Câu chuyện cô gái họ Đường (33 tuổi, Tứ Xuyên, Trung Quốc) bỏ công việc căng thẳng ở thành phố để về quê tìm niềm an ủi, thư giãn đã trở thành chủ đề nóng trên mạng xã hội gần đây.
Cô Đường thu hút sự chú ý của dư luận khi chia sẻ câu chuyện của mình vào ngày 17/12. Theo đó, sau khi xin nghỉ việc, cô đã phải dành hơn 3 tiếng rưỡi đồng hồ để thoát hơn 600 nhóm chat liên quan đến công việc trên nền tảng mạng xã hội WeChat.
Câu chuyện gây ám ảnh của cô Đường đã thu hút hơn 160 triệu lượt xem trên nền tảng tiểu blog Sina Weibo. Đường chia sẻ với tờ Thecover.cn (một cơ quan truyền thông có trụ sở tại tỉnh Tứ Xuyên) rằng, cô cảm thấy nhẹ nhõm sau khi rời khỏi tất cả các nhóm chat này và rất nhiều người bày tỏ sự đồng cảm với cô.
"Đây rõ ràng là cô gái đang giành lại sự tự do"; "Ai mà không có hàng tá nhóm WeChat công việc với nhiều nhiệm vụ khác nhau, tôi đã chán ngấy các nhóm chat, cứ hở ra là lập nhóm chat"; "Thực trạng chung khi làm việc thời 4.0, nhóm chat tag tên liên tục thôi"..., cư dân mạng bình luận.
Đường là nhà thiết kế, từng làm việc cho một công ty bất động sản ở Bắc Kinh. Tính chất khắt khe của công việc khiến cô không thấy hạnh phúc. Cô kiếm được khoảng 20.000 - 30.000 nhân dân tệ (70 - 100 triệu đồng) mỗi tháng nhưng cô cảm thấy quá áp lực.
Đường liên tục nhận thông báo từ hàng trăm nhóm WeChat liên quan đến công việc. Ảnh minh họa: Reuters. |
Cô gái này chịu trách nhiệm giám sát việc thiết kế nội thất của một số cơ sở thương mại. Áp lực quản lý nhiều trung tâm mua sắm đã ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của cô.
Khi một cửa hàng mới mở ra, một nhóm WeChat lại được tạo, thành viên thường bao gồm nhân viên trung tâm mua sắm, nhân viên quản lý tài sản và phòng cháy chữa cháy, kỹ thuật viên điều hòa không khí, chủ cửa hàng và nhân viên trang trí.
Liên tục phải nhận hàng loạt thông báo từ các nhóm WeChat liên quan đến công việc, cô cảm thấy mình như một con robot, không thể có suy nghĩ và cảm xúc của riêng mình.
"Tôi không dám tắt điện thoại vì không đủ khả năng bỏ qua tin nhắn nhóm, sợ thiếu thông tin quan trọng có thể ảnh hưởng đến việc mở cửa hàng mới", Đường chia sẻ.
Tiếng bíp liên tục từ ứng dụng trò chuyện khiến Đường sợ hãi. Số lượng tin nhắn nhóm quá nhiều cũng khiến cô cực kỳ mệt mỏi. Bình thường, cô sẽ nhanh chóng lướt qua những tin nhắn không liên quan trong nhóm, nhưng một số người tag cô về bất cứ điều gì, khiến cô cảm thấy áp lực.
Cảm thấy kiệt sức, Đường quyết định nghỉ việc. Việc từ chức không hoàn toàn chỉ vì số lượng quá lớn các nhóm chat làm việc. Vấn đề là quá nhiều nhóm như vậy tất yếu kéo theo vô số áp lực công việc khác.
Sau khi nghỉ việc, cô trở về quê hương ở tỉnh Tứ Xuyên, được ông bà, cha mẹ chào đón với vòng tay rộng mở. Cô gái này đang tận hưởng niềm vui giản dị của những bữa ăn tự nấu từ nguyên liệu tươi ngon. "Tôi cảm thấy được tự do, vui vẻ, nhàn nhã, không phải chịu áp lực từ cách nhóm chat làm việc", Đường chia sẻ.
Cuộc sống bình yên tại một ngôi làng cách thành phố Nam Sung 30km khiến cô quyết định bỏ phố về quê. Đường bắt đầu kinh doanh bán xúc xích tự làm và thịt muối online tại quê nhà.
Với sự hỗ trợ của gia đình, cô đã thành lập một cơ sở chế biến nhỏ ở nhà ông bà ngoại. Cha cô đã xây dựng một nhà hun khói bằng gỗ từ cây tuyết tùng và cô đặt mục tiêu tạo dựng thương hiệu thịt ướp muối của riêng mình.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.