
Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị - Ảnh: TTXVN
Sáng 16-4, Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành
Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị - Ảnh: TTXVN
Sáng 16-4, Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành
Quang cảnh hội nghị - Ảnh: GIA HÂN
Tầm nhìn chiến lược phát triển đất nước lâu dài
Tổng Bí thư nêu 4 vấn đề cần lưu ý. Trong đó thực hiện chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp là chủ trương xuất phát tầm nhìn chiến lược phát triển đất nước lâu dài.
Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thảo luận kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều mặt để đi đến thống nhất cao thực hiện chủ trương này với nguyên tắc, tiêu chí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, xác định tên gọi, việc đặt địa điểm trung tâm chính trị - hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp, các tiêu chí, tiêu chuẩn và định hướng sắp xếp cấp xã.
Triển khai thực hiện chủ trương này, theo Tổng Bí thư sẽ tác động nhất định đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
"Đây là điều dễ hiểu. Bởi mỗi con người Việt Nam đều ăn sâu trong ký ức về hình ảnh quê hương, nơi chôn rau, cắt rốn của mình.
Tuy nhiên trước yêu cầu phát triển mới của đất nước phải thay đổi tư duy, tầm nhìn, thống nhất về nhận thức, tư tưởng. Phải vượt lên chính mình, hy sinh lợi ích cá nhân, vì lợi ích chung của đất nước.
Vượt qua những khó khăn, lo lắng, tâm lý, thói quen bình thường, vượt qua những tâm lý, tâm trạng vùng miền để hướng tới tư duy, tầm nhìn rộng lớn hơn "đất nước là quê hương"", Tổng Bí thư nêu rõ.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, tinh gọn bộ máy chính trị, sáp nhập tỉnh, xã không chỉ đơn thuần là vấn đề điều chỉnh tổ chức bộ máy, địa giới hành chính mà là vấn đề điều chỉnh không gian kinh tế, điều chỉnh sự phân công, phân cấp, phân bổ nguồn lực cho phát triển, là cơ hội để sàng lọc, sắp xếp, xây dựng đội ngũ cán bộ.
Tinh thần thực hiện phải quyết liệt khẩn trương, vừa chạy vừa xếp hàng, không được để gián đoạn công việc. Bộ máy mới phải tốt hơn, hiệu quả hơn bộ máy cũ, lộ trình thực hiện bài bản, khoa học, đúng quy định, nguyên tắc, định hướng của trung ương.
Chính quyền địa phương sau khi sắp xếp để đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, đáp ứng các yêu cầu quản trị xã hội hiện đại, thực hiện được các mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững, tạo thế và lực mới, chăm lo ngành tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân...
Tổng Bí thư phát biểu tại hội nghị - Ảnh: GIA HÂN
Tránh sáp nhập các xã, phường quá rộng, như một cấp huyện thu nhỏ
Ông yêu cầu các địa phương trong quá trình thực hiện phải hết sức chủ động, trách nhiệm trong việc xây dựng phương án sắp xếp xã, phường.
Đồng thời tránh 2 khuynh hướng. Một là sáp nhập các xã, phường quá rộng, như một cấp huyện thu nhỏ dẫn đến không quán xuyến được địa bàn, không chủ động phục vụ được nhân dân, biến chủ trương không tổ chức cấp huyện thành không tổ chức cấp xã.
Thứ hai, tránh xu hướng sáp nhập các xã, phường quá nhỏ dẫn đến hạn chế không gian, dư địa trong phát triển, đầu mối nhiều hơn dẫn đến cồng kềnh, kém hiệu quả…
Bố trí cán bộ vì công việc sau đó mới đến các tiêu chí khác
Về công tác cán bộ, Tổng Bí thư lưu ý diện cán bộ bị tác động trong đợt sắp xếp, sáp nhập này là rất lớn. Chủ trương là trước mắt bố trí biên chế như hiện đã có, đảm bảo ổn định.
Sau khi ổn định bộ máy mới đi vào hoạt động chỉ đạo rà soát, hoàn thiện vị trí việc làm, xác định biên chế từng cấp trong tổng biên chế chung.
Ông yêu cầu hết sức công tâm, khách quan trong bố trí cán bộ, thực hiện đầy đủ các quy định, đảm bảo công khai minh bạch, tăng cường kiểm soát quyền lực...
Không để xảy ra tình trạng mất đoàn kết, lợi ích nhóm, chạy chức, chạy quyền, cục bộ, bè phái, tham nhũng, lãng phí trong công tác bố trí, sắp xếp cán bộ, sắp xếp tổ chức bộ máy của đơn vị hành chính các cấp.
Đặc biệt lưu ý làm tốt lựa chọn, bố trí lãnh đạo, nhất là người đứng đầu cơ quan cấp tỉnh, cấp xã sau sáp nhập...
Tổng Bí thư nhấn mạnh tiêu chí đầu tiên bố trí cán bộ là vì công việc, sau đó mới đến các tiêu chí khác.
Nhân sự lãnh đạo các cấp và nhân sự đại hội XIV phải hội tụ đủ đức, đủ tài, đủ tâm, đủ tầm, đủ sức, đủ nhiệt huyết cách mạng, để gánh vác được trọng trách lịch sử của đất nước.
"Trong tình hình hiện nay, không có chỗ cho những cán bộ cơ hội, bon chen, trung bình chủ nghĩa, lừng chừng, ngại đổi mới, thu vén cá nhân.
Những ai thấy mình không đáp ứng yêu cầu phải tự nguyện rút lui, nhường chỗ cho người khác xứng đáng hơn. Tự nguyện đứng về phía sau vì sự nghiệp phát triển cũng là hành động bản lĩnh, dũng cảm, đáng tự hào, đáng được khen ngợi", Tổng Bí thư nêu rõ.