Tín hiệu xấu từ nhiều doanh nghiệp Nhà nước

Là một trong những trụ cột của nền kinh tế, các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nắm giữ nguồn lực kinh tế lớn. Tuy nhiên, bên cạnh doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, nhiều DNNN lớn đang bị thua lỗ nặng.

Nguy cơ mất an toàn tài chính

Thanh tra Bộ Tài chính vừa công bố kết luận thanh tra tại Tổng Cty Xi măng Việt Nam (Vicem). Kết luận thanh tra cho thấy, nhiều khoản đầu tư tại Cty mẹ Vicem tiềm ẩn rủi ro mất vốn do khoản trích lập dự phòng tổn thất đầu tư với số tiền lên tới 3.018 tỷ đồng. Số tiền này nằm ở khoản đầu tư các công ty trực thuộc.

Tín hiệu xấu từ nhiều doanh nghiệp Nhà nước- Ảnh 1.

Cty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp rơi vào tình trạng mất cân đối vốn, khả năng thanh toán nợ thấp. Ảnh: XMTĐ.

Cụ thể, Cty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp có vốn đầu tư 1.132 tỷ đồng; lỗ lũy kế 1.126 tỷ đồng và phải trích lập dự phòng 1.069 tỷ đồng. Tình hình tài chính này khiến Xi măng Tam Điệp rơi vào tình trạng mất cân đối vốn, khả năng thanh toán nợ thấp.

Năm 2023, có 7 doanh nghiệp kinh doanh lỗ với tổng số lỗ 23,5 nghìn tỷ đồng. Cụ thể, Cty TNHH Thiết bị giáo dục nghề nghiệp lỗ phát sinh 82 triệu đồng, Cty TNHH MTV Thủy sản Hạ Long lỗ 15 tỷ đồng, Cty TNHH Một thành viên Nhà xuất bản Nông nghiệp lỗ 639 triệu, Cty TNHH MTV Hà Thành lỗ 276 triệu đồng, Cty TNHH MTV Nhà xuất bản Thể thao và Du lịch lỗ 339 triệu đồng, Cty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương lỗ 4,6 tỷ đồng...

Cty CP Xi măng Vicem Hải Vân có số vốn đầu tư 315 tỷ đồng; năm 2023 lỗ 64 tỷ đồng; lỗ lũy kế 61 tỷ đồng và phải trích lập dự phòng 34 tỷ đồng.

Đáng chú ý nhất là trường hợp Cty CP Xi măng Hạ Long, có vốn đầu tư 1.606 tỷ đồng, năm 2023 bị lỗ 648 tỷ đồng. Tổng lỗ lũy kế của công ty lên tới 4.902 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu âm tới 2.960 tỷ đồng và phải trích lập dự phòng 1.606 tỷ đồng. Đến nay sản xuất kinh doanh của Xi măng Hạ Long gặp nhiều khó khăn, liên tục thua lỗ, mất cân đối tài chính nghiêm trọng, không còn khả năng trả nợ đến hạn, đứng trước nguy cơ phải dừng hoạt động vì không có dòng tiền.

Kết quả thanh tra cho thấy, 9 công ty con, liên doanh liên kết thuộc Tổng Cty mẹ Vicem đều chung cảnh kinh doanh thua lỗ trong năm 2023.

Từ thực tế trên, Thanh tra Bộ Tài chính yêu cầu Vicem rà soát, đánh giá khoản tài chính tại doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả. Vicem phải chỉ đạo người đại diện phần vốn có ý kiến với HĐTV, HĐQT xây dựng phương án cụ thể để khắc phục khó khăn tài chính, không để lỗ lũy kế kéo dài.

Ngoài Vicem, Bộ Tài chính chỉ ra nhiều DNNN nguy cơ mất an toàn tài chính. Đáng quan ngại, có 4 doanh nghiệp mất an toàn về tài chính, gồm: Cty TNHH MTV Hà Thành, Cty TNHH MTV Thủy sản Hạ Long, Cty TNHH MTV Nhà xuất bản Nông nghiệp, Cty TNHH MTV XNK Nông sản, thực phẩm Hà Nội.

Cần xem xét từng trường hợp cụ thể

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, việc các DNNN thua lỗ gần 24.000 tỷ đồng năm 2023 là dấu hiệu đáng lo ngại, cần được xem xét rất nghiêm túc.

“Chúng ta không thể chụp mũ nguyên nhân thua lỗ chung cho các doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp có điều kiện khác nhau, cần xem xét trong từng trường hợp cụ thể để đưa ra giải pháp từng bước giảm bớt thua lỗ”, ông Doanh nói.

Ông Doanh dẫn ví dụ, khoản thua lỗ năm 2023 của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) do chi phí đầu vào EVN nhiều biến động, đều tăng lên; trong khi đó, giá đầu ra là điện lại được Nhà nước định giá. Việc định giá điện theo yêu cầu ổn định kinh tế, xã hội của toàn bộ nền kinh tế khiến EVN không tự chủ được theo cơ chế thị trường để hoàn vốn. Tương tự, một số DNNN thua lỗ như trong báo cáo của Bộ Tài chính không hoàn toàn hoạt động theo cơ chế thị trường. Vì vậy, cần có sự xem xét một cách công bằng, nghiêm túc, thận trọng về việc quản lý, hiệu quả, từ đó, rút ra những kết luận về cải cách cần thiết.

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, DNNN thua lỗ là bài toán nan giải, lâu dài, không chỉ riêng với năm 2023.

Theo ông Phong, để xử lý sớm DNNN thua lỗ, trước mắt cần phân định nhóm doanh nghiệp hoạt động theo vai trò, nhiệm vụ của mình, doanh nghiệp nào chuyên về thị trường, doanh nghiệp nào chuyên về công ích, doanh nghiệp nào theo chỉ đạo, định hướng của Nhà nước...

Vị chuyên gia này đặc biệt nhấn mạnh việc cần áp dụng cơ chế bảo toàn vốn song hành với khoán lãi cho DNNN để tránh báo “lỗ giả”, “lãi thật”. Đồng thời, cần có chế tài trách nhiệm để lãnh đạo có trách nhiệm trong vấn đề lỗ, lãi cho chính doanh nghiệp của mình.