TPHCM cảnh báo sốt xuất huyết gia tăng

() - Trong tuần 27 (từ 30/6 đến 6/7), TPHCM ghi nhận 838 ca sốt xuất huyết, tăng 43 ca so với tuần trước (795 ca).

Ngày 12/7, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) thông tin về tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố trong thời gian gần đây.

Số ca mắc sốt xuất huyết tăng hơn 153% 

Cụ thể, trong tuần 27 (từ 30/6 đến 6/7), TPHCM ghi nhận 838 ca sốt xuất huyết, tăng 43 ca so với tuần trước (795 ca).

Trong đó, khu vực TPHCM cũ ghi nhận 704 ca sốt xuất huyết, tăng 38,8% so với trung bình 4 tuần trước. Khu vực Bình Dương ghi nhận 84 ca, tăng 40 ca so với cùng kỳ năm ngoái (44 ca). Khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận 50 ca, tăng 15 ca so với tuần trước.

Tích lũy 27 tuần đầu năm, TPHCM sau sáp nhập ghi nhận 14.370 ca sốt xuất huyết, tăng 153,3% so với cùng kỳ năm 2024 (8.696 ca).

Cụ thể, khu vực TPHCM cũ ghi nhận tổng cộng 11.014 ca (tăng 158% so với cùng kỳ 2024). Khu vực Bình Dương cũ ghi nhận 2.494 ca (tăng 145% so với cùng kỳ 2024); khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu cũ ghi nhận 862 ca (tăng 122% so với cùng kỳ năm 2024).

Cũng trong thời gian này, toàn địa bàn ghi nhận tổng cộng 6 ca tử vong do sốt xuất huyết, trong đó khu vực TPHCM cũ ghi nhận 3 ca, khu vực Bình Dương ghi nhận 2 ca tử vong và khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận 1 ca tử vong.

TPHCM cảnh báo sốt xuất huyết gia tăng - 1

Biểu đồ diễn tiến bệnh sốt xuất huyết theo tuần năm 2025 (Ảnh: HCDC)

 Theo Sở Y tế TPHCM, dữ liệu giám sát dịch bệnh cho thấy thành phố đang bước vào cao điểm mùa mưa, với các điều kiện môi trường thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Số ca mắc hàng tuần có xu hướng tăng nhanh và lan rộng địa bàn.

Nếu công tác kiểm soát ổ dịch và diệt lăng quăng không được duy trì thường xuyên, nguy cơ hình thành các chuỗi lây nhiễm thứ phát là rất cao, có thể gây áp lực lớn lên hệ thống điều trị, đặc biệt tại các bệnh viện nhi và tuyến quận, huyện.

So sánh với giai đoạn 2019-2022, các đợt dịch sốt xuất huyết lớn đều bùng phát từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 8. Đây cũng là khung thời gian thành phố cần đặc biệt cảnh giác với căn bệnh này.

Biết được xu hướng gia tăng ca bệnh trong mùa mưa, TPHCM tiếp tục xác định, chủ động phòng ngừa - phát hiện sớm - xử lý triệt để là giải pháp then chốt để kiềm chế dịch sốt xuất huyết, đặc biệt là trong thời gian tới. 

Làm gì để phòng sốt xuất huyết?

Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng tại nhiều địa bàn, ngành y tế TPHCM đã chủ động triển khai hàng loạt biện pháp đáp ứng nhằm kiểm soát và khống chế sự lây lan của dịch bệnh.

Cụ thể, ngành y tế đã tăng cường các hoạt động giám sát, xử lý ổ dịch và đánh giá điểm nguy cơ, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh tại hộ gia đình.

Công tác truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết được đẩy mạnh qua nhiều kênh, trong đó ứng dụng “Y tế trực tuyến” tiếp tục được sử dụng để tiếp nhận phản ánh và theo dõi xử lý các điểm nguy cơ.

Ngành Y tế TPHCM sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình dịch sốt xuất huyết để cảnh báo và kịp thời thực hiện các biện pháp phòng bệnh, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giảm thiểu số ca mắc bệnh sốt xuất huyết.

Trước diễn biến phức tạp, ngành y tế TPHCM khuyến cáo người dân cần iệt lăng quăng bằng cách tìm và loại bỏ vật chứa nước mà muỗi vằn có thể đẻ trứng.

Các vật chứa nước có mục đích để phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày cần được đậy kín khi không sử dụng và súc rửa thường xuyên hoặc thả cá bảy màu ăn lăng quăng đối với các hòn non bộ, cây thủy sinh…

Các vật chứa nước có mục đích để phục vụ cho sinh hoạt, nhưng chưa hoặc không sử dụng thường xuyên phải có biện pháp sắp xếp, che chắn, không để ứ đọng nước.

Các vật chứa nước không có mục đích sử dụng cần được thu gom và loại bỏ ngay.

Cần diệt muỗi và phòng ngừa muỗi chích bằng các biện pháp như ngủ mùng, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt muỗi...

Khi bị sốt, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

Người dân cũng cần tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Khi phát hiện địa điểm có nguy cơ phát sinh lăng quăng gây bệnh sốt xuất huyết, người dân nên nhanh chóng phản ánh địa chỉ cụ thể lên ứng dụng Y tế trực tuyến để được xử lý kịp thời.