Thêm 830 tỷ cho dự án cải tạo môi trường kênh, Chủ tịch TPHCM nói gì?

HĐND TPHCM vừa thông qua đề xuất điều chỉnh tăng vốn đầu tư hơn 830 tỷ đồng để cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên.

Ngày 14/11, tại kỳ họp thứ 19 HĐND TPHCM khóa X, các đại biểu đã thông qua đề xuất điều chỉnh chủ trương cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn).

Dự án do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị làm chủ đầu tư, đi qua các quận 12, Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân, Tân Phú và huyện Bình Chánh.

Thêm 830 tỷ cho dự án cải tạo môi trường kênh, Chủ tịch TPHCM nói gì?- Ảnh 1.

Các đại biểu biểu quyết thông qua đề xuất điều chỉnh chủ trương cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Ảnh: Anh Nhàn

Về mức đầu tư, dự án được điều chỉnh tăng từ 8.200 tỷ đồng lên hơn 9.030 tỷ đồng (tăng hơn 830 tỷ đồng).

Trong đó, việc điều chỉnh tăng vốn là do tăng chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng , di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, tăng chi phí xây dựng do đầu tư bổ sung các hạng mục công trình...

Dự án cũng phải thực hiện di dời 7 trụ điện cao thế, nâng cấp 2 tuyến đường dây 500kV đạt cao trình đúng quy định, di dời, tái lập các hạng mục công trình thuộc khu chôn lấp rác Gò Cát.

Thêm 830 tỷ cho dự án cải tạo môi trường kênh, Chủ tịch TPHCM nói gì?- Ảnh 2.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ tại kỳ họp. Ảnh: Anh Nhàn

Về quy mô sử dụng đất, dự án được điều chỉnh tăng thêm 3.592 m2 vào ranh dự án đã được thông qua chủ trương đầu tư. Việc điều chỉnh quy mô đất nhằm bố trí đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật suốt tuyến theo đúng phương án thiết kế đoạn qua khu chôn lấp rác Gò Cát, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân.

Dự án sẽ bổ sung thêm 75 hệ thống bến lấy nước phòng cháy chữa cháy tại 7 quận, huyện. Việc này được đánh giá là rất cấp thiết để đáp ứng kịp thời nguồn nước phục vụ chữa cháy khi có sự cố xảy ra.

Đặc biệt, để đảm bảo việc kết nối đồng bộ thoát nước cho các lưu vực dọc tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, dự án được bổ sung đầu tư 39 cửa xả dọc tuyến.

Về thời gian thực hiện, dự án được điều chỉnh kéo dài thêm một năm. Giai đoạn 2021 - 2025 sẽ phục vụ đầu tư hoàn thành dự án theo tiến độ đã được UBND TP phê duyệt. Năm 2026 sẽ thanh toán chi phí giữ lại 5% của các gói thầu, bàn giao, quyết toán, kết thúc dự án.

Điều chỉnh vốn không liên quan việc khởi tố lãnh đạo ban quản lý dự án

Giải trình thêm về việc tăng vốn dự án này, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, dự án lẽ ra sẽ hoàn thành toàn bộ vào dịp 30/4/2025 nhưng phải điều chỉnh vì có những nội dung chưa được tính toán đủ hoặc phát sinh thêm. Do đó, việc điều chỉnh vốn sẽ góp phần giúp dự án hoàn thành đúng độ.

"Những lỗi nào trong xây dựng hồ sơ do tư vấn, chủ đầu tư không nhận diện được thì TPHCM sẽ kiểm điểm tập thể, cá nhân liên quan", ông Phan Văn Mãi nói.

Thêm 830 tỷ cho dự án cải tạo môi trường kênh, Chủ tịch TPHCM nói gì?- Ảnh 3.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Anh Nhàn

Về việc Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị vừa bị khởi tố, Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định không liên quan đến vấn đề tăng vốn dự án. Chủ trương điều chỉnh đầu tư lần này là bình thường.

Theo ông Phan Văn Mãi, khi lãnh đạo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM bị khởi tố, người điều hành dự án có chậm. Thành phố đã củng cố lại nhân sự để tập trung điều hành với tinh thần quyết liệt.

“UBND TPHCM cam kết với HĐND TPHCM sẽ tập trung điều hành để dự án cơ bản hoàn thành, đảm bảo khối lượng, chất lượng, tiến độ”, ông Phan Văn Mãi khẳng định.

Dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên có chiều dài toàn tuyến hơn 32 km. Dự án sau khi thực hiện sẽ chống ngập, giải quyết ô nhiễm, gia tăng sản lượng cây trồng, gia tăng GDP khi vận chuyển hàng hóa, vận chuyển hành khách trên sông.

Bên cạnh đó, dự án cũng sẽ chỉnh trang đô thị và cải thiện môi trường khu vực, đồng thời, góp phần cùng các dự án khác bảo đảm giao thông thủy theo tiêu chuẩn đường thủy nội địa.