Phó giáo sư Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM cho biết, vụ học sinh trường THCS Tân Túc (huyện Bình Chánh, TPHCM) đi chơi phải nhập viện, nghi ngờ ngộ độc thực phẩm, có tổng gần 500 học sinh tham gia chuyến đi.
Ban đầu, các trẻ có đi chơi ở tuyến Metro số 1, sau đó di chuyển đến Công viên Văn hóa Đầm Sen (quận 11).
Trong quá trình di chuyển, tất cả trẻ cùng ăn bánh mì được đặt mua tại cơ sở H.G. (quận 6), sau đó hơn 30 trường hợp xuất hiện các triệu chứng đau bụng, nôn ói…
Tổng cộng, có 37 trường hợp phải vào Bệnh viện quận 11 cấp cứu ngày 29/3, bao gồm 33 học sinh và 2 giáo viên trường THCS Tân Túc, 1 tài xế và một trẻ 6 tuổi là người thân của thành viên trong đoàn.
Sau khi được can thiệp điều trị trong thời gian ngắn, hầu hết các học sinh đã ra về trong ngày 29/3, còn lại một vài trẻ giữ lại theo dõi thêm.

Các học sinh trường THCS Tân Túc phải vào Bệnh viện quận 11 cấp cứu ngày 29/3 (Ảnh: DT).
Nắm thông tin sự việc, các Phòng Y tế quận 11, quận 6 và huyện Bình Chánh đã phối hợp với Sở An toàn thực phẩm TPHCM tiến hành theo quy trình xử lý ngộ độc, phát bảng hỏi để nắm mức độ triệu chứng của các nạn nhân, tìm bữa ăn nghi ngờ…
Mẫu bánh mì các học sinh ăn đã được mang đi kiểm nghiệm, cấy vi khuẩn (dự kiến 7-10 ngày sẽ có kết quả). Cơ sở sản xuất bánh mì H.G. cũng được cơ quan chức năng kiểm tra toàn diện về giấy phép kinh doanh và việc đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Mẫu bánh mì các học sinh ăn đã được mang đi kiểm nghiệm (Ảnh minh họa: AT).
Nếu xác định không đảm bảo, Sở An toàn thực phẩm TPHCM sẽ tiến hành đình chỉ cơ sở. Đến thời điểm này, chưa thể khẳng định vụ việc trên là ngộ độc thực phẩm.
"Mục tiêu của chúng tôi là làm sao để không xảy ra ngộ độc. Trong môi trường trường học, chúng tôi đánh giá các em học sinh là đối tượng nhạy cảm và rất nguy hiểm khi sự việc xảy ra.
2 vụ việc nghi ngờ ngộ độc thực phẩm vừa qua (trong đó có vụ của trường THCS Tân Túc) có quy mô lớn, đã được nắm bắt và xử lý ngay lập tức.
Hiện nay đang bước vào tháng rất nóng, giai đoạn chuyển mùa, vi khuẩn dễ sinh sôi nảy nở. Cẩn thận là trách nhiệm của chúng ta, nhưng sự cố vẫn có thể xảy ra", bà Phong Lan cảnh báo.
Liên quan đến vụ việc trên, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đề nghị Sở An toàn thực phẩm TPHCM chỉ đạo bệnh viện có bệnh nhân nghi ngộ độc tập trung mọi nguồn lực tích cực điều trị, không để ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng các bệnh nhân.
Cơ quan chức năng địa phương cần tổ chức điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ nghi ngờ ngộ độc theo quy định, truy xuất đến tận cùng nguồn gốc thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân,
Bên cạnh đó, cần tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở nghi ngờ gây ngộ độc, điều tra việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm của cơ sở; xử lý nghiêm các vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có) và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.