Tín hiệu thần tốc từ dự án 2.000 tỷ đồng 'nắn thẳng' cung đường sắt đẹp nhất thế giới ở Việt Nam

Dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét chính thức được đào thông, vượt tiến độ tới 2 tháng.

Thông hầm 2 dự án cải tạo đường sắt Khe Nét

Ngày 30/10, tại xã Hương Hoá, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình, hầm số 2 dài 355m thuộc gói thầu XL01, dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét chính thức được Liên danh nhà thầu đào thông, vượt tiến độ 2 tháng.

Được biết, Dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét dài 7km thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.

Đến nay, nhà thầu đã huy động 230 kỹ sư, công nhân, lái máy cùng với hơn 35 máy móc thiết bị chuyên dụng, tổ chức đồng loạt 4 mũi thi công trên 2 hầm. Sản lượng thi công đạt 120 tỷ đồng, vượt 9% tiến độ đề ra.

Tín hiệu thần tốc từ dự án 2.000 tỷ đồng 'nắn thẳng' cung đường sắt đẹp nhất thế giới ở Việt Nam- Ảnh 1.

Đại diện các đơn vị bấm nút nổ mìn thông hầm 2. Ảnh: Đèo Cả Group

Đại diện Ban điều hành cho biết, hai hầm đường sắt Khe Nét có tính đặc thù chạy men theo sườn núi, tầng phủ mỏng, địa chất hầm phức tạp, thay đổi liên tục, không theo thiết kế kỹ thuật ban đầu.

Để khắc phục, Liên danh nhà thầu đã phối hợp với chủ đầu tư, tư vấn giám sát bám sát công trường và đưa ra các phương án gia cố phù hợp, đảm bảo an toàn, chất lượng theo địa chất thực tế.

Ngoài ra, Ban Điều hành đã gặp phải một số khó khăn đến từ việc bàn giao mặt bằng chậm hơn so với kế hoạch ban đầu, cùng với những trở ngại trong việc thuê đất để làm đường công vụ và tìm kiếm vị trí bãi đổ thải phù hợp. 

Để đảm bảo tiến độ đề ra, thậm chí là vượt tiến độ "thần tốc" tới 2 tháng - điều chưa từng có tiền lệ, liên danh nhà thầu đã nỗ lực, chủ động đưa ra các giải pháp thi công, đẩy mạnh công tác đào tạo nội bộ để nâng cao năng suất lao động cho cán bộ kỹ sư, công nhân, tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp”. 

Tín hiệu thần tốc từ dự án 2.000 tỷ đồng 'nắn thẳng' cung đường sắt đẹp nhất thế giới ở Việt Nam- Ảnh 2.

Những khối đá cuối cùng được nổ mìn để thông hầm 2. Ảnh: Đèo Cả Group

Liên danh nhà thầu thường xuyên giám sát địa chất để kịp thời điều chỉnh các biện pháp gia cố, đảm bảo an toàn và chất lượng công trình. Hiện các khó khăn đã cơ bản được xử lý. Mục tiêu đào thông hầm 1 trước tháng 4/2025, thi công đổ bê tông vỏ và hoàn thiện hầm 1 trước 11/2025 và hầm 2 trước tháng 9/2025.

Ông Nguyễn Duy Sông, Giám đốc Ban Điều hành gói thầu XL01 nhấn mạnh: “Lễ thông hầm hôm nay là dấu mốc quan trọng, thuận tiện hơn cho việc vận chuyển nhiên liệu, hàng hóa, nhân lực thi công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án”.

Ông Sông cho biết thêm, Hầm đường sắt Khe Nét được áp dụng công nghệ NATM trong thi công. Công nghệ này đã được nhà thầu Đèo Cả làm chủ và cải tiến, áp dụng tại nhiều dự án hầm đường bộ mà Đèo Cả đã và đang thực hiện.

Gói thầu XL01 thuộc Dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM, thi công xây dựng 2 hầm đường sắt với tổng chiều dài 935m, thời gian thực hiện dự kiến 23 tháng. Trong đó, hầm 1 dài 620m, hầm 2 dài 393m, khổ hầm 10m, thiết kế theo tiêu chuẩn hầm đường sắt cấp I.

