Ngày 18/4, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) cho biết, vừa qua nơi này đã tiếp nhận cấp cứu một trẻ hóc dị vật đường thở nguy hiểm.
Theo đó, nửa đêm 14/4, bé Ng. (22 tháng tuổi, ngụ tỉnh Long An) được đưa đến bệnh viện trong tình trạng khó thở. Khai thác bệnh sử, 17h cùng ngày nhập viện, mẹ cháu bé thấy con đang ăn hạt dưa rồi đột ngột ho sặc sụa, môi tái nhẹ, khóc nhiều, ói ra thức ăn.
Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, các bác sĩ ghi nhận trẻ lừ đừ, môi tái, độ bão hòa oxy trong máu (SpO2) còn 86%, hơi thở khi hít vào nghe tiếng rít... Ảnh chụp CT ngực ghi nhận bé có dị vật chiếm gần hết lòng khí quản.

Hình ảnh dị vật là hạt dưa gây bít tắc đường thở của bệnh nhi (Ảnh: BV).
Trẻ được ê-kíp điều trị hỗ trợ hô hấp, dùng kháng sinh. Sau khi hội chẩn chuyên khoa Hô hấp và Tai mũi họng, bác sĩ tiến hành nội soi đường thở lấy dị vật bằng ống soi mềm.
Quá trình can thiệp, các bác sĩ phát hiện dị vật màu nâu dạng hình thoi, thuôn 2 đầu (nghĩ là hạt dưa) ở đoạn 1/3 dưới khí quản, gây bít gần hoàn toàn lòng khí quản, nên dùng kềm gắp dị vật thành công.
Hậu can thiệp, trẻ hết khó thở, tỉnh táo trở lại và đường hô hấp thông thoáng.
Cũng trong ngày 14/4, Đơn vị Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện TP Thủ Đức tiếp nhận bệnh nhi tên Y. (5 tuổi, ngụ TPHCM) trong tình trạng nuốt phải viên nam châm đồ chơi hình ngôi sao lúc ăn cơm. Bệnh nhi có triệu chứng mắc nghẹn, đau vùng cổ và khó thở nhẹ.
Ngay sau khi chụp X-quang phát hiện dị vật vùng cổ, ê-kíp bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành nội soi gắp dị vật thành công.
Bác sĩ chuyên khoa I Phan Chương, đơn vị Nội soi tiêu hóa, người phụ trách gắp dị vật cho bệnh nhi chia sẻ, dị vật đường tiêu hóa là một trong những cấp cứu thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là trẻ từ 6 tháng tuổi đến 3 tuổi.
"Ở lứa tuổi này trẻ hiếu động, tò mò, nhưng chưa nhận thức đầy đủ về môi trường xung quanh. Các dị vật nguy hiểm như pin, nam châm, vật hút ẩm… có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng cho trẻ nếu không được xử trí kịp thời", bác sĩ Phan Chương nhấn mạnh.

Dị vật là viên nam châm hình ngôi sao được các bác sĩ lấy ra (Ảnh: BV).
Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Kim Phúc Thành, Trưởng đơn vị Nội soi tiêu hóa cho biết, mỗi năm nơi này tiếp nhận 80-100 ca dị vật đường tiêu hóa trên, bao gồm các vật dụng đa dạng như bàn chải đánh răng, vỏ thuốc, tai nghe bluetooth, đồng xu, nhẫn, nắp chai, xương... ở cả người lớn và trẻ em.
Để phòng tránh các trường hợp gặp tai nạn tương tự, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần giám sát chặt chẽ trẻ trong sinh hoạt hàng ngày, cất giữ các vật dụng nhỏ ngoài tầm với của trẻ, tránh cho trẻ vừa chơi vừa ăn. Khi trẻ ăn trái cây, cha mẹ phải lấy hết hạt ra để tránh gây hóc làm tắc nghẽn đường thở.
Ngay khi nghi ngờ trẻ nuốt phải dị vật, cần đưa con em đến cơ sở y tế kiểm tra và can thiệp sớm.