
Ảnh chụp ngày 19-6-2024 cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (phải) trao Huân chương Kim Nhật Thành (Kim Il Sung) cho Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Bình Nhưỡng - Ảnh: AFP/KCNA
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã khẳng định ủng hộ "vô điều kiện" mọi hành động của Matxcơva trong cuộc chiến tại Ukraine khi chào đón Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại thành phố Wonsan hôm 12-7.
Ngày 15-7, Hãng tin Bloomberg bình luận nếu không có sự can thiệp của Triều Tiên, cuộc xung đột Nga - Ukraine có thể đã rẽ sang hướng khác.
Đổi lại việc giúp Nga, Triều Tiên có thể đã nhận được viện trợ, và điều này làm tăng thêm mối đe dọa mà Bình Nhưỡng đặt ra cho Mỹ và các đồng minh của Washington ở khu vực Đông Á.
Ông Kim có gì mà ông Putin muốn?
Triều Tiên sở hữu lượng lớn đạn pháo và tên lửa, tương thích với các vũ khí từ thời Liên Xô mà Nga đang sử dụng ở Ukraine.
Ông Kyrylo Budanov, lãnh đạo Tổng cục Tình báo quốc phòng Ukraine, cho rằng Triều Tiên đang sản xuất vũ khí mới liên tục và cung cấp tới 40% đạn dược cho Nga dùng trong cuộc chiến.
Triều Tiên cũng là một trong số ít quốc gia có số lượng lớn xe tăng tương tự như những loại mà Nga đã triển khai ở Ukraine, chẳng hạn như T-54 và T-62, đồng nghĩa họ có thể cung cấp phụ tùng thay thế. Và Triều Tiên cũng đang sản xuất các tên lửa đạn đạo tầm ngắn tương tự như một số loại mà Nga đã dùng ở Ukraine.
Các quan chức Hàn Quốc ước tính đến nay có tới 15.000 binh sĩ Triều Tiên đã được triển khai đến Nga để chiến đấu. Theo một số nguồn tin, hàng trăm người trong số họ có thể đã thiệt mạng.
Hồi tháng 6, ông Sergei Shoigu, thư ký Hội đồng An ninh Nga, cho biết Triều Tiên sẽ cử 5.000 công nhân xây dựng và 1.000 công binh đến hỗ trợ tái thiết vùng biên giới Kursk của Nga.
Triều Tiên nhận được gì?
Trước hết, Triều Tiên có được một đồng minh quân sự hùng mạnh. Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đến thăm Bình Nhưỡng và gặp ông Kim Jong Un vào tháng 6-2024, chuyến thăm đầu tiên sau 24 năm, hai bên đã ký thỏa thuận bảo vệ lẫn nhau nếu bị tấn công.
Một số chuyên gia và báo cáo cho biết Nga đã hỗ trợ Triều Tiên đóng ít nhất hai tàu khu trục và nâng cấp hệ thống tác chiến điện tử, bao gồm thiết bị gây nhiễu.
Nga cũng có thể giúp phục hồi kinh tế Triều Tiên, quốc gia có GDP khoảng 24,5 tỉ USD năm 2022. Bình Nhưỡng đang thiếu lương thực, năng lượng và nguyên liệu - những thứ mà Nga có dư nguồn cung.
Theo ước tính tháng 4 của Viện Phân tích quốc phòng Hàn Quốc (do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ), Triều Tiên có thể nhận khoảng 20 tỉ USD bằng tiền mặt hoặc hàng hóa để đổi lấy hỗ trợ quân sự.
Tiền và nguyên liệu từ Nga sẽ giúp ông Kim củng cố quân đội, ổn định giá cả, và xây dựng thêm nhà máy, nhà ở.
Ngoài ra, việc đưa binh sĩ hỗ trợ Nga ở Ukraine còn là dịp để Triều Tiên thử nghiệm chiến lược và thiết bị quân sự trong bối cảnh căng thẳng với Hàn Quốc.
Ông Charles Flynn, cựu tư lệnh lục quân Mỹ tại Thái Bình Dương, nhận định việc Nga dùng tên lửa Triều Tiên mang lại cho Bình Nhưỡng cơ hội hiếm có để thử nghiệm vũ khí trong thực chiến và nâng cao hiệu quả tác chiến.
Theo Bloomberg, tình bạn giữa ông Kim và ông Putin có thể sẽ khiến Trung Quốc, nước láng giềng Triều Tiên, tức giận. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thể hiện lập trường trung lập về cuộc chiến ở Ukraine, và mối quan hệ giữa hai ông Kim - Putin có khả năng làm suy yếu lập trường này.
