Ngày 15/4, Công an tỉnh Thái Bình đã phát đi thông tin cảnh báo thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến ship hàng. Theo đó, các dịch vụ xe công nghệ ngày càng trở nên phổ biến, kéo theo nhu cầu lớn về tài xế. Tuy nhiên, một thực trạng đáng báo động đang xảy ra: một số đối tượng đã lợi dụng việc mua bán, thuê mướn tài khoản tài xế để thực hiện hành vi lừa đảo và các hoạt động phi pháp khác. Việc mua bán, cho thuê tài khoản không chỉ vi phạm quy định của các nền tảng công nghệ mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý nghiêm trọng.
Thông qua việc mua hoặc thuê lại các tài khoản tài xế đối tác của người khác trên mạng xã hội, các đối tượng lừa đảo đã sử dụng những tài khoản này để nhận đơn ship hàng hóa có giá trị cao (điện thoại, máy tính xách tay, máy ảnh…) từ khách hàng sau đó thực hiện hủy chuyến ship và chiếm đoạt những tài sản này một cách trái phép.

Người dân mua hàng online cần cảnh giác khi người giao hàng gọi điện yêu cầu chuyển khoản mà chưa nhận hàng. (Ảnh minh họa)
Đáng chú ý là các đối tượng thường có hành vi ngụy trang kỹ lưỡng để tránh bị nhận diện. Chúng luôn đeo khẩu trang, đội mũ bảo hiểm kín mặt, thậm chí che cả biển số xe khi đến nhận hàng từ người gửi. Những thủ đoạn này nhằm đánh lừa khách hàng, đồng thời gây khó khăn cho cơ quan điều tra khi truy vết.
Với thủ đoạn tinh vi này, người dân cần hết sức cẩn trọng, đặc biệt là khi giao nhận những món hàng có giá trị lớn. Không nên chủ quan với các bước xác nhận đơn giản trên app mà cần đối chiếu trực tiếp thực tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tài sản của mình.
Để kịp thời ngăn chặn các hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cơ quan Công an khuyến cáo:
1. Khi sử dụng các App xe công nghệ cần kiểm tra kỹ thông tin tài xế, điểm đánh giá của khách hàng đối với tài xế.
2. Khi tài xế đến nhận hàng cần yêu cầu bỏ khẩu trang để xác nhận thông tin tài xế phải khớp với thông tin hiển thị trên App (giao diện mặt, biển số xe…) thì mới giao hàng cho tài xế để thực hiện vận chuyển.
3. Cần ghi rõ giá trị, nội dung của đồ vật cần vận chuyển (ship). Quay video clip lại quá trình giao nhận đồ vật cho tài xế.
4. Chỉ thực hiện việc đặt dịch vụ vận chuyển thông qua các ứng dụng gọi xe công nghệ chính hãng, không thỏa thuận sử dụng dịch vụ ngoài hoặc thanh toán theo yêu cầu của tài xế.
Bên cạnh đó, đã có nhiều trường hợp “sập bẫy” shipper giả mất hàng chục triệu đồng, thậm chí có người còn bị nhóm đối tượng dẫn dắt truy cập vào đường link và làm theo hướng dẫn, sau đó hack sạch tiền trong tài khoản.
Theo chia sẻ của anh N.V.B, một người thường xuyên mua hàng online ở Hà Nội, vào ngày 22/9, anh nhận được điện thoại nhận hàng của shipper. Do là Chủ nhật không ở cơ quan, anh yêu cầu thứ Hai chuyển, nhưng shipper nêu lý do “thứ Hai em bận quá, sợ thứ Tư, thứ Năm mới chuyển, chậm hàng của anh”. Thế là anh đồng ý để shipper đưa hàng cho bác bảo vệ, còn mình chuyển khoản cho shipper.
