Trào lưu mới của CEO Trung Quốc

Khi một CEO bước ra trước công chúng, họ đang đặt danh tiếng cá nhân lên bàn cân với công ty. Đó là cách bảo chứng đáng tin cậy nhất.

Doanh nhân có sức ảnh hưởng không phải là điều mới tại Trung Quốc. Ảnh: VCG.

Trên nóc một nhà máy ở Bắc Kinh, Lei Jun giơ cao một quả dưa hấu được phủ trong lớp “áo giáp chống đạn” rồi thả nó xuống đất. Khi chạm đất, quả dưa vẫn nguyên vẹn, không hề nứt vỡ.

Ngoài để giới thiệu lớp “giáp chống đạn” bảo vệ pin xe điện, màn trình diễn của nhà sáng lập Xiaomi còn là một phần trong chiến lược xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội. Video này nhanh chóng xuất hiện trong bảng tin của 70 triệu người theo dõi ông trên các mạng xã hội Trung Quốc.

Trên thực tế, quốc gia tỷ dân không thiếu những doanh nhân nổi tiếng, nhưng Lei Jun đang đi đầu một xu hướng mới. Thay vì những buổi ra mắt sản phẩm hào nhoáng theo phong cách Thung lũng Silicon, các CEO Trung Quốc giờ đây đang tận dụng các video ngắn và livestream để tương tác trực tiếp với khách hàng.

Chiến lược này giúp họ duy trì lợi thế trong thị trường đầy cạnh tranh và phù hợp với mục tiêu của chính phủ để thúc đẩy khu vực tư nhân trở thành động lực chính cho nền kinh tế đổi mới sáng tạo, Sixth Tone nhận định.

CEO hay KOL?

Những nỗ lực của Lei Jun không chỉ đơn thuần là giải trí. Chúng đang thực sự tác động đến hành vi tiêu dùng.

Một người dân ở Bắc Kinh tên Xiao Yi thừa nhận rằng “50% lý do” cô mua xe điện Xiaomi đến từ lòng tin vào Lei Jun. “Tôi tin vào chất lượng chiếc xe vì có ông ấy”, cô chia sẻ với Sixth Tone.

CEO Trung Quoc lam KOL anh 1

video thả dưa hấu Lei Jun. Ảnh: Bilibili.

Trong cộng đồng “Mi Fans" (người hâm mộ Xiaomi), Lei Jun vừa là một nhà lãnh đạo công nghệ, vừa là một người bạn trên mạng xã hội. Ông thường chia sẻ về bữa ăn, chuyến du lịch hay thú cưng của mình. “Ông ấy đối xử với người dùng như những người ngang hàng, nói chuyện như một người bạn, giúp họ chọn được sản phẩm phù hợp”, Xiao Yi nói thêm.

Chính sự gắn kết này đã thúc đẩy một số người dùng yêu cầu Xiaomi mở rộng sang những lĩnh vực không liên quan. Sau một cuộc điều tra báo chí phanh phui tình trạng băng vệ sinh kém chất lượng tại Trung Quốc, hàng loạt người dùng đã lên trang cá nhân của Lei, kêu gọi Xiaomi sản xuất băng vệ sinh. Hashtag liên quan đến chủ đề này đã thu hút hàng trăm triệu lượt xem trên Weibo.

Từ khi ra mắt Xiaomi vào đầu những năm 2010, Lei Jun được xem như Steve Jobs phiên bản Trung Quốc. Ông thường mặc áo đen, quần jeans và mang giày thể thao. Nhưng khi công ty mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác và bước chân vào thị trường xe điện, phong cách của ông cũng thay đổi. Mới đây, ông xuất hiện với áo khoác da theo phong cách của CEO Nvidia Jensen Huang. Ngay lập tức, mẫu áo này được săn lùng trên các sàn thương mại điện tử Trung Quốc.

Theo Xu Zhihao, chuyên gia truyền thông tại công ty tư vấn The Metrics Factory, sự pha trộn giữa vai trò CEO và người có sức ảnh hưởng trên mạng phản ánh thời đại mà “lưu lượng là vua”. “Trong bối cảnh áp lực tài chính gia tăng, công chúng khao khát một hình ảnh doanh nhân gần gũi và dễ tiếp cận hơn”, ông nói.

Lei Jun không phải là người duy nhất tận dụng sức mạnh của mạng xã hội, theo Sixth Tone. CEO Zhou Hongyi của công ty bảo mật mạng Qihoo 360 hiện có 17 triệu người theo dõi trên Douyin (phiên bản TikTok của Trung Quốc). Ông chia sẻ về công nghệ, tham gia vào các video ngắn do AI tạo ra, đóng vai chính trong một bộ phim ngắn về du hành thời gian.

