Chiều 21/11, Phó giáo sư Nguyễn Văn Tân, Trưởng khoa Tim mạch cấp cứu và can thiệp, Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) cho biết nơi đây vừa thực hiện cấp cứu một trường hợp rất đặc biệt.
Bệnh nhân là người đàn ông 51 tuổi, công nhân tại nhà máy công ty thuốc lá ở huyện Bình Chánh, TPHCM. Thời điểm xảy ra sự việc, bệnh nhân đang làm việc thì đột ngột ngưng tim.
Ngay tại nhà máy, ekip y tế cơ quan khởi động khẩn quy trình hồi sinh tim phổi cho người đàn ông, đồng thời gọi điện đến bệnh viện để nhờ hỗ trợ từ xa.
Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Thống Nhất đã hướng dẫn ekip y tế tại hiện trường thực hiện các bước sơ cấp cứu, giúp bệnh nhân được hồi sinh tim phổi thành công.
Trong thời gian chuyển viện khoảng 30 phút bằng xe cấp cứu có sẵn của nhà máy, bệnh nhân liên tục được nhân viên y tế nhồi tim, truyền thuốc vận mạch.
Khi xe đến cửa Bệnh viện Thống Nhất, tình trạng loạn nhịp thất, rung thất của người đàn ông vẫn đang diễn ra. Tại phòng cấp cứu, các bác sĩ tiếp tục sốc điện liên tục để phục hồi tuần hoàn cho bệnh nhân.
Quá trình hồi sức tim phổi nâng cao, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, nên gọi ngay cho lãnh đạo khoa Tim mạch cấp cứu can thiệp báo cáo tình hình. Bệnh nhân được đẩy ngay lên phòng thông tim, trong tình trạng bứt rứt. Kết quả chụp mạch vành cho thấy, người đàn ông tắt gần như hoàn toàn 1 nhánh mạch vành chính và tổn thương 2 nhánh còn lại, dẫn đến tình trạng ngưng tim.
Ekip điều trị đã tiến hành can thiệp, tái thông nhánh mạch vành bị tắc cho bệnh nhân. Khoảng 50 phút sau khi thông mạch vành, huyết áp bệnh nhân phục hồi, được ngưng thuốc vận mạch và chuyển sang phòng hồi sức. Sáng sớm hôm sau, bệnh nhân rút được ống thở. Ngày thứ hai hậu can thiệp, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, ăn uống được. Hiện tại, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.
Theo bác sĩ Tân, đây là một trường hợp rất hy hữu, khi người đàn ông ngừng tim 2 lần ở các địa điểm khác nhau, chỉ trong thời gian ngắn. May mắn, nam bệnh nhân được sơ cứu ban đầu kịp thời, có sự phối hợp tốt giữa tuyến y tế cơ sở và tuyến sau chuyên sâu về cấp cứu, can thiệp tim mạch, nên thoát chết.
Đại diện đội ngũ y tế ở nhà máy nơi bệnh nhân làm việc cho biết, đội của họ có 3 thành viên, gồm 1 bác sĩ, 1 điều dưỡng và 1 y sĩ, ở mỗi ca làm của công nhân đều có ít nhất 2 người trực.
Khi nhận tin báo xảy ra sự cố về sức khỏe, đội ngũ y tế sẽ chủ động cử người xuống hiện trường. Với trường hợp này, bệnh nhân đã ngưng tim, ngưng thở nặng, thời gian chuyển viện cần ít nhất 20 phút.
Ekip ở nhà máy phải thực hiện sơ cứu, ấn tim ngoài lồng ngực không ngừng nghỉ, thiết lập đường truyền tĩnh mạch để chờ tuyến trên tiếp tục hỗ trợ.
Phó giáo sư Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất chia sẻ, hiện nay tình trạng ngưng tim, "đột tử" ngoại viện rất nhiều. Thông thường, bệnh nhân được đến viện ở giai đoạn muộn, sơ cứu ban đầu không đúng cách nên vô phương cứu chữa, hoặc sống được cũng để lại những di chứng nặng nề.
Do đó, việc phối hợp tốt giữa tuyến dưới và tuyến trên có ý nghĩa rất quan trọng, giúp tăng tỷ lệ cứu sống bệnh nhân. Bên cạnh đó, bộ phận y tế cơ quan cũng cần được quan tâm đào tạo, có các chương trình huấn luyện sơ cấp cứu.