Ngày 17/5, Bệnh viện Da liễu Trung ương thông tin về một ca tai biến sau khi tiêm thon gọn hàm.
Nữ bệnh nhân cho biết, cách đây 4 tháng, chị đã tiêm thon gọn hàm hai bên bằng botulinum toxin tại một spa. Sau một tháng, bệnh nhân bị sưng, đau, nóng, đỏ vùng góc hàm hai bên và được spa chích rạch vùng tiêm góc hàm bên trái, kê thuốc kháng sinh.
Tuy nhiên, chỉ sau một tuần dùng thuốc, chị lại bị sưng đau vùng góc hàm, dù không chảy dịch mủ. Khi đến khám tại một bệnh viện tư nhân, chị được chẩn đoán áp xe má trái, điều trị bằng kháng sinh, thuốc chống viêm và tiếp tục chích rạch lại tổn thương vùng má trái.

Bác sĩ khám cho bệnh nhân gặp tai biến sau làm đẹp (Ảnh: Hương Hương).
Tình trạng không cải thiện, bệnh nhân vẫn sưng đau nên đến khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương.
Bác sĩ Vũ Nguyên Bình - Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ và Phục hồi chức năng - cho biết, bệnh nhân bị biến chứng sau khi tiêm thuốc vào vùng góc hàm hai bên.
"Bệnh nhân không chỉ sưng đau hai góc hàm, có sẹo xấu vùng má trái do đã chích rạch nhiều lần, mà còn có ổ dịch tạo thành nhiều khoang, nhiều ngách lan tỏa ra cả vùng má", bác sĩ Bình thông tin.
Bệnh nhân buộc phải chích rạch để kiểm soát lại tình trạng tổn thương. Tuy nhiên, vùng má trái là một khoang toàn chất nhầy, bẩn, tạo nhiều ngách và ổ nhỏ, rất khó làm sạch hoàn toàn. Vùng má phải là một ổ áp xe có mủ đặc quánh.
Sau khi chích rạch, bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh, bơm rửa và thay băng hàng ngày. Hiện tại, tổn thương tiến triển tốt, đã sạch mủ.
ThS.BSCKII Nguyễn Quang Minh - Khoa Ứng dụng Công nghệ Tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương - cho biết, nhu cầu làm đẹp không xâm lấn ngày càng tăng, được ưa chuộng vì ít đau và hiệu quả nhanh.
Các dịch vụ như tiêm botox, filler, mesotherapy, laser, HIFU, RF và peel da đang trở nên phổ biến.
Tuy nhiên, nhiều cơ sở thẩm mỹ, spa chưa được cấp phép hoặc không có đội ngũ chuyên môn đạt chuẩn vẫn thực hiện các thủ thuật này, dẫn đến nhiều ca tai biến.
"Nhiều người nghĩ đơn giản chỉ là một mũi tiêm với vài ml dung dịch, nhưng nó có thể gây tai biến nghiêm trọng như sốc phản vệ, nhiễm trùng, hoại tử da, thậm chí mù lòa - đã được ghi nhận khi các thủ thuật như tiêm filler, botox được thực hiện bởi người không có chuyên môn", bác sĩ Minh cảnh báo.
Theo chuyên gia này, việc sử dụng sản phẩm làm đẹp không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm định chất lượng có thể gây phản ứng phụ, dị ứng hoặc tổn thương da nghiêm trọng. Người thực hiện không được đào tạo bài bản dễ dẫn tới sai quy trình và gây hại cho khách hàng.
Bác sĩ Minh cho biết, từ ngày 22-24/5, tại Hội nghị Da liễu Thẩm mỹ toàn quốc lần thứ VIII do Bệnh viện Da liễu Trung ương chủ trì, sẽ có gần 100 báo cáo của các chuyên gia trong và ngoài nước về công nghệ làm đẹp không xâm lấn, hướng dẫn xử lý tai biến, chia sẻ ca lâm sàng liên quan đến biến chứng trong thẩm mỹ da.
TS.BS Nguyễn Hồng Sơn - Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ và Phục hồi chức năng - cảnh báo người dân khi có nhu cầu làm đẹp không nên quá tin vào lời quảng cáo "có cánh" từ các cơ sở không uy tín.
"Đặc biệt, cần tìm hiểu kỹ cơ sở thực hiện có được cấp phép, đủ điều kiện hành nghề và người thực hiện có chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực này hay không", bác sĩ Sơn nhấn mạnh.