Chấn thương sau sự cố khi ngoáy tai ở nhà
Ngày 17/7, đại diện Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM cho biết, vừa qua các bác sĩ nơi này đã tiếp nhận điều trị một trường hợp bị chấn thương tai nặng.
Bệnh nhân là chị A.H. (44 tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh), nhập viện với lý do chóng mặt dữ dội. Khai thác bệnh sử, cách nhập viện 3 ngày, bệnh nhân đang ngồi ngoáy tai thì bị đứa trẻ trong nhà đi ngang đụng trúng.
Sau sự việc, bệnh nhân bị chảy máu tai, chóng mặt, buồn nôn và nôn ói nhiều. Bệnh nhân đến khám tại trung tâm y tế địa phương, với chẩn đoán theo dõi rối loạn tiền đình, theo dõi thủng nhĩ trái do chấn thương. Vì tình trạng không cải thiện, người phụ nữ tiếp tục đến Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM cầu cứu.

Ảnh CT cho thấy bệnh nhân vỡ xương tai (Ảnh: BV).
Qua thăm khám, dựa vào triệu chứng và thính thực đồ, nội soi, các bác sĩ ghi nhận ống tai bệnh nhân đọng máu cũ, màng nhĩ đọng ít máu đông, sức nghe tai giảm mức độ trung bình nặng.
Hình ảnh chụp CT xác định người phụ nữ vỡ xương thái dương ở hòm nhĩ tai trái.
Bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi viêm mê nhĩ trái, di lệch xương bàn đạp trái vào tiền đình, gián đoạn chuỗi xương đe, bàn đạp trái sau chấn thương tai và được làm các xét nghiệm cần thiết để phẫu thuật.
Ê-kíp bác sĩ đã mở hòm nhĩ thám sát xương bàn đạp trái, chỉnh hình chuỗi xương con bằng trụ dẫn để tái tạo hệ thống truyền âm. Sau phẫu thuật, bệnh nhân tiếp tục được điều trị nội khoa, hiện đã cải thiện tình trạng chóng mặt.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Dương Thanh Hồng, Trưởng khoa Tai – Tai Thần kinh cho biết, chấn thương tai có thể gây ra các triệu chứng như tai, nghe kém, chóng mặt, mất thăng bằng, buồn nôn, chảy máu tai.

Hình ảnh nội soi của một bệnh nhân bị chấn thương khi ngoáy tai (Ảnh: BV).
Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể gặp tổn thương tai trong. Đây là tổn thương nặng nhất, gây mất thính lực không hồi phục, chóng mặt dữ dội, mất thăng bằng. Nếu không xử trí kịp thời, bệnh nhân có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như viêm mê nhĩ, viêm màng não.
Bác sĩ tiết lộ sự thật về ráy tai
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Vinh, Phó Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM chia sẻ, 6 tháng đầu năm, có 11 trường hợp chấn thương tai do ngoáy tai vào nơi này điều trị, với các tổn thương như vỡ xương thái dương, thủng màng nhĩ, gián đoạn chuỗi xương con, tổn thương hệ thống tiền đình...
Các tổn thương này có thể để lại di chứng gồm ù tai, nghe kém, chóng mặt… nếu không được điều trị kịp thời.
Theo bác sĩ Vinh, ráy tai không phải bệnh lý, không gây viêm nhiễm tai mà còn có khả năng ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập vào tai. Còn ống tai không đi thẳng từ ngoài vào trong màng nhĩ mà là hình cong. Với động tác nhai, ngủ nghiêng qua nghiêng lại... đã có thể đẩy ráy tai ra ngoài một cách tự nhiên.
Người dân nếu cứ đưa vật nhọn đi thẳng vào ống tai để lấy ráy tai có thể chạm vào thành da, niêm mạc trong ống tai, gây sang chấn ống tai ngoài. Các sang chấn tạo cơ hội thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, gây viêm ống tai.

Khi có chấn thương tai, người dân cần đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng để được thăm khám, xử trí sớm (Ảnh: BV).
Ngoài ra, những dụng cụ nhọn này nếu xuyên vào màng nhĩ sẽ làm giảm sức nghe; gây chấn thương chuỗi xương con – là hệ thống dẫn truyền âm thanh ảnh hưởng khả năng nghe. Nếu đi vào sâu nữa là ốc tai – cơ quan thính giác thực thụ của con người - có nguy cơ gây điếc vĩnh viễn.
Bên cạnh đó, trong tai còn có động mạch cảnh trong, nếu chạm sẽ gây nguy cơ vỡ mạch máu và nguy hiểm tính mạng. Đặc biệt, sâu trong tai có những dây thần kinh (nhất là thần dây kinh số 7), làm tổn thương sẽ gây liệt mặt. Còn nếu tổn thương cơ quan tiền đình sẽ gây chóng mặt không hồi phục được…
Các bác sĩ cảnh báo người dân hạn chế móc ngoáy tai. Khi ráy tai nhiều có kèm khó chịu ở tai (như mùi hôi, ù tai, nghe kém, ngứa, đau tai...) hoặc khi có chấn thương sau khi ngoáy tai, cần đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng để được thăm khám và xử trí kịp thời.