Tiki lao dốc trong quý I: Tổng giá trị giao dịch sụt 57%, duy nhất 1 ngành hàng lội ngược dòng

Tổng GMV Tiki quý I/2025 giảm tới 57%, phần lớn ngành hàng lao dốc mạnh, thậm chí có ngành hàng giảm tới hơn 90%.

Bức tranh thương mại điện tử Việt Nam quý I/2025 cho thấy sự phân hóa rõ rệt giữa các nền tảng. Trong khi Shopee và TikTok Shop tiếp tục duy trì tăng trưởng doanh số, thì Tiki lại rơi vào giai đoạn suy giảm sâu, với tổng giá trị giao dịch (GMV) trong quý lao dốc tới 57% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dữ liệu từ nền tảng EcomHeat (YouNet ECI) cho thấy phần lớn ngành hàng trên Tiki đều ghi nhận mức sụt giảm hai chữ số. Nhiều nhóm ngành thậm chí giảm hơn 50% về GMV, trong đó đáng chú ý có voucher & dịch vụ giảm mạnh nhất lên tới 90,1%; ô tô, xe máy giảm 72,5%; thực phẩm & đồ uống giảm 69,9% sức khỏe giảm 69,1%. Các ngành bán chạy truyền thống như mẹ và bé giảm 29,3%; công nghệ giảm 24,2% điện gia dụng giảm 69,9% cũng không thoát khỏi xu hướng đi xuống.

Tiki lao dốc trong quý I: Tổng giá trị giao dịch sụt 57%, duy nhất 1 ngành hàng lội ngược dòng- Ảnh 1.

Trong bức tranh ảm đạm đó, ngành sắc đẹp trở thành điểm sáng hiếm hoi với mức tăng trưởng GMV đạt 22,5%. Đây cũng là ngành duy nhất trong top 15 ngành hàng có doanh thu tăng trưởng trên Tiki trong quý I năm nay. Cùng với công nghệ và mẹ & bé, sắc đẹp cũng nằm trong nhóm ba ngành có doanh thu cao nhất sàn.

Trước đó, báo cáo tổng kết năm 2024 của YouNet ECI từng ghi nhận thị phần của Tiki chỉ còn 0,9%, thấp hơn nhiều so với Shopee là 66,7%, TikTok Shop là 26,9% và Lazada là 5,5%. Diễn biến sụt giảm GMV trong quý I/2025 cho thấy đà suy yếu của Tiki không phải hiện tượng nhất thời, mà là hệ quả kéo dài từ sự mất thị phần đáng kể suốt năm trước.

Từ góc độ thị phần, theo báo cáo từ Metric, Tiki tiếp tục cho thấy dấu hiệu suy yếu rõ rệt khi doanh số sụt giảm 66,6% trong quý I/2025, mức giảm mạnh nhất trong số các nền tảng TMĐT lớn tại Việt Nam. Thị phần của Tiki theo đó chỉ còn ở mức rất thấp, đến mức không còn được hiển thị rõ trên biểu đồ tỷ trọng toàn thị trường.

Lazada cũng chứng kiến mức giảm doanh số 43,5%, đưa thị phần trong quý I xuống còn 8%. Trong khi đó, TikTok Shop tiếp tục là nền tảng tăng trưởng nhanh nhất, với mức tăng doanh số ấn tượng 113,8%, nâng thị phần từ 23% lên 35%. Shopee tuy vẫn dẫn đầu với 62% thị phần, nhưng đã có dấu hiệu chững lại khi tăng trưởng doanh số chỉ đạt 29,3%, thấp hơn tốc độ tăng chung của toàn thị trường.

Theo Metric, quý I/2025, tổng doanh số thị trường TMĐT Việt Nam đạt 101.400 tỷ đồng, tăng 42,29% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng tiêu thụ đạt 950,7 triệu sản phẩm, tăng 24%. Trong bối cảnh thị trường mở rộng mạnh mẽ, mức giảm sâu của Tiki cho thấy nền tảng này đang ngày càng hụt hơi trong cuộc đua TMĐT, đặc biệt khi chưa kịp thích nghi với xu hướng tiêu dùng mới ưu tiên nội dung, giải trí và trải nghiệm cá nhân hóa.