Tiết lộ lý do Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến uốn cong vào Nam Định thay vì đi "thẳng nhất có thể"

Theo báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, một trong số các nhà ga dự kiến đặt tại xã Mỹ Hưng, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định.

Tính toán lại vị trí ga đường sắt cao tốc Bắc - Nam đi qua Nam Định

Chính phủ vừa trình Quốc hội đề án chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam. Theo phương án đề xuất, tuyến đường sẽ đi qua 20 tỉnh thành, với các ga phía Bắc bao gồm Ngọc Hồi (Hà Nội), Phủ Lý (Hà Nam), Nam Định, và Ninh Bình.

Tại Nam Định, nhà ga được đề xuất đặt tại xã Mỹ Hưng, huyện Mỹ Lộc, cách ga Nam Định hiện tại ở trung tâm thành phố khoảng 7 km.

Nếu phương án tuyến và vị trí nhà ga được chấp thuận, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam sẽ có một đoạn cong tại Nam Định, không hoàn toàn đáp ứng yêu cầu "thẳng nhất có thể" như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng Đề án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia, vào ngày 19/10.

Tiết lộ lý do Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến uốn cong vào Nam Định thay vì đi "thẳng nhất có thể"- Ảnh 1.

Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Nam Định theo báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi.

Trong quá trình thẩm định dự án, Hội đồng thẩm định Nhà nước đã kết luận như sau: Có một số vị trí hướng tuyến và nhà ga chưa được thiết kế tối ưu đi vào trong khu dân cư đông đúc sẽ gặp nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, phát triển các đô thị nhà ga TOD để mở ra không gian phát triển kinh tế mới, tái cấu trúc các đô thị. 

Tuyến đang thiết kế có quá nhiều đường cong (tổng chiều dài đường cong lên đến 550,177 km/1540,60 km chiều dài tuyến, chiếm trên 35% tổng chiều dài của dự án) sẽ ảnh hưởng đến tốc độ khai thác, vận hành và an toàn của tàu khách và tàu hàng; nhiều địa phương đề nghị điều chỉnh, chuẩn xác lại hướng tuyến, vị trí nhà ga, depot, trạm bảo dưỡng hạ tầng và bổ sung nhà ga. 

Đặc biệt là đoạn tuyến vòng qua Nam Định làm cho tuyến không thẳng, ảnh hưởng cả đến chi phí đầu tư cũng như chi phí vận hành khai thác. Đồng thời hướng tuyến này chưa đáp ứng theo chỉ đạo phải duỗi thẳng tuyến của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.

Vì vậy, Hội đồng thẩm định Nhà nước đề nghị Bộ GTVT trong bước lập Báo cáo Nghiên cứu khả thi tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thường trực Chính phủ tại Thông báo số 458/TB-VPCP ngày 06/10/2024 của Văn phòng Chính phủ, ý kiến của TVTT và ý kiến của các địa phương chuẩn xác lại hướng tuyến theo hướng thẳng nhất có thể, giảm chiều dài đường cong trên tuyến để giảm chi phí đầu tư xây dựng, tiết kiệm chi phí vận hành; đảm bảo an toàn khi vận tải hàng hóa bằng tàu hàng container cũng như đảm bảo khai thác êm thuận cho hành khách ở vận tốc cao.

Đặc biệt là đoạn tuyến đi qua tỉnh Hà Nam – Nam Định – Ninh Bình cần điều chỉnh vị trí ga Nam Định, để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật khai thác chung tàu khách 320 km/h và tàu hàng container 120 km/h, duỗi thẳng hướng tuyến để rút ngắn chiều dài, đảm bảo êm thuận trong khai thác, giảm chi phí đầu tư và giảm chi phí khai thác vận hành.

Vị trí ga Nam Định được tính toán dựa trên yếu tố nào?

Theo thông tin từ Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết trên VTC News, tuyến đường sắt tốc độ cao cần đáp ứng các tiêu chí như: phù hợp với quy hoạch ngành, quốc gia, vùng và tỉnh; phù hợp với điều kiện địa hình của khu vực; hạn chế đi qua các khu vực nhạy cảm về môi trường, các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh; đồng thời tránh các khu vực dân cư đông đúc để giảm bớt chi phí giải phóng mặt bằng.

Vị trí các ga của đường sắt tốc độ cao được lựa chọn dựa trên nguyên tắc phù hợp với tình hình thực tế và quy hoạch phát triển của địa phương; thuận tiện tiếp cận trung tâm đô thị, khu vực có tiềm năng phát triển; đảm bảo khả năng kết nối tốt với hệ thống giao thông công cộng và các phương tiện giao thông khác để tối ưu hóa hạ tầng.

