Tôi mua đơn hàng gần 8 triệu đồng với giá 800.000 đồng trên Temu

Một số người tiêu dùng phản ánh chất lượng hàng hóa và vận chuyển của sàn Temu không có gì nổi bật. Nếu không vì mức giá ưu đãi quá hấp dẫn, sàn này khó lấy lòng người dùng.

mua hang tren temu,  dat hang temu,  dang ky temu,  temu vao viet nam anh 1

Sự phủ sóng dày đặc của “cơn sốt” Temu trên mạng xã hội vài tuần qua khiến Bảo Lâm (28 tuổi, trú tại Hà Nội) không khỏi tò mò về sàn thương mại điện tử (TMĐT) mới đặt chân đến Việt Nam này.

Ngay sau khi cài đặt ứng dụng, giao diện đầu tiên xuất hiện trước mắt anh là vòng quay quà tặng dành cho người dùng mới. Theo giới thiệu, vòng quay này có 4 phần thưởng với tỷ lệ chiến thắng tuyệt đối, thấp nhất là mã giảm giá 9% và cao nhất là miễn phí một sản phẩm bất kỳ.

“Tôi đã quay trúng ô miễn phí đơn hàng, lần hiếm hoi cảm thấy mình may mắn như vậy. Tuy nhiên, điều bất ngờ nhất là ứng dụng này thâm chí tặng thêm 2 món hàng miễn phí nữa chỉ vì hôm đó là thứ Sáu”, người dùng này chia sẻ.

Đơn hàng 7,8 triệu đồng giá chỉ 770.000 đồng

Với 3 quyền mua sản phẩm giá 0 đồng, anh Lâm hào hứng lựa chọn các sản phẩm được Temu đề xuất. Danh mục này chứa hàng trăm sản phẩm với đủ loại hàng hóa, mẫu mã cùng giá thành khác nhau.

Để không lãng phí cơ hội may mắn cũng như hạn chế rủi ro mua phải hàng kém chất lượng, người dùng này quyết định chọn 3 sản phẩm đắt đỏ nhất, gồm một bộ đèn led đặt góc tường, một bộ tai nghe không dây mang thương hiệu Philips và một máy ghi âm. Cả 3 sản phẩm này đều có giá niêm yết dao động 1-2 triệu đồng/sản phẩm.

Song, khi bước sang phần thanh toán, giao diện Temu lại xuất hiện thêm một vòng quay thưởng khác. Không giống lần trước, vòng quay này gồm 4 mã hoàn tiền với giá trị lần lượt 20% - 40% - 50% - 100%.

“Tôi lại quay trúng vào ô giá trị nhất là mã hoàn tiền 100%. Ứng dụng này yêu cầu tôi mua thêm 2 món hàng với tổng giá tiền tối thiểu 770.000 đồng để đủ điều kiện hưởng toàn bộ quà tặng trên”, anh cho biết.

Trước phần thưởng hấp dẫn, sau vài thao tác thanh toán đơn giản, Bảo Lâm chính thức hoàn thành đơn hàng mua sắm đầu tiên trên Temu.

Hiện tại, sàn TMĐT này mới cung cấp lựa chọn thanh toán bằng thẻ tín dụng đối với thị trường Việt Nam, chưa cho phép hình thức COD (nhận hàng trả tiền) hay hỗ trợ bất cứ ví điện tử nội địa nào.

Tổng cộng, người dùng này chỉ phải thanh toán chưa đến 800.000 đồng cho 5 sản phẩm. Đáng chú ý, nếu bỏ qua các khuyến mãi, đơn hàng này có giá gốc lên đến 7,8 triệu đồng.

Cũng bị FOMO trước sự đổ bộ của Temu vào Việt Nam, cuối tháng 10, anh Xuân Khoa (30 tuổi, Bắc Ninh) đã "test" thử một đơn hàng gồm 6 sản phẩm, tổng giá gốc hơn 5,8 triệu đồng trên sàn TMĐT này.

