Tổng thu du lịch trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh ước đạt 190.000 tỷ đồng trong năm 2024, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023 (đạt 160.000 tỷ đồng), hoàn thành kế hoạch đã đề ra.
Khách du lịch nội địa đến thành phố ước đạt 38 triệu lượt, tăng 8,6% so với mức 35 triệu lượt của năm 2023. Khách quốc tế đến thành phố ước đạt 6 triệu lượt, tăng 20% so với cùng kỳ, hoàn thành kế hoạch được đề ra.
Thông tin trên được UBND TP. Hồ Chí Minh báo cáo tại Hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; quán triệt triển khai nhiệm vụ năm 2025, được tổ chức sáng ngày 26/4. Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND thành phố chủ trì Phiên họp.
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Dương Ngọc Hải cho biết, trong năm 2024, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức nhưng được sự quan tâm lãnh đạo của Trung ương, Thành ủy, sự giám sát của Hội đồng nhân dân Thành phố, sự chỉ đạo quyết liệt, khoa học, bám sát tình hình thực tiễn, Thành phố đã có những phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả.
Kinh tế Thành phố tiếp tục hồi phục tích cực, chuyển dịch theo hướng hiện đại, có mức tăng trưởng khá. Sản xuất công nghiệp vẫn duy trì mức tăng ổn định cho thấy sự phục hồi và phát triển bền vững của công nghiệp Thành phố. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã có nhiều tín hiệu tích cực khi đơn hàng từng bước phục hồi…
UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết: Kinh tế Thành phố năm 2024 tiếp tục phục hồi, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước (quý I: tăng 6,79%, quý II: tăng 6,53%, quý III: tăng 7,36%; quý IV ước tính tăng 7,92%).
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2024 ước tăng 7,17% so với năm 2023 (gần đạt Kế hoạch tăng từ 7,5-8%). Trong đó, khu vực nông lâm thủy sản tăng 0,12%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,89%; khu vực thương mại dịch vụ tăng 7,70%; thuế sản phẩm tăng 5,14%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 tăng trưởng ổn định, ước đạt hơn hơn 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 10,7%. Trong đó, bán lẻ hàng hóa tăng 11%, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9%, dịch vụ lữ hành tăng 55%, dịch vụ khác 7,6%.
Tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp Thành phố qua cửa khẩu cả nước năm 2024 ước đạt 46 tỷ USD, tăng 8,3% so năm 2023 (cùng kỳ giảm 8,64%). Cơ cấu hàng xuất khẩu tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn (75%) trong kim ngạch xuất khẩu; cơ cấu thị trường xuất khẩu chuyển dịch mạnh sang các nước/vùng lãnh thổ Việt Nam có tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA), hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp Thành phố đã có mặt tại 214 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp Thành phố qua cửa khẩu cả nước ước đạt 58,6 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ (năm 2023 giảm 12,1%).
Trong năm 2024, tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, Thành phố thu hút ước đạt 4,85 tỷ USD, giảm 18,9% so với cùng kỳ.
Sang năm 2025, về kinh tế, TP. Hồ Chí Minh phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP); tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%; phấn đấu kinh tế số đóng góp khoảng 25% trong GRDP.
Địa bàn đặt mục tiêu GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 8.500 USD; tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% trong GRDP. Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP đạt trên 50%; Tỷ lệ chi đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội đạt trên 1%/GRDP. Bên cạnh đó, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội TP. Hồ Chí Minh phấn đấu đạt 7%.