Tin vui đối với quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới

Khi Hàn Quốc đang vật lộn với tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, các phòng khám hiếm muộn ở đây lại phát triển vượt bậc như một điểm sáng trong cuộc khủng hoảng dân số của đất nước.

Tỷ lệ sinh tại Hàn Quốc năm 2023 chạm mức thấp kỷ lục 0,72 trẻ/phụ nữ, thấp nhất toàn cầu, và chỉ nhích lên 0,75 vào năm 2024. Ảnh: Yonhap.

Khi bắt đầu thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) vào tháng 11/2024, Kim Mi-ae đã biết đây sẽ là bài kiểm tra lòng kiên nhẫn đầy gian nan. Cô đã trải qua bài học này khi mang thai con đầu lòng cách đây 3 năm, theo BBC.

Song, điều làm Mi-ae bàng hoàng lần này là thời gian chờ đợi "điên rồ" tại phòng khám hiếm muộn của Hàn Quốc.

"Tôi đến phòng khám vào tháng 1 và cảm giác mọi người đều đặt quyết tâm sinh con vậy. Dù đặt lịch trước, tôi cũng phải đợi hơn 3 tiếng", người phụ nữ 36 tuổi, sống ở Seoul, chia sẻ.

Hàn Quốc đang vật lộn với vấn đề tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, các phòng khám vô sinh lại có nhu cầu ngày càng tăng như một điểm sáng trong cuộc khủng hoảng dân số.

Từ năm 2018 đến 2022, số ca điều trị vô sinh, hiếm muộn ở xứ sở kim chi đã tăng gần 50%, đạt mốc 200.000 ca. Năm 2024, cứ 6 đứa trẻ chào đời ở Seoul thì có một bé nhờ đến các phương pháp hỗ trợ sinh sản.

Các chuyên gia cho rằng sự bùng nổ này được thúc đẩy do thái độ của người dân thay đổi, nhất là trong việc lập gia đình và sinh con.

"Thế hệ trẻ đã quen với việc kiểm soát cuộc sống của mình. Nếu các thế hệ trước đây chấp nhận việc có con hay không là "do trời định", phụ nữ trẻ Hàn Quốc sẽ tuyên bố: 'Tôi muốn lên kế hoạch cho cuộc đời mình'", GS Sarah Harper CBE, chuyên ngành Lão học tại Đại học Oxford, nói.

ty le sinh thap nhat anh 1

Tỷ lệ sinh của Hàn Quốc tăng nhẹ vào năm 2024 là lần tăng đầu tiên trong 9 năm, vẫn thấp so với mức trung bình toàn cầu là 2,2. Ảnh: Al Jazeera.

Hối hận

Trong nhiều năm, hai từ "sinh con" chưa từng xuất hiện trong tâm trí Park Soo-in. Cô quá bận rộn với công việc và chỉ ra khỏi công ty sau 4 giờ sáng.

"Tôi làm trong một công ty mà thời gian làm thêm là vô tận, việc có con thậm chí là một trở ngại, một điều tôi phải cân nhắc rất nhiều", nhân viên văn phòng 35 tuổi tâm sự.

Mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi cô kết hôn vào năm 2023. Soo-in chuyển sang một công việc khác với giờ làm việc bớt khắc nghiệt hơn. Bạn bè cô cũng bắt đầu có con.

"Gặp và chơi đùa cùng con của bạn bè làm tôi thay đổi suy nghĩ. Chồng tôi cũng chủ động tìm hiểu về thai kỳ, sinh nở và bày tỏ mong muốn này với tôi. Tôi tin vợ chồng tôi sẽ làm được", cô nói.

Soo-in và chồng lại khó thụ thai, họ phải tìm đến các phương pháp điều trị hiếm muộn. Nhiều người khác cũng đang làm vậy, cho thấy tiềm năng phát triển của một ngành công nghiệp có thể trị giá hơn 2 tỷ USD vào năm 2030.

"Đây là tín hiệu quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách. Vẫn còn những người phụ nữ muốn có một gia đình nhưng chẳng qua là gặp phải rào cản", Jennifer Sciubba, chủ tịch và giám đốc điều hành của Tổ chức Dân số Tham chiếu tại Washington DC (Mỹ), nhận định.

ty le sinh thap nhat anh 2

Nhu cầu thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) tại Hàn Quốc tăng gần 50% trong 5 năm, với 1/6 trẻ ở Seoul sinh ra nhờ phương pháp này. Ảnh: BBC.

Khó khăn trong việc thụ thai không nằm ở các rào cản thể chất. Trung tâm khủng hoảng dân số Hàn Quốc là hàng loạt áp lực xã hội, tài chính, từ các chuẩn mực gia trưởng khiến phụ nữ buộc phải gánh vác phần lớn trách nhiệm chăm sóc con cái cho đến giờ làm việc dài vô tận và chi phí giáo dục cao ngất ngưỡng. Điều này làm nhiều người trẻ nản lòng trong việc có con.

