Thi công thần tốc nhờ công nghệ đặc biệt, Đèo Cả báo đã đào thông hầm

Hầm số 2 dài 355m thuộc gói thầu XL01, dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét chính thức được đào thông (Ảnh: Công thông tin điện tử tỉnh Quảng Bình)

Thi công thần tốc nhờ công nghệ đặc biệt, Đèo Cả báo đã đào thông hầm- Ảnh 1.

Theo CTCP Tập đoàn Đèo Cả, ngày 30/10/2024, tại xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình, hầm số 2 dài 355m thuộc gói thầu XL01, dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét chính thức được Liên danh Ilsung – Đèo Cả đào thông, vượt tiến độ 2 tháng.

Dự án Cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh được khởi công vào ngày 22/3/2024. Hồi tháng 5/2023, trang cẩm nang Lonely Planet bình chọn tuyến đường sắt Hà Nội - TP. HCM của Việt Nam xếp vị trí đầu tiên trong danh sách những tuyến đường sắt đẹp nhất thế giới.

Dự án gồm 2 gói thầu, gói XL-1 và gói XL-02. Trong đó, gói thầu XL-01 thi công xây dựng 2 hầm đường sắt, tổng chiều dài 935m, thời gian thực hiện 23 tháng do liên danh Công ty Xây dựng Ilsung (Hàn Quốc) - Tập đoàn Đèo Cả thực hiện.

Đèo Cả cho biết, đến nay, Liên danh nhà thầu đã huy động 230 kỹ sư, công nhân, lái máy cùng hơn 35 máy móc thiết bị chuyên dụng, tổ chức đồng loạt 4 mũi thi công trên 2 hầm. Khối lượng thi công hầm 1 đạt 130md/580md và hầm 2 hoàn thành 355md/355md. Sản lượng thi công đạt 120 tỷ đồng, vượt 9% tiến độ đề ra.

Ông Nguyễn Duy Sông, Giám đốc Ban Điều hành gói thầu XL01 nhấn mạnh, lễ thông hầm tổ chức ngày 30/10 là dấu mốc quan trọng, thuận tiện hơn cho việc vận chuyển nhiên liệu, hàng hóa, nhân lực thi công, đẩy mạnh tiến độ thực hiện dự án.

Ông cũng cho biết thêm, Hầm đường sắt Khe Nét được áp dụng công nghệ NATM trong thi công. Công nghệ này đã được Đèo Cả làm chủ và cải tiến, áp dụng tại nhiều dự án hầm đường bộ mà Đèo Cả đã và đang thực hiện.

Được biết, công nghệ NATM (New Austrian Tunneling Method) là phương pháp xây dựng ngầm phổ biến toàn cầu, giúp thi công linh hoạt trong nhiều điều kiện địa chất và an toàn hơn so với công nghệ xây hầm truyền thống.

Công nghệ NATM gồm 10 bước, sau khi đánh dấu vị trí nổ mìn, đơn vị thi công nổ mìn theo từng gương hầm (diện tích cần đào), xúc dọn đất đá rồi làm lưới thép bao quanh bề mặt hầm, phun bêtông trên lưới thép, khoan lỗ cắm neo gia cố địa chất.

Tiếp theo, đơn vị thi công bao phủ hầm bằng chất liệu vải đặc biệt để chống nước, đổ bêtông vỏ hầm và làm nền đường.

Đèo Cả cho biết, hai hầm đường sắt Khe Nét có tính đặc thù chạy men theo sườn núi, tầng phủ mỏng, địa chất hầm phức tạp, thay đổi liên tục, không theo thiết kế kỹ thuật ban đầu. Để khắc phục, Liên danh nhà thầu đã phối hợp với chủ đầu tư, tư vấn giám sát bám sát công trường và đưa ra các phương án gia cố phù hợp, đảm bảo an toàn, chất lượng theo địa chất thực tế.

Bên cạnh đó, quá trình thi công cũng gặp phải khó khăn từ việc bàn giao mặt bằng, thuê đất để làm đường công vụ và tìm kiếm vị trí bãi đỗ thải phù hợp. Để đảm bảo tiến độ đề ra, liên danh nhà thầu đã nỗ lực, chủ động đưa ra các giải pháp thi công, đẩy mạnh công tác đào tạo nội bộ…

Mục tiêu đào thông hầm 1 trước tháng 4/2025, thi công đổ bê tông vỏ và hoàn thiện hầm 1 trước 11/2025 và hầm 2 trước tháng 9/2025.

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Bình, dự án hoàn thành sẽ góp phần giảm tải giao thông, đồng thời nâng cao năng lực vận chuyển; tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, giúp tăng cường kết nối giữa các vùng miền, đóng góp tích cực vào mạng lưới giao thông Quốc gia.