Bình Dương sẽ làm metro nối với TPHCM
Chiều ngày 8/4, tại Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương– ông Võ Văn Minh – đã chủ trì Phiên họp lần thứ 90 của UBND tỉnh. Tại phiên họp, 16 nội dung quan trọng đã được thông qua, trong đó nổi bật là tờ trình về dự án tuyến đường sắt đô thị (Metro số 1) nối từ Thành phố mới Bình Dương đến khu vực Suối Tiên (TPHCM).

Metro số 1 nối từ Thành phố mới Bình Dương đến ga Suối Tiên (TPHCM). Ảnh: Công Luận
Dự án Metro số 1 được đề xuất với chiều dài đầu tư tổng cộng 32,43km, bao gồm tuyến chính dài 29,01km và đoạn kết nối vào Depot dài 3,42km. Tuyến metro sẽ đi qua bốn đô thị lớn của Bình Dương là Tân Uyên, Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An, với hệ thống gồm 19 nhà ga và một Depot dự kiến đặt tại phường Phú Chánh, TP. Tân Uyên.
Về phương án tài chính, nếu tỉnh Bình Dương tự xây dựng Depot riêng, tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 64.370 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu sử dụng chung Depot Long Bình hiện có của TPHCM, tổng chi phí đầu tư có thể giảm xuống còn khoảng 56.301 tỷ đồng.
Theo thiết kế, tuyến metro sẽ sử dụng đường đôi tiêu chuẩn khổ 1.435mm, với vận tốc khai thác tối đa đạt 120km/h. Nếu mọi công tác chuẩn bị diễn ra đúng kế hoạch, dự án sẽ được khởi công vào năm 2027 và dự kiến hoàn tất vào năm 2031. Khi đưa vào vận hành, đây sẽ là tuyến metro đầu tiên tại Bình Dương, góp phần giải quyết nhu cầu đi lại ngày càng tăng giữa tỉnh này và TP.HCM.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng thông qua kế hoạch đầu tư tuyến đường trục Đông - Tây, nối từ TP. Thuận An đến quận 12 (TPHCM) thông qua đường Vĩnh Phú 10 (LKV11). Dự án này được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông liên vùng, thúc đẩy liên kết kinh tế giữa hai địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh nhấn mạnh, đây là các dự án then chốt, tỉnh đang tích cực đẩy nhanh các bước chuẩn bị để sớm đưa vào triển khai, phục vụ phát triển đô thị và nhu cầu đi lại của người dân.
Metro sẽ góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối của Bình Dương
Việc triển khai tuyến Metro số 1 cùng các dự án metro trong tương lai đang mở ra bước ngoặt lớn cho tỉnh Bình Dương trong việc xây dựng hệ thống giao thông công cộng hiện đại, đồng thời tăng cường kết nối hiệu quả với TP.HCM.
Khi đi vào vận hành, tuyến metro này không chỉ giúp giảm tải giao thông đường bộ mà còn rút ngắn thời gian di chuyển giữa các khu vực trọng điểm, mang lại sự tiện lợi rõ rệt cho người dân.

Phối cảnh nhà ga metro và các dự án thành phần tại vòng xoay 7ha thành phố mới Bình Dương. Ảnh: UBND tỉnh Bình Dương
Đáng chú ý, dự án metro của Bình Dương được định hướng phát triển theo mô hình TOD (Transit Oriented Development), tức là phát triển đô thị gắn liền với các trục giao thông công cộng. Mô hình này đã chứng minh hiệu quả tại nhiều quốc gia, không chỉ giúp tối ưu hóa sử dụng đất mà còn nâng cao giá trị bất động sản tại khu vực quanh các nhà ga, từ đó thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư.
Hệ thống metro hiện đại cũng sẽ góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường, giảm lượng khí thải từ các phương tiện cá nhân và giảm thiểu tình trạng kẹt xe đang diễn ra ngày càng phổ biến. Hơn thế nữa, các tuyến metro trong tương lai sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kiến tạo diện mạo đô thị mới cho Bình Dương, hướng tới một không gian sống văn minh, năng động và chất lượng cao.
Bình Dương hiện đang định hình một chiến lược phát triển đô thị dựa trên hạ tầng giao thông công cộng làm trung tâm. Tỉnh đã và đang đầu tư vào mạng lưới xe buýt nhanh (BRT), các tuyến đường kết nối vùng, cùng với việc xúc tiến các dự án sử dụng vốn vay ODA từ Chính phủ Nhật Bản để nâng cấp hệ thống giao thông đô thị.
Trong một động thái tích cực gần đây, Nhật Bản đã hỗ trợ Bình Dương nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt nhẹ (LRT) kết nối các khu vực phát triển theo mô hình TOD trong nội tỉnh. Sự kết hợp giữa metro, BRT và LRT trong tương lai được kỳ vọng sẽ tạo ra một hệ thống giao thông liên hoàn, thuận tiện và bền vững.
Với định hướng rõ ràng và tầm nhìn dài hạn, Bình Dương đang dần khẳng định vị thế là đô thị kiểu mẫu trong phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông và không gian đô thị, đồng thời đóng góp vào quá trình xây dựng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam ngày càng hiện đại và phát triển bền vững.
Trong suốt nhiều năm, Bình Dương đã vươn mình từ một địa phương còn nhiều khó khăn trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội năng động bậc nhất cả nước. Bình Dương được biết đến là một trong những tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất Việt Nam, nền công nghiệp phát triển mạnh, với nhiều khu công nghiệp lớn như VSIP, Sóng Thần, Mỹ Phước...
GRDP bình quân đầu người của tỉnh luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước, cùng với tỷ lệ đô thị hóa cao và hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại.
Cụ thể, năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của Bình Dương cao nhất cả nước là 8,076 triệu đồng/tháng, vượt xa Hà Nội (6,423 triệu đồng/tháng) và TP.HCM (6,392 triệu đồng/tháng).
Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của Bình Dương đạt 8,29 triệu đồng/tháng, tiếp tục dẫn đầu cả nước.