Tín hiệu thần tốc từ dự án 2.000 tỷ đồng 'nắn thẳng' cung đường sắt đẹp nhất thế giới ở Việt Nam- Ảnh 3.

Tiến độ thực hiện hầm 2 thuộc dự án cải tạo đường sắt Khe Nét hiện vượt 2 tháng. Ảnh: Đại biểu Nhân dân

Tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM của Việt Nam xếp vị trí đầu tiên trong danh sách những tuyến đường sắt đẹp nhất thế giới, do trang cẩm nang du lịch Lonely Planet bình chọn hồi tháng 5 năm 2023.

Trong khi đó, Quảng Bình lại là tỉnh hẹp nhất Việt Nam theo chiều Đông - Tây, bề ngang tỉnh chỉ 40,3 km. Tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM đi qua địa phận tỉnh này có nhiều đoạn hiểm trở, nhất là đoạn đường sắt trên đèo Khe Nét.

Khu vực đèo Khe Nét vốn có địa hình phức tạp, hiểm trở nằm trên địa phận xã Hương Hóa và Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, dài hơn 10 km, có 43 đường cong nguy hiểm, với độ cao hơn 700m so với mực nước biển, độ dốc khoảng 17 phần nghìn.

Đường sắt đoạn qua đèo Khe Nét đi qua 32 khúc cua hẹp phải dùng ray hộ bánh. Tàu khách qua đây chỉ chạy được 20 – 25km/h (tốc độ trung bình khoảng 76km/h), tàu hàng phải có thêm đầu máy đẩy mới qua được. Việc xây 2 hầm đèo Khe Nét giúp tàu hỏa đi thẳng, không cần đi vòng khi qua đoạn đường nguy hiểm này.

Dự án có ý nghĩa to lớn đối với ngành đường sắt nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, giải quyết được 1 trong 5 nút thắt chính của tuyến đường sắt Bắc - Nam và hướng tới kỷ niệm 100 năm ngành đường sắt vào năm 2026.

 

Công nghệ NATM trong thi công hầm có gì?

Phương pháp New Austrian Tunneling Method (NATM) của Áo, được biết đến là công nghệ hiện đại hàng đầu trên thế giới. NATM là phương pháp xây dựng ngầm phổ biến toàn cầu, nổi bật với những đột phá trong công nghệ bê tông phun.

Phương pháp NATM khai thác tối ưu các ưu điểm về khả năng tự chống đỡ của địa hình, được đánh giá là một trong những kỹ thuật kinh tế và hiệu quả nhất trong việc xây dựng hầm. Đồng thời, nó cũng giúp giảm thiểu chi phí về vật liệu, nhân công và rút ngắn tiến độ dự án.

Đặc biệt, NATM cực kỳ hiệu quả trong việc chống chịu áp lực địa chất tại các khu vực có nguy cơ động đất cao. Phương pháp này đã trở thành giải pháp chủ đạo trong việc xây dựng nhiều hầm đường bộ trên khắp thế giới.

Theo phương pháp NATM, bêtông phun trực tiếp và bám chặt với bề mặt khối đá quanh đường hầm, ngăn không cho khối đá biến dạng. Công nghệ này giúp thi công linh hoạt trong nhiều điều kiện địa chất và an toàn hơn so với công nghệ xây hầm truyền thống.

NATM gồm 10 bước, sau khi đánh dấu vị trí nổ mìn, đơn vị thi công nổ mìn theo từng gương hầm (diện tích cần đào), xúc dọn đất đá rồi làm lưới thép bao quanh bề mặt hầm, phun bêtông trên lưới thép, khoan lỗ cắm neo gia cố địa chất. Tiếp theo là bao phủ hầm bằng chất liệu vải đặc biệt để chống nước, đổ bêtông vỏ hầm và làm nền đường.

Ở Việt Nam hiện nay, nhiều dự án hầm đường bộ qua núi đã và đang được thi công bằng công nghệ NATM như: Hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Hải Vân 2, hầm Cù Mông, hầm Bao Biển, hầm Thung Thi, hầm Trường Vinh, hầm Núi Vung…