Thực tế phũ phàng sau khi tiền ảo Pi lên sàn

Tiền ảo Pi vừa lên sàn đã bị mất giá thảm hại. Trong khi sàn giao dịch OKX liên tục báo lỗi, sàn Bybit từ chối niêm yết Pi Network thì bị hack mất hàng tỷ USD.

Thời điểm tối 21/2, sau hơn một ngày lên sàn OKX (Hong Kong, Trung Quốc), tiền ảo Pi Network được giao dịch quanh mức 0,6 USD/Pi, đây là mức thảm hại so với giá 2 USD/Pi vào thời điểm mở cửa.

Trước đó, ngay khi niêm yết ngày 20/2, giá tiền ảo Pi đã lập tức "nhảy múa". Từ mức 2 USD, có thời điểm lên hơn 3 USD trên một số sàn ngày 20/2.

Tuy nhiên, tiền ảo này sau đó sụt xuống 0,9 USD, lên 2,1 USD, xuống 1,4 USD, rồi lại tăng 1,7 USD, rồi giảm mạnh xuống 0,79 USD và cuối cùng là chỉ còn 0,6 USD. Như vậy, so với giá niêm yết, Pi đã giảm hơn nửa giá trị chỉ sau một ngày.

Thực tế phũ phàng sau khi tiền ảo Pi lên sàn- Ảnh 1.

Tiền ảo Pi vừa lên sàn đã bị mất giá thảm hại. (Ảnh minh hoạ từ CryptoSlate)

Thực trạng này khiến các "Pi thủ" thất vọng, thậm chí là có cảm giác vỡ mộng khi những kỳ vọng trước đó không thành hiện thực.

Nhiều người từng nuôi mộng đổi đời từ việc "đào Pi" miễn phí và kiếm lời sau khi đồng tiền ảo này lên sàn. Khi Pi được niêm yết, các "Pi thủ" đã sôi sục khoe những món hời "từ trên trời rơi xuống".

Chỉ sau một ngày, mọi thứ đã đảo lộn, trên các hội nhóm trao đổi thông tin về đồng tiền ảo này, nhiều bài viết đang chia sẻ sự thất vọng nặng nề.

Đầu tư tiền ảo, rủi ro thật

Có ý kiến cho rằng việc tiền ảo Pi mất giá có thể đến từ hiện tượng "xả hàng" của người chơi khi đã gom đồng tiền ảo này trong nhiều năm miễn phí. Khi thấy tiền ảo Pi có thể giao dịch, nhiều người đua nhau xả hàng, bán tháo để mong kiếm lời.

Bên cạnh việc tiền ảo Pi mất giá, nhiều người còn đứng ngồi không yên trước hiện trạng sàn giao dịch OKX liên tục báo lỗi khiến người dùng không thể rút tiền, thực hiện giao dịch đưa đồng Pi lên sàn hay rút về ví.

Nhận định về "cơn sốt" tiền ảo Pi Network, ông Nguyễn Anh Dũng, chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại Công ty CP Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT cho rằng, loại tiền ảo này không có giá trị nội tại khi nó hoàn toàn được khai thác miễn phí và điều phối bởi đội ngũ quản trị phía sau.

Đầu tư tiền ảo giống như một hoạt động đầu cơ, người ta đổ tiền vào, mong một ngày giá lên cao để bán lấy lãi. Thế nhưng yếu tố nào khiến giá trị của những đồng tiền ảo tăng lên thì gần như không ai trả lời được. Như vậy không khác gì đánh bạc, dù cơ hội kiếm lời vẫn có nhưng rủi ro lại nhiều hơn.

Ông Dũng phân tích, khác với những loại hình đầu tư tài chính khác là nhà đầu tư có thể có những căn cứ thị trường để tính được sự lên xuống thì với tiền ảo, hầu như các quốc gia trên thế giới đều chưa công nhận, do đó đầu tư vào mô hình này sẽ kèm theo nguy cơ dễ mất thanh khoản.

"Ví dụ như với Bitcoin, một nhà sản xuất đồng ý cho khách mua ô tô bằng đồng tiền ảo này thì ngay lập tức giá trị của nó sẽ tăng lên. Thế nhưng, chỉ cần ngày hôm sau họ nói không cho mua xe bằng tiền ảo nữa thì giá trị lại nhanh chóng đi xuống. Như vậy, không có quy luật nào để tính giá lên xuống của loại hình tài chính này", ông Dũng dẫn chứng.

Với góc nhìn của một chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân, ông Dũng hướng tới mục tiêu giữ an toàn cho nguồn tài chính của nhà đầu tư, do đó, ông khuyến cáo "Pi thủ" cần cân nhắc thật kỹ khi đầu tư. Cần theo dõi thêm các biến động của thị trường, nhất là khi tiền ảo Pi đang rớt giá rất mạnh.

Theo ông Dũng, thực tế, người đầu tư mới chỉ đang mua Pi trên sàn OKX theo hình thức đặt trước, thậm chí không thể bán Pi mình sở hữu mà chỉ có thể mua vào. Do đó, nhà đầu tư cần cân nhắc nếu có ý định xuống tiền "ôm Pi" khi thấy giá xuống thấp.