CEO Trung Quoc lam KOL anh 2

Hình ảnh quảng cáo cho phim ngắn của CEO Zhou Hongyi. Ảnh: The Paper, Bilibili.

CEO Yu Chengdong (Richard Yu) của Huawei đã livestream hành trình lái xe điện của hãng về quê trong dịp Tết Nguyên Đán. Ngay cả những lãnh đạo vốn kín tiếng như CEO Zhou Yunjie của Haier cũng đã bắt đầu mở tài khoản mạng xã hội để tiếp cận khách hàng.

Rủi ro của sự nổi tiếng

Sự hào hứng của các CEO Trung Quốc đối với việc xây dựng hình ảnh cá nhân còn là phản ứng với động thái của chính phủ. Sau giai đoạn siết chặt quản lý đối với các công ty công nghệ, game và giáo dục tư nhân vào 4 năm trước, chính phủ đang tìm cách khôi phục niềm tin vào khối doanh nghiệp tư nhân.

Hồi tháng 2, Chủ tịch Tập Cận Bình đã gặp gỡ các nhân vật chủ chốt trong lĩnh vực công nghệ như Jack Ma (Alibaba) và Ma Huateng (Tencent) tại Bắc Kinh. Ông kêu gọi họ “phát huy tài năng và đóng góp to lớn” cho đất nước.

Doanh nhân có sức ảnh hưởng không mới tại Trung Quốc. Một thập kỷ trước, khi Alibaba niêm yết trên sàn chứng khoán New York, Jack Ma cũng từng tận dụng sự hài hước để xây dựng hình ảnh. Ông từng hóa trang thành cao thủ kungfu hay nhảy theo phong cách Michael Jackson trong các sự kiện của công ty.

Nhưng cuộc gặp giữa Tập Cận Bình và các doanh nhân cho thấy Trung Quốc muốn CEO của mình không chỉ là những doanh nhân thành đạt mà còn là biểu tượng quốc gia, có thể sánh ngang với những CEO nổi tiếng thế giới như Elon Musk.

CEO Mark Tanner tại công ty tư vấn tiếp thị China Skinny nhận xét: “Người Trung Quốc rất tự hào khi thấy các công ty như BYD và Huawei dẫn đầu thế giới. Điều đó cũng lý giải tại sao họ thần tượng các CEO này".

Tuy nhiên, việc các CEO tham gia mạng xã hội cũng đi kèm với rủi ro. Internet có thể là con dao hai lưỡi. Một phát ngôn gây tranh cãi có thể dẫn đến khủng hoảng thương hiệu.

CEO Trung Quoc lam KOL anh 3

Jack Ma nhảy theo phong cách Michael Jackson ở một sự kiện tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, 2017. Ảnh: Xu Kangping/VCG.

Ví dụ điển hình là vụ bê bối tình dục của người sáng lập JD.com Liu Qiangdong khiến cổ phiếu công ty lao dốc vào năm 2018. Hay như trường hợp của Qu Jing, phó chủ tịch Baidu, bị chỉ trích dữ dội vì những phát ngôn “vô cảm” với nhân viên trên mạng xã hội. Gần đây, Dong Mingzhu, chủ tịch Gree Electric, cũng gặp phản ứng tiêu cực khi quyết định đổi tên các cửa hàng bán lẻ của công ty thành “Ngôi nhà sức khỏe của Dong Mingzhu”.

Để tránh đi vào vết xe đổ này, những CEO như Lei Jun chọn cách thể hiện sự gần gũi nhưng không mất đi sự chuyên nghiệp. Chiến lược tiếp cận trực tiếp và chân thành có thể giúp họ tránh được hình ảnh xa cách, đồng thời vẫn khai thác được sức hút cá nhân.

Là người hâm mộ Xiaomi Xiao Yi tin rằng: “Khi một CEO bước ra trước công chúng, họ đang đặt danh tiếng cá nhân lên bàn cân với công ty. Đó là cách bảo chứng đáng tin cậy nhất".

Những câu chuyện ít được biết về tỷ phú công nghệ

Tủ sách Công nghệ đem đến cho độc giả những cuốn sách hay nhất, đúc kết hàng trăm giờ chia sẻ của Steve Jobs, Elon Musk và những người liên quan. Chúng chứa đựng những câu chuyện công nghệ thú vị, ít khi được bật mí.