hài lòng với thành tựu đối ngoại của Thủ tướng Srettha.
Nhưng khi các hội nghị thượng đỉnh quốc tế kết thúc, Thủ tướng Srettha giờ đây đối mặt với nhiệm vụ khó khăn, là xây dựng và thông qua đạo luật cho phép Chính phủ vay 500 tỷ baht, để phân phát tới người dân.
Đảng Pheu Thai đã từ bỏ tham vọng ban đầu, là tặng 10.000 baht cho mọi công dân từ 16 tuổi trở lên, thay vào đó đặt ra giới hạn những người nhận được trợ cấp phải có lương hàng tháng dưới 70.000 baht cũng như tiền tiết kiệm ngân hàng ít hơn 500.000 baht. Người nhận phải chi tiền trong sáu tháng tiếp theo, để mua thực phẩm, đồ uống không cồn hoặc sản phẩm tiêu dùng khác trong khu vực bầu cử của mình.
Ông Prommin Lertsuridej, cố vấn kinh tế của Thủ tướng Srettha cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng, công nghệ blockchain sẽ được tích hợp vào Pao Tang – một ứng dụng di động phổ biến chuyên về các dịch vụ điện tử, như ngân hàng hay chăm sóc sức khỏe, để ngăn chặn hành vi gian lận. Trên lý thuyết, Chính phủ có thể theo dõi các giao dịch trên blockchain, nhằm xác định người đủ điều kiện nhận tiền.
Theo 1 cuộc thăm dò khác của NIDA, 50% số người được hỏi ủng hộ hỗ trợ tiền tới tất cả mọi người như dự kiến ban đầu của Pheu Thai. Kế hoạch này sau đó gặp phản đối từ Ngân hàng Trung ương, nên Chính phủ điều chỉnh thêm một số giới hạn.
Khi Thủ tướng Srettha công bố kế hoạch ban đầu, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Sethaput Suthiwartnarueput đã lên tiếng chỉ trích. Ông nói: “Điều chúng ta thực sự thiếu hiện nay, không phải tiêu dùng mà là đầu tư. Các chính sách nên tập trung vào thu hút đầu tư, và hướng đến từng nhóm người cụ thể. Ví dụ những đối tượng thực sự khó khăn. Điều đó sẽ tiết kiệm ngân sách quốc gia, vì không phải ai cũng cần 10.000 baht.”
Mối lo ngại của lãnh đạo Ngân hàng Trung ương nằm ở nguy cơ lạm phát, từ việc bơm vốn vào nền kinh tế. Cố vấn Prommin bác bỏ sự rạn nứt giữa Chính phủ và Ngân hàng Trung ương. Ông giải thích: “Chính phủ và Ngân hàng Trung ương có chung mục tiêu là tăng thu nhập và giữ lạm phát ở mức thấp. Lạm phát chung ở mức âm trong tháng 10, cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng, nhưng vẫn tồn đọng nhiều vấn đề cần xem xét.”
Ngay cả các doanh nghiệp ở thành trì Đông Bắc có truyền thống ủng hộ Pheu Thai cũng hoài nghi về kế hoạch phát tiền. Ông Natchais Srisukpornchai, Chủ tịch Phòng Thương mại ở Surin, Buriram, Chaiyaphum và Nakhon Ratchasima cho biết: “Chúng tôi đồng ý với lo ngại của Chính phủ, về tình trạng thiếu thanh khoản trong nền kinh tế, nhưng chúng tôi sợ nợ công sẽ phình to. Chúng tôi muốn số tiền được phân phát tới những đối tượng thực sự cần trước tiên, sau đó mới nghĩ khả năng mở rộng.”
Dù khó xử, nhưng đảng Pheu Thai được cho khó rút lại cam kết. Tại Buriram, một trong những tỉnh nghèo nhất Thái Lan, chương trình hỗ trợ tiền mang đến cho Pheu Thai hình ảnh mới, ngoài các khoản trợ cấp cho nhiều trang trại nông nghiệp và đảm bảo giữ giá nông sản trước đó.
Ông Peerapat Thongteerasakul, một luật sư từng tranh cử làm nghị sĩ ở Buriram nói: “Mọi người muốn có tiền trước tiên. Các chính sách nông nghiệp không hấp dẫn nữa. Trợ cấp tiền thu hút mọi người, nhưng kế hoạch thực hiện quá chậm.”
Ông Peerapat từng thua trước ứng viên đảng Bhumjaithai đang chiếm ưu thế ở tỉnh Buriram. Nếu chính sách kinh tế của Pheu Thai thất bại, ông thấy mối đe dọa lớn hơn trong cuộc bầu cử tiếp theo. Tư tưởng tiến bộ của đảng Move Forward đang ngày càng thuyết phục người dân. Move Forward về nhất trong cuộc bầu cử vừa rồi, nhưng không được đứng ra thành lập Chính phủ.
Ông Peerapat khẳng định: “Bhumjaithai có tiền. Pheu Thai có kinh nghiệm và tiền. Move Forward không có những cái đó, nhưng có lý tưởng.”
Hiện là đảng đối lập chính, Move Forward cũng cảnh báo việc vay tiền cho kế hoạch của Pheu Thai, sẽ đẩy nợ công lên 64% GDP, ngay sát mức trần 70%. Các nhà phân tích tại BMI Research dự báo, thâm hụt ngân sách có thể tăng lên 3,6% GDP vào năm 2024, cao hơn cả mức 2,7% trước đại dịch.
Nhiều nhà kinh tế thời gian qua cũng phản đối cách miêu tả của Thủ tướng Srettha về tăng trưởng, để lấy lý do cho gói hỗ trợ. Theo Thủ tướng Srettha, GDP của Thái Lan đang khủng hoảng, khi quý 3/2023 chỉ tăng 1,5%, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng từ thị trường. Các chuyên gia tại Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia (NESDC), đã khuyên Chính phủ nên dùng gói kích cầu trị giá 500 tỷ baht này, vào việc cải thiện xuất khẩu, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cấp cơ sở hạ tầng, tăng tốc chuyển đổi số, cải thiện năng suất nông nghiệp và hiệu quả trong sử dụng nguồn nước.
Ngoài e ngại từ nhiều bên, hiện nay gói hỗ trợ đang vướng rắc rối liên quan tới 1 dự luật về tài chính. Nội các Thái Lan đang nỗ lực giải quyết vấn đề, trước khi đưa ra Quốc hội xem xét thông qua vào tháng 1/2024, nơi liên minh Pheu Thai chiếm đa số tại Hạ viện.
Cố vấn Prommin nói với các nhà báo: “Chúng tôi không có kế hoạch B dự phòng. Mọi người đang chờ đợi những gì có thể xảy ra tiếp theo.”