"Trước đây, người đầu tư có thể kiếm Pi miễn phí bằng điện thoại thông minh. Sau nhiều năm, lượng tiền ảo này được tích cóp khá lớn, nên đến khi tiền được lên sàn thì hiện tượng thi nhau xả hàng đã xảy ra. Thực tế, chưa ghi nhận các trường hợp bán được Pi trên sàn giao dịch. Do đó, nhiều người tìm đến các kênh thu gom trên chợ đen để kiếm lời. Điều này có thể xảy ra trong ngắn hạn, đem lại tiền lời với những người xả hàng. Thế nhưng, với những nhà đầu tư có ý định đổ tiền vào để ôm hàng sẽ xuất hiện rất nhiều rủi ro", ông Dũng nói.

Trong khi đó, phân tích ở góc độ pháp lý, nhiều luật sư cho biết, theo các quy định hiện hành, tiền ảo Pi Network không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Quy định pháp luật hiện cũng chưa công nhận tiền điện tử nói chung và tiền ảo Pi Network nói riêng là tài sản. Do đó tính rủi ro của tiền điện tử này rất cao.

Vụ hack lớn nhất

Trên thế giới, ông Ben Zhou - CEO của sàn giao dịch Bybit, cũng đưa ra lời cảnh báo về tính hợp pháp của Pi, thậm chí còn gọi đây là "một trò lừa đảo". Vài ngày trước, ông cũng công khai từ chối niêm yết Pi Network trên Bybit.

Trong bài đăng trên X, ông chia sẻ, phía Trung Quốc đã từng cảnh báo Pi Network là một mô hình lừa đảo, nhắm vào người cao tuổi, gây nguy cơ mất dữ liệu cá nhân và tiền lương hưu vào năm 2023.

Theo đường link ông Zhou chia sẻ, cảnh sát thành phố Vô Tích tập hợp một số trường hợp điển hình về người già Trung Quốc tải về ứng dụng Pi Network theo "lời mời" của người khác, cung cấp giấy tờ tùy thân quan trọng, thậm chí dẫn dụ gặp gỡ "đầu tư" nhưng thực chất lừa đảo.

"Tội phạm dùng chiêu trò 'miễn phí' và 'quà tặng' để thu hút người ham lợi nhuận tải xuống phần mềm, tạo niềm tin bằng cách nói người chơi không đầu tư vốn, tặng họ một lượng nhỏ 'tiền Pi". Sau đó, chúng khuyến khích mở rộng bằng cách thưởng cho những ai lôi kéo thêm người tham gia, bán lại thông tin cá nhân của người dùng và lừa đảo tiền của nạn nhân", bài viết dẫn thông tin từ Sở Cảnh sát Vô Tích năm 2023.

Cũng trong bài viết, ông Zhou một lần nữa khẳng định sàn Bybit chưa từng đưa ra yêu cầu nào đối với đội ngũ Pi Network và cũng không niêm yết tiền ảo này. Trước đó, một số thông tin cho rằng sàn của ông không vượt qua Xác thực danh tính doanh nghiệp (KYB) mà Pi Network đưa ra nên không thể niêm yết token.

"Nếu dự án hợp pháp và thẳng thắn, họ nên đứng ra minh bạch các báo cáo để mọi người hiểu. Nhưng thay vào đó, họ lại chọn bịa đặt và thực hiện những cuộc tấn công vô căn cứ. Tôi vẫn nghĩ họ là kẻ lừa đảo, Bybit sẽ không niêm yết các trường hợp lừa đảo", ông Zhou nhấn mạnh.

Bybit là một trong những sàn giao dịch tiền số tập trung (CEX) lớn nhất hiện nay. Cùng ngày 21/2, sàn Bybit đã bị tin tặc tấn công, lấy đi số Ethereum trị giá hơn 1,4 tỷ USD, trở thành vụ hack lớn nhất trong lịch sử 15 năm của ngành crypto.

"Hacker đã chiếm quyền kiểm soát ví lạnh ETH (Ethereum) của chúng tôi và chuyển tài sản đến địa chỉ không xác định", ông Zhou thông báo trên X hôm 21/2.

Trước đó, dữ liệu trên blockchain cho thấy có ít nhất 1,4 tỷ USD tiền số đã chảy khỏi ví của sàn trong loạt giao dịch đáng ngờ. Theo nhà phân tích chuỗi khối ZachXBT, tin tặc đã chiếm quyền kiểm soát một trong những ví lạnh của Bybit, sau đó thực hiện lệnh chuyển tiền sang ví nóng để tẩu tán.

Theo công ty phân tích blockchain Elliptic, đây là vụ trộm tiền điện tử lớn nhất từ trước đến nay, vượt qua vụ trộm 611 triệu USD từ Poly Network vào năm 2021.

Rob Behnke, đồng sáng lập kiêm chủ tịch điều hành của công ty bảo mật blockchain Halborn, nhận định đây có khả năng là "sự cố lớn nhất từ trước đến nay, không chỉ là tiền điện tử".

Vụ hack vào Bybit đã làm rúng động cả thị trường tiền số do mức độ ảnh hưởng quá lớn. Toàn thị trường tiền số "đỏ lửa" sau vụ tấn công.

Giá Ethereum từ vùng 2.800 USD đã giảm xuống còn 2.600 USD sau vụ hack. Đến 8 giờ sáng 22.2, mỗi Ethereum được giao dịch quanh vùng giá 2.680 USD. Sau vụ hack, người chơi ồ ạt rút tiền khỏi sàn giao dịch tạo ra cảnh hỗn loạn.

Minh Đức (Theo VTC News, Thanh Niên)

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Tiền ảo Pi đứng trước bước chuyển to lớnTiền ảo Pi đứng trước bước chuyển to lớn