Thương vụ cảng biển gây tranh cãi

Trung Quốc còn có lý do phản ứng mạnh bởi một số cảng được bán nằm ở các quốc gia tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường

Thương vụ bán cảng biển của Tập đoàn CK Hutchison, trụ sở ở Hồng Kông (Trung Quốc), cho một nhóm nhà đầu tư do Công ty BlackRock (Mỹ) dẫn đầu đang là tâm điểm chú ý trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington.

Hồi đầu tháng 3, CK Hutchison công bố thỏa thuận bán 43 cảng tại 23 quốc gia, trong đó có 2 cảng nằm ở hai đầu kênh đào Panama, cho nhóm trên với giá 19 tỉ USD. Tập đoàn này hiện vận hành 53 cảng tại 24 quốc gia, trong đó có Anh, Hà Lan, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Mexico, Hàn Quốc… Thỏa thuận này không bao gồm 10 cảng tại Hồng Kông và Trung Quốc đại lục.

Thông tin trên thu hút nhiều quan tâm do tầm quan trọng chiến lược của cơ sở hạ tầng cảng biển và sự tham gia của một công ty đầu tư lớn của Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó đã lên tiếng kêu gọi Washington giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama và cho rằng Trung Quốc đang "vận hành" tuyến đường thủy nhân tạo này. Không gì lạ khi ông Donald Trump hoan nghênh thỏa thuận trên và xem đây là sự trở lại của kênh đào dưới sự kiểm soát của Mỹ.

Cảng Balboa tại lối vào Thái Bình Dương của kênh đào Panama. Ảnh: BLOOMBERG

Cảng Balboa tại lối vào Thái Bình Dương của kênh đào Panama.

Trong khi đó, Tổng cục Quản lý Giám sát thị trường Nhà nước Trung Quốc (SAMR) hôm 28-3 cho biết sẽ xem xét thỏa thuận bán các cảng của CK Hutchison ở kênh đào Panama theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm cạnh tranh thị trường công bằng và bảo vệ lợi ích công chúng. Mỹ và Trung Quốc hiện là hai quốc gia sử dụng kênh đào Panama nhiều nhất. Theo trang Bloomberg, Bắc Kinh lo ngại việc bán các cảng ở đó có thể đe dọa lợi ích vận tải biển và thương mại của nước này.

Trung Quốc còn có lý do phản ứng mạnh bởi một số cảng được bán nằm ở các quốc gia tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) do Bắc Kinh khởi xướng. Đáng chú ý, Panama hồi tháng 2 chính thức rút khỏi BRI sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio.

Trước mắt, theo tờ South China Morning Post, thỏa thuận sẽ không được ký kết vào ngày 2-4 như dự kiến nhưng điều này không có nghĩa thương vụ đã bị hủy bỏ. Tờ báo này dẫn nguồn tin giấu tên cho biết vẫn còn nhiều chi tiết quan trọng cần được quyết định do tính phức tạp của giao dịch. Ông Daniel Kritenbrink, cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, nhận định quan hệ Washington - Bắc Kinh có nguy cơ thêm phức tạp nếu Trung Quốc tìm cách can thiệp vào thỏa thuận này.