TP. Hồ Chí Minh: 7 tỷ USD cho trung tâm tài chính quốc tế

Theo Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh, thành phố dự kiến đầu tư khoảng 172.000 tỷ đồng (tương đương 7 tỷ USD) để phát triển Trung tâm tài chính quốc tế.

TP. Hồ Chí Minh dự kiến đầu tư khoảng 172.000 tỷ đồng (tương đương 7 tỷ USD) để phát triển Trung tâm tài chính quốc tế

TP. Hồ Chí Minh dự kiến đầu tư khoảng 172.000 tỷ đồng (tương đương 7 tỷ USD) để phát triển Trung tâm tài chính quốc tế

Hiện Thành phố đang bước vào giai đoạn tăng tốc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế theo Nghị quyết của Quốc hội sẽ có hiệu lực vào ngày 1/9 năm nay.

Trong đó, giai đoạn đầu cần 16.000 tỷ đồng để hoàn thiện hạ tầng khu lõi Thủ Thiêm, trong đó 2.000 tỷ đồng dành cho trụ sở cơ quan nhà nước. Trung tâm tài chính quốc tế tại TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu cụ thể là thu hút vốn đầu tư quốc tế, nhất là dòng vốn dài hạn, các tập đoàn tài chính đa quốc gia; đồng thời xây dựng hệ sinh thái tài chính toàn diện gồm ngân hàng quốc tế, thị trường chứng khoán, fintech, bsg quản lý tài sản quốc tế. Khu lõi diện tích là 9,2 ha đặt tại Thủ Thiêm sẽ là nơi xây dựng trụ sở cơ quan quản lý, giám sát, tài phán trung tâm tài chính quốc tế.

TP Hồ Chí Minh nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á, kết nối thuận lợi với các trung tâm tài chính lớn trong khu vực và tạo điều kiện cho việc giao thương, trao đổi vốn quốc tế. Hệ thống giao thông của Thành phố với cảng biển và sân bay quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo dòng chảy hàng hóa và dịch vụ tài chính xuyên biên giới.

Về kinh tế, TP Hồ Chí Minh chiếm khoảng 23% GDP cả nước; đóng vai trò là trung tâm của nhiều ngành kinh tế trọng điểm như tài chính, công nghệ và dịch vụ. Đây cũng là nơi tập trung nhiều ngân hàng, công ty chứng khoán, tổ chức tài chính, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của một trung tâm tài chính quốc tế. Hơn nữa, tốc độ chuyển đổi số trong lĩnh vực công nghệ tài chính của Thành phố thuộc hàng cao nhất trong khu vực và thế giới, trong khi chi phí giao dịch lại thấp hơn so với các trung tâm tài chính khác.

Theo ông Nguyễn Lộc Hà - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là điểm mạnh của TP. Hồ Chí Minh. Với dân số trẻ, được đào tạo bài bản từ các trường đại học hàng đầu và các chương trình hợp tác quốc tế, Thành phố có khả năng cung cấp lực lượng lao động phù hợp cho ngành tài chính và công nghệ. Sự hiện diện của các startup trong lĩnh vực Fintech cũng là động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ trong tài chính, giúp Thành phố nhanh chóng thích nghi với các xu hướng toàn cầu.

Hiện TP Hồ Chí Minh đang bước vào giai đoạn tăng tốc triển khai Nghị quyết số 222/2025/QH15 của Quốc hội về Trung tâm Tài chính quốc tế tại Việt Nam. Trung tâm đặt tại TP. Hồ Chí Minh có định hướng phát triển sản phẩm riêng biệt, phát huy thế mạnh của Thành phố và hướng tới mục tiêu trở thành một trong những trung tâm tài chính quốc tế, nâng tầm vị thế của Việt Nam trong mạng lưới tài chính toàn cầu.