Dựa trên các nguyên tắc này, ga Nam Định đã được nghiên cứu để đảm bảo sự phù hợp với quy hoạch ngành, quốc gia, vùng, và tỉnh.

Tiết lộ lý do Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến uốn cong vào Nam Định thay vì đi "thẳng nhất có thể"- Ảnh 2.

Ảnh minh họa nhà ga đường sắt tốc độ cao ở Nam Định bằng AI ChatGPT

Ngoài ra, ga Nam Định có vai trò quan trọng trong việc kết nối hành lang Bắc Nam với khu vực đồng bằng sông Hồng, nơi tập trung các khu công nghiệp dệt may, có dân cư đông đúc và nhu cầu di chuyển cao. Nếu tuyến đường sắt tốc độ cao không đi qua Nam Định, sẽ không khai thác hết tiềm năng kết nối, không đáp ứng được các quy hoạch đã duyệt và không phục vụ tốt nhu cầu của người dân.

Hơn nữa, trong tương lai ga Nam Định sẽ có khả năng kết nối với các tuyến đường sắt khác, không chỉ với tuyến hiện tại mà còn với tuyến ven biển Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh. Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến tuyến này sẽ được đầu tư với khổ 1.435 mm sau năm 2030, giúp kết nối các tỉnh duyên hải phía Bắc với tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, nâng cao hiệu quả vận tải.

Theo báo , đại diện liên danh tư vấn TEDI - TRICC - TEDI SOUTH giải thích rằng, do vị trí của ga nằm phía Đông so với trục Bắc - Nam, nên tuyến đường sắt cần đi vòng qua khu vực Nam Định, khó đạt được yêu cầu "thẳng nhất có thể".

Về việc kết nối và phục vụ hành khách, đơn vị tư vấn cũng cho biết rằng, ngoài phục vụ nhu cầu vận tải cho Nam Định, tuyến đường sắt tốc độ cao còn đáp ứng nhu cầu của cả khu vực bao gồm Thái Bình, một phần phía Đông Nam của Hải Dương và Hưng Yên với dân số khoảng 4 triệu người.

"Nếu duỗi thẳng hướng tuyến, đường sắt tốc độ cao sẽ từ ga Phủ Lý xuống ga Ninh Bình, bỏ qua ga Nam Định. Hoặc nếu bố trí ga Nam Định trên tuyến đường thẳng, tức gần với ga Phủ Lý thì sẽ ở xa trung tâm tỉnh và vùng, sức hấp dẫn kém và không đảm bảo các ga phải cách nhau tối thiểu 30 km", báo VnExpress trích lời đại diện liên danh tư vấn nói.

Tỉnh Nam Định phản hồi ra sao?

UBND tỉnh Nam Định mới đây cho biết thống nhất với ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước về dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam nhằm đảm bảo sự vận hành mượt mà hơn và phù hợp với tổng thể dự án. 

Trong giai đoạn tiếp theo (lập báo cáo nghiên cứu khả thi), tỉnh Nam Định sẽ hợp tác với Bộ GTVT để rà soát và điều chỉnh hướng tuyến, vị trí nhà ga của dự án khi đi qua địa phận tỉnh.

Tiết lộ lý do Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến uốn cong vào Nam Định thay vì đi "thẳng nhất có thể"- Ảnh 3.

Ảnh minh họa bên trong nhà ga đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam bằng AI ChatGPT

Trước đó, UBND tỉnh Nam Định đã gửi văn bản đến Bộ KH&ĐT để bày tỏ quan điểm về vị trí của ga Nam Định trong phương án tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Theo đó, việc thay đổi hướng tuyến và vị trí nhà ga không chỉ làm xáo trộn quy hoạch của tỉnh Nam Định, mà còn ảnh hưởng đến chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, cũng như cuộc sống của người dân địa phương và các tỉnh lân cận như Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình...

Vì vậy, địa phương đề xuất giữ nguyên hướng tuyến và vị trí ga đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam qua Nam Định tại khu vực như đã được đề cập trong báo cáo tiền khả thi.

Tỉnh này cũng cho biết, theo Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Nam Định đã được xác định là trung tâm tiểu vùng phía Nam, nằm trên hành lang kinh tế ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình, và là điểm kết nối quan trọng của hệ thống đường sắt Bắc - Nam cũng như tuyến đường sắt nối Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh.