Bên lề hội thảo tổng kết vận dụng chiến lược 6C trong dạy học môn giáo dục thể chất cấp tiểu học diễn ra tại Hà Nội ngày 13/5, GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho biết, thời gian qua, tầm vóc của người Việt đã có sự cải thiện nhưng tương đối chậm so với các nước trong khu vực.
Nếu so với các nước như Nhật, Hàn, kể cả một số nước trong khu vực Đông Nam Á thì chúng ta vẫn còn tương đối nhỏ, thấp so với mặt bằng trung bình.

GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (Ảnh: N.P).
Theo ông, có 3 yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển tầm vóc, thể chất là gen, dinh dưỡng và vận động. Gen là yếu tố chúng ta không thể thay đổi, chúng ta chỉ có thể tác động vào 2 yếu tố còn lại. Thứ nhất là hình thành thói quen vận động nhiều hơn. Thứ hai là về ăn uống, bữa sáng, bữa trưa là 2 bữa rất quan trọng đối với trẻ nhỏ.
"Ví dụ, Nhật có chính sách dinh dưỡng học đường, họ yêu cầu 100% các trường triển khai ăn bán trú buổi trưa. Điều này góp phần cải thiện tầm vóc của người Nhật rất nhiều.
Vì vậy, chúng ta quyết liệt triển khai học 2 buổi 1 ngày, tăng cường môn giáo dục thể chất, yêu cầu có bữa ăn bán trú cho học sinh là điều kiện tiên quyết trong thời gian tới", GS Vinh nói.
Trẻ em ngày càng có ít thời gian cho các hoạt động thể chất
Ông cho biết thêm, thực tế, với cuộc sống hiện nay, nhiều học sinh khu vực thành phố không có nhiều cơ hội để vận động ngoài nhà trường.
Học sinh thường học cả ngày ở trường, đến chiều về nhà và ít có thời gian vận động ngoài trời. Vì thế nếu ở trường, các em không tích cực tham gia vận động thì thời gian vận động rất ít. Điều này sẽ hạn chế sự phát triển sức khỏe của trẻ.
Hiện nay, trong chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục thể chất chỉ 2 tiết 1 tuần và như vậy là không đủ, có thể mở rộng 4 tiết 1 tuần.
"Việc vận động của trẻ nhỏ không chỉ đến từ các tiết học mà còn cần được hình thành như một thói quen. Chúng tôi mong muốn qua việc trẻ năng động hơn, tích cực hơn, các em có thói quen vận động hằng ngày", GS Vinh nhấn mạnh.
Các tiết học giáo dục thể chất không chỉ giúp học sinh nâng cao thể lực và kỹ năng vận động, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành lối sống lành mạnh, tinh thần kỷ luật và sự tự tin cho học sinh.
Chiến lược 6C được vận dụng trong các giờ giáo dục thể chất thông qua các trò chơi sẽ giúp tất cả các trẻ tự tin tham gia, từ đó, tạo được sự hứng khởi, yêu thích vận động của trẻ.
Chiến lược 6C gồm 6 yếu tố: Confidence (tự tin), Contribution (đóng góp), Connection (gắn kết), Clear/Concise (rõ ràng/súc tích), Choice (lựa chọn) và Celebration (công nhận, khen ngợi).
Chiến lược này nằm trong dự án "Phát triển Giáo dục thể chất trong nhà trường tiểu học ở Việt Nam" (Active with Sports) được khởi động từ năm 2020. Mục đích của dự án là phát triển giáo dục thể chất trong các trường tiểu học trên toàn quốc.