Tương tự những người dùng lần đầu, đơn hàng của anh Khoa cũng được Temu áp dụng nhiều chính sách khuyến mại giảm giá, hoàn tiền, miễn phí ship. Sau cùng, anh chỉ cần thanh toán hơn 800.000 đồng cho đơn hàng 6 món.

Nhận 5 trả lại 2

So với các sàn TMĐT lớn đang hoạt động tại Việt Nam như Shopee, Lazada hay TikTok Shop, thời gian giao hàng từ Trung Quốc về Hà Nội của Temu lâu hơn 1-2 ngày, trung bình tốn khoảng 6 ngày cho mỗi đơn hàng. Các đối tác giao hàng của nền tảng này cũng rất hạn chế, thường là Best Express và Ninja Van.

Theo anh Lâm, đơn hàng từ Temu được đóng gói khá sơ sài, chỉ gồm một túi ni lông lớn chứa 5 hộp hàng, không kèm lớp chống sóc dù bên ngoài dán ký hiệu hàng dễ vỡ.

Với tiếng kêu lạch cạnh bên trong túi, không khó để người dùng này nhận ra một số vật dụng đã bị rơi khỏi hộp. Điều làm anh lo lắng nhất là nguy cơ hàng hóa bị gãy, vỡ sau quãng đường vận chuyển hàng trăm km.

“Khi bóc ra, 4 trên 5 hộp hàng đều bị bung nắp, linh kiện từ 2 trong số đó vương vãi đầy trong túi. Tuy có xước sát một chút nhưng rất may các sản phẩm nhìn chung không gặp vấn đề gì”, anh nói.

Khi niềm vui khui hàng chưa kịp đến, sự thất vọng lại nhanh chóng tràn tới khi 2 sản phẩm có chất lượng kém, thậm chí không thể sử dụng. Trong đó, bộ đèn led có giá gốc 1,7 triệu đồng (hàng tặng) không thể ráp vừa các khớp nối còn chiếc máy chiếu (một trong 2 sản phẩm mà anh buộc phải thanh toán) có giá gốc 2,8 triệu đồng thì “mờ tịt”.

Không bằng lòng với 2 món hàng này, anh Lâm quyết định sử dụng phương thức trả hàng, hoàn tiền.

Có trải nghiệm dễ chịu hơn, anh Khoa cho biết đơn hàng 6 món trên Temu của anh đặt ngày 27/10 đến ngày 30/10 đã có 1 trong 6 món được giao.

"Sản phẩm giống mô tả nhưng giá không rẻ hơn so với Shopee, thậm chí đắt hơn. Nhưng đây là đơn hàng miễn phí cho tài khoản mới nên tôi đánh giá 8/10 điểm", anh Khoa chia sẻ.

Đến ngày 2/11, người dùng này cho biết đã nhận hàng đợt 2 bao gồm 5/6 món hàng còn lại đặt mua. Trong số này gồm 2 món miễn phí và 3 món mất tiền. Anh Khoa cho biết thực tế giá về tay của 3 sản phẩm mất tiền không rẻ hơn sản phẩm tương tự đang bán trên các sàn TMĐT trong nước. Tuy nhiên, đây là điều kiện để người dùng được miễn phí 3 món hàng còn lại nên anh vẫn đặt mua trải nghiệm.

"Thời gian giao hàng từ lúc đặt là khoảng 5 ngày. Về cơ bản hàng giống mô tả nhưng tôi cũng chưa có thời gian để trải nghiệm kỹ hơn về chất lượng", anh Khoa chia sẻ.

Sau cùng, người dùng này cho biết hài lòng với chính sách khuyến mại, hoàn tiền và miễn phí ship cũng như chất lượng hàng trên Temu. Anh cho rằng việc thị trường Việt Nam có nhiều sàn TMĐT cạnh tranh là cơ hội để người dùng tiếp cận được với hàng hóa giá rẻ hơn.

Không ít người dùng thất vọng

Trên thực tế, theo YouNet Media, dù tạo được tiếng vang lớn ban đầu, những trải nghiệm đầu tiên của người tiêu dùng với sàn Temu đến nay không mấy tích cực.