10 phút sau, shipper gọi lại, giọng gần như khóc nói em cho anh nhầm số tài khoản, số tài khoản đó để đăng kí làm nhân viên giao hàng tiết kiệm, nhờ anh gọi lên tổng đài hủy, kẻo anh sẽ bị trừ mỗi tháng 3 triệu vì họ có số tài khoản của anh, họ sẽ hoàn tiền lại và anh gửi lại cho em.
Anh B đã gọi tổng đài theo số shipper cho, có đường link, người nghe máy hướng dẫn anh truy cập vào trang web làm thủ tục. Sau đó, một nhân viên khác gọi cho anh hướng dẫn cơ chế hủy, hoàn tiền… khá phức tạp. Thấy nhân viên hướng dẫn tỉ mỉ, nhiệt tình nên anh B không mảy may nghi ngờ. Nhân viên này trấn an: “Anh muốn lấy lại tiền bồi hoàn từ công ty, anh phải làm các thao tác cụ thể theo hướng dẫn”. Theo chia sẻ của anh B, lúc đó anh như bị “thao túng tâm lý”, tin nhân viên đang giúp mình và giúp shipper lấy lại tiền nên anh đã mất cảnh giác làm theo họ chỉ dẫn.
“Ngay lập tức tiền trong tài khoản của mình bay. Mọi người nghĩ làm sao lại dễ thế nhưng ở đoạn này một người nói giọng rất dễ nghe, tử tế, dùng các thuật ngữ như "giao dịch tài chính công ty", “bồi hoàn tiền từ công ty”, “cơ chế chi trả tự động”, “trên hệ thống”… khiến cho người nghe bị dẫn dắt và tin theo…”, anh B cho biết. Tinh vi hơn, khi anh kêu mất tiền, các đối tượng hứa hẹn sẽ báo với cấp trên xử lý, sếp sẽ gọi cho anh. Anh B tiếp tục gọi cho tổng đài và cũng nhận được nội dung hứa hẹn như trên. Nhưng chờ mãi không thấy “sếp” nào gọi, anh liên lạc lại thì các đối tượng đã khoá máy. Toàn bộ số tiền trong tài khoản của anh đã “không cánh mà bay”.
Theo anh B, nhóm đối tượng trên có ít nhất 4 người phối hợp để từng bước dẫn dắt anh rơi vào “bẫy” lừa đảo. Trước đó, các đối tượng đã điều tra thời gian anh không trực tiếp có mặt để nhận hàng và “tung chiêu” lừa bịp.
Cùng với thủ đoạn trên, chị T.N (trú tại Hà Nội) cũng bị các đối tượng lừa một số tiền lớn. Theo chị N, shipper gọi cho chị nói có đơn hàng 239.000 đồng, sau khi chị chuyển khoản xong, người giao hàng này gọi lại báo đã nhắn nhầm số tài khoản đăng ký Hội viên shipper, giờ chị phải huỷ, nếu không chị sẽ trở thành hội viên và số tiền 239.000 đồng sẽ bị trừ vào phí hội viên. Vì muốn huỷ nên khi đối tượng gửi đường link “yêu cầu bồi hoàn tiền và huỷ hội viên”, chị N đã làm theo các hướng dẫn mà theo chị là “rất nhiều thao tác phức tạp”. Để dẫn dắt chị vào “bẫy”, chúng tạo group 4 người (gồm chị và 3 “nhân viên”) với lý do hướng dẫn luôn một lần cho tiện, nhằm tạo lòng tin cho chị N yên tâm.
Theo hướng dẫn của các đối tượng, chị N thực hiện thao tác chuyển khoản nhiều lần nhưng các đối tượng luôn nói chị làm sai. Vì thế, chiều hôm trước chị đã chuyển khoản 40 triệu đồng nhưng vẫn chưa lấy lại được tiền. Sáng hôm sau chúng tiếp tục hướng dẫn chị làm lại, chị chuyển khoản tiếp 6 lần với số tiền 80 triệu đồng. Sau khi chuyển xong, kiểm tra lại, chị mới tá hỏa phát hiện mình bị lừa. Nhưng lúc này các đối tượng đã “lặn mất tăm”, gọi điện đều không liên lạc được.