Hơn một nửa phụ nữ Hàn Quốc được hỏi cho biết họ muốn có con nhưng không đủ khả năng tài chính, theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc. Và đến khi phụ nữ Hàn sinh con đầu lòng, độ tuổi trung bình của họ là 33,6 - thuộc hàng cao nhất thế giới.

"Nghĩ lại thì tôi có lẽ nên bắt đầu sớm hơn nhưng bây giờ mới là thời điểm thích hợp. Năm 28, 29 tuổi thì tôi không đủ tiền để kết hôn hay sinh con", Soo-in kể.

Điều đó cũng đúng với Mi-ae, người đã phải dành dụm suốt 3 năm để kết hôn và thêm 4 năm để sinh con.

"Người ta dành tuổi trẻ để học hành, tìm việc và tiêu tiền, chuẩn bị cho cuộc sống. Đến khi mọi thứ ổn định thì mọi thứ đã quá muộn. Đợi càng lâu thì việc mang thai càng khó khăn về thể chất lẫn tinh thần", cô tự nhận xét.

Đắt đỏ

Hiện chính phủ Hàn Quốc có nhiều chương trình hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các phương pháp điều trị hiếm muộn. Seoul hiện tài trợ 2 triệu won (1.460 USD)/người muốn đông lạnh trứng và 1,1 triệu won cho mỗi ca IVF.

Song, số tiền đó vẫn không thấm tháp gì, Mi-ae nói cô phải chi hơn 2 triệu won/tháng để thực hiện IVF. Phần lớn số tiền đó được dùng cho thực phẩm bổ sung và các xét nghiệm không được trợ cấp.

Tỷ lệ thành công của IVF thường dưới 50% làm chi phí gia tăng càng nhanh chóng.

Đó là vấn đề mà Jang Sae-ryeon gặp phải. Người phụ nữ 37 tuổi đã điều trị vô sinh từ 2 năm trước và trải qua 5 chu kỳ IVF, tốn 1,5 triệu won mỗi lần.

"Tôi ước gì mọi chuyện suôn sẻ chỉ sau 1-2 lần thử nhưng thực tế làm tôi thất vọng. Nếu không có tiền thì đơn giản là không thể có con", Sae-ryeon nghẹn ngào.

ty le sinh thap nhat anh 3

Trải qua 5 chu kỳ IVF và nhiều lần sẩy thai, Jang Sae-ryeon vẫn không từ bỏ ước mơ làm mẹ, dù phải đánh đổi cả công việc lẫn tài chính. Ảnh: BBC.

Khối lượng công việc hiện tại cũng không phù hợp đối với những người theo đuổi lịch trình IVF đầy căng thẳng. Các công ty Hàn Quốc chỉ cung cấp vài ngày nghỉ để họ điều trị vô sinh đi kèm là các yêu cầu nghiêm ngặt.

Mi-ae đã trải qua IVF cho đứa con đầu lòng mà không nghỉ ngày nào. Trong khi đó, Sae-ryeon kể cấp trên đã yêu cầu cô hoãn điều trị để không ảnh hưởng đến công việc.

“Điều đó khiến tôi cảm thấy như IVF và một công việc toàn thời gian không thể song hành. Vì vậy tôi nghỉ việc. Nhưng khi tôi nghỉ, tôi lại gặp khó khăn tài chính, lại phải xin việc khác", Sae-ryeon nói.

Áp lực tài chính và văn hóa đã làm nguội lạnh giấc mơ có con của nhiều người Hàn Quốc, nhưng không phải với Sae-ryeon. Cô vẫn rơi nước mắt khi nhớ lại hai lần mang thai hồi đầu hôn nhân, cả hai đều kết thúc bằng sẩy thai.

"Bạn biết người ta hay nói rằng khi bạn có con, bạn sẽ cảm nhận được một tình yêu vô điều kiện chứ?. Tôi nghĩ việc có một đứa trẻ mang nét của cả hai và cùng nhau tạo dựng một gia đình là một trong những dạng hạnh phúc lớn nhất mà con người có thể cảm nhận được", cô nói.

Cuốn sách viết cho mẹ

Có những tình yêu không cần nói thành lời, nhưng vẫn luôn hiện diện, dịu dàng và vĩnh cửu. Trong Triệu lá thư gửi mẹ, mỗi trang sách là một phong thư nhỏ, chứa đựng lời nhắn gửi chân thành và sâu sắc để dành tặng những người phụ nữ quan trọng trong cuộc đời mỗi chúng ta.