Nhiều người đã trải nghiệm thẳng thắn đăng bài nhận xét rằng giá cả trên Temu không rẻ, thậm chí còn cao hơn Shopee (chiếm 11% lượng thảo luận). Đồng thời, chất lượng sản phẩm kinh doanh trên sàn này cũng bị nhiều người dùng đặt dấu hỏi (chiếm 5% lượng thảo luận).

Bên cạnh đó, người dùng cũng phản ánh về dịch vụ vận chuyển và đổi trả, cho rằng thời gian giao hàng chậm, quy trình đổi trả phức tạp.

mua hang tren temu,  dat hang temu,  dang ky temu,  temu vao viet nam anh 6

Nhiều người Việt tỏ ra không hài lòng sau khi mua hàng trên Temu. Ảnh: YouNet Media.

Chính sách không hỗ trợ thanh toán khi nhận hàng cũng là điểm trừ. Mặt khác, gần 5% thảo luận bày tỏ lo ngại về rủi ro bảo mật tài khoản khi cung cấp thông tin thẻ tín dụng.

Dẫu vậy, phiên bản quốc tế của gã khổng lồ Pinduoduo (Trung Quốc) vẫn ghi nhận một số phản hồi tích cực.

Chị Hải Trâm (32 tuổi, trú tại TP.HCM) cảm thấy ưng ý sau khi chi 1,6 triệu đồng cho 2 chiếc túi thời trang và 1 món đồ trang trí. Số tiền thanh toán này chỉ bằng 23% giá gốc của đơn hàng.

Trước đó, chị Trâm từng nhiều lần bày tỏ sự nghi hoặc với mức giảm không tưởng này.

“Tôi thấy túi dày dặn, chất liệu ổn, mẫu mã như hình. Riêng giá treo tường dù chưa tới 70.000 đồng nhưng được đóng gói ngay ngắn”, người dùng này chia sẻ.

Bên cạnh đó, một trong những ưu điểm của Temu được chị Trầm nhấn mạnh là 3 món hàng từ những gian hàng khác nhau đều được giao trong cùng một kiện thay vì xé lẻ.

So sánh mức giá trên các sàn TMĐT trong nước, chị đánh giá các sản phẩm trên Temu chủ yếu thấp hơn hoặc tương đương. Tuy nhiên, nếu những sản phẩm này không được quảng cáo với mức chiết khấu ưu đãi lên đến hàng chục %, chị Trâm cho rằng bản thân sẽ cần phải cân nhắc kỹ trước khi xuống tiền.

Thời gian qua, các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu, Shein, 1688... đã tiến hành các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng chưa đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương. Sau khi được báo chí phản ánh, đến ngày 24/10, Temu có văn bản gửi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) về việc thực hiện các yêu cầu tuân thủ pháp luật thương mại điện tử Việt Nam khi gia nhập thị trường.

Hiện Bộ Công Thương đã liên hệ và làm việc trực tiếp với đội ngũ pháp lý của Temu cùng các nền tảng xuyên biên giới thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật Việt Nam để yêu cầu các nền tảng này thực hiện các bước đăng ký chính thức và tuân thủ các tiêu chuẩn về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, minh bạch thông tin và an toàn dữ liệu.

Trong lúc này, Bộ Công Thương khuyến cáo người tiêu dùng tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các nền tảng khi chưa được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký tại Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử.

Riêng Temu đã được chủ sở hữu là Công ty Elementary Innovation Pte. Ltd đăng ký thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài vào ngày 4/9. Hiện sàn TMĐT này được cấp mã số thuế 9000001289. Tổng cục Thuế dự kiến trong tháng 10, Temu mới phát sinh doanh thu nộp thuế và sẽ kê khai doanh thu vào kỳ khai thuế quý IV/2024 với thời hạn nộp là 31/1/2025 nếu được Bộ Công Thương cấp phép hoạt động.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.