Triết lý theo đuổi thị trường 'khoa học điên' của NVIDIA

Cuốn sách thuật lại câu chuyện đầy lôi cuốn của Jensen Huang và NVIDIA và cách ông dẫn dắt công ty trở thành một đế chế công nghệ. Tác giả Stephen Witt cung cấp góc nhìn hiếm có về những người tiên phong đang thúc đẩy con người thực hiện bước nhảy vọt hướng tới tương lai với trí tuệ nhân tạo.

nvidia anh 1

CEO Jensen Huang. Ảnh: Reuters.

Trong các bài phát biểu của bản thân, Huang thường nhắc đến chuyến thăm văn phòng của Ting-Wai Chiu, một giáo sư vật lý tại Đại học Quốc gia Đài Loan, như một nguồn cảm hứng lớn trong thời gian khó khăn. Chiu, người đang tìm cách mô phỏng sự tiến hóa của vật chất sau Vụ Nổ Lớn (Big Bang), đã tự xây dựng một siêu máy tính tại phòng thí nghiệm ngay cạnh văn phòng mình.

Khi đến gặp Chiu, Huang bắt gặp phòng thí nghiệm ngổn ngang những hộp GeForce và chiếc máy tính được làm mát bằng những chiếc quạt để bàn. "Jensen là một nhà tiên phong thực thụ", Chiu nói. "Ông ấy đã giúp tôi hiện thực hóa công trình của đời mình".

Chiu, người đã sử dụng card đồ họa chơi game để xây dựng nên chiếc máy của riêng mình, chính là hình mẫu khách hàng lý tưởng. Bằng việc tích hợp CUDA trên các bo mạch bán lẻ, NVIDIA đã mở rộng thị trường đến cả những nhà khoa học với ngân sách eo hẹp - những "nhà khoa học điên" với các dự án nghiên cứu bị xa lánh đến mức họ không đủ tiền mua một máy trạm tiêu chuẩn.

Huang một lần nữa đi theo triết lý của Clayton Christensen. Christensen từng nhận định rằng, những công nghệ đột phá thường bắt nguồn từ các cộng đồng đam mê nghiệp dư. Chúng được phát triển bằng cách tận dụng nguồn lực hạn chế, trong đó những thứ sẵn có được tái sử dụng cho những mục đích khác với ý định ban đầu. Những công nghệ này có thể còn vụng về khi mới xuất phát, nhưng chúng nhanh chóng được cải tiến về các khía cạnh hiệu năng mà những đối thủ lớn trên thị trường thường bỏ qua.

Nhưng ngay cả khi đã thấm nhuần bài học này, việc áp dụng nó vẫn không hề dễ dàng. Theo đuổi các thị trường ngách đồng nghĩa với việc phải hy sinh lợi nhuận, điều đó khiến các nhà đầu tư nghi ngờ về sự tỉnh táo của bạn. Christensen cũng đã dự đoán trước: "Một trong những lý do khiến các nhà quản lý ở những công ty lâu đời gặp khó khăn trong việc phục vụ các thị trường mới nổi là vì nhà đầu tư và khách hàng của họ khuyên họ không nên làm vậy”.

Đây chính là bí mật thực sự của The Innovator's Dilemma, điều mà nhiều độc giả thường bỏ lỡ. Cuốn sách này không nói về cách để thành công, nó nói về cách để tránh thất bại. Nó không phải là một cẩm nang khởi nghiệp, mà là một sổ tay ngăn chặn trì trệ dành cho các nhà quản lý cấp cao tại những công ty đang chững lại.

Sau 13 năm hoạt động, Huang nhận thấy NVIDIA đang đứng trước nguy cơ trở thành một công ty như vậy, và chính sự hoang mang xen lẫn lạc quan đã thúc đẩy ông theo đuổi thị trường "khoa học điên". "Có rủi ro khi tích hợp CUDA vào mọi card đồ họa, nhưng cũng có rủi ro nếu không làm như vậy", Huang chia sẻ trong lần đầu tiên tôi gặp ông. Nhưng mãi sau khi nghiên cứu kỹ về công ty trong nhiều tháng, tôi mới thực sự hiểu điều ông muốn nói.

Có rủi ro rằng một doanh nghiệp nhỏ, đầy khát vọng, đang hoạt động trong một văn phòng tồi tàn cạnh một quán ăn Trung Hoa và một ngân hàng thường xuyên bị cướp, sẽ sẵn sàng phục vụ nhóm khách hàng học thuật ít ỏi trong nhiều năm, dù với lợi nhuận thấp và không có triển vọng tương lai rõ ràng, nhưng đến một ngày nào đó họ sẽ vượt qua được NVIDIA, cũng giống như điều mà NVIDIA từng làm với Silicon Graphics. Đây là rủi ro mà chỉ những người tin theo học thuyết của Christensen mới nhận ra.