“Tôi nghĩ nó hài hước, thế thôi”, Ace, một nhà đầu tư vào tiền điện tử dựa trên meme - các hình ảnh phổ biến được lan truyền trên mạng xã hội, cho biết. Điểm hấp dẫn của tiền điện tử meme, hay meme coin, là nó hoàn toàn vô nghĩa, chỉ là một trò đùa, nhà đầu tư đến từ Canada giải thích.
Ace, yêu cầu giữ bí mật tên đầy đủ vì liên quan đến vấn đề tài chính cá nhân, đã mua và bán meme coin trong nhiều năm. Đồng tiền đầu tiên Ace mua là Dogecoin, cũng là meme coin đầu tiên trên thị trường, ra mắt vào năm 2013 và trở nên nổi tiếng sau khi được Elon Musk gọi là "tiền điện tử yêu thích".
Dogecoin không phục vụ mục đích gì và không hứa hẹn sự đổi mới nào như các loại tiền mã hóa. "Mọi người đều biết đó là một trò đùa”, Ace nói, nhưng meme coin này vẫn có gần 5 triệu người mua.
Dogecoin là meme coin đầu tiên, ra mắt năm 2013. Ảnh: Reuters. |
Hàng loạt meme coin ra đời sau Dogecoin, và kịch bản trở nên quen thuộc. Một loại tiền điện tử lấy một hình ảnh hài hước, được chú ý trên mạng xã hội, làm giao diện và trở thành phương tiện đầu cơ tài chính. Những người mua sớm và bán kịp lúc, khi giá đồng tiền ở đỉnh, trở nên giàu có. Những người khác thì chịu thiệt hại.
Kịch bản meme coin
Trong vài tuần qua, một loại tiền điện tử meme mới, PEPE, bắt đầu giao dịch vào ngày 15/4, cũng vừa trải qua kịch bản này. Đồng tiền này lấy hình ảnh Pepe the Frog, vốn là một nhân vật hoạt hình, về sau trở thành hình ảnh để người dùng mạng xã hội thể hiện cảm xúc. 3 tuần sau, PEPE tăng giá hàng nghìn phần trăm, đạt mức vốn hóa thị trường 1,63 tỷ USD.
Các nhà đầu tư như Ace, cũng như các sàn giao dịch, vội vã đón đầu làn sóng đầu cơ. Binance, Gemini, OKX và Huobi đều niêm yết PEPE. Nhưng những nhà đầu tư nào đã mua PEPE ở thời điểm giá cao nhất, trong tuần đầu tiên của tháng 5, đến nay đã mất hơn một nửa số tiền bỏ ra vì PEPE mất giá.
Meme coin đã bị một bộ phận của ngành công nghiệp tiền điện tử lên án là “sòng bạc”. Trong số hàng trăm meme coin từng xuất hiện trên thị trường, hầu hết không còn được giao dịch hoặc được giao dịch với khối lượng không đáng kể. Mặc dù bản thân đồng tiền là vô nghĩa, một số người cho biết họ đã kiếm được nhiều tiền nhờ tìm ra "công thức" lợi dụng meme coin.
Pepe the Frog là meme từng bị những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng coi là biểu tượng trước thềm cuộc bầu cử năm 2016 ở Mỹ. Ảnh: The Guardian. |
Lập trình viên yêu cầu chỉ nêu tên là B, người phát triển meme coin Floki Inu ăn theo Dogecoin, nói với Wired rằng có 2 yếu tố quyết định thành công. "Câu chuyện và cộng đồng", B nói. Trong đó, câu chuyện là "chất xúc tác" và cộng đồng "tạo ra hiệu ứng FOMO", nhà phát triển giải thích.
Trong trường hợp của đồng Floki Inu, Musk, người có sức ảnh hưởng trong ngành tiền điện tử, đã mua một con Shiba Inu và đặt tên cho nó là Floki. Shiba Inu là giống chó mà meme Doge tái hiện. "Một đội quân gồm những người tin tưởng đã tập hợp lại, mong đợi Floki Inu sẽ trở thành điều lớn lao tiếp theo sau Dogecoin", B nói.
B lưu ý rằng mình hiểu sự vô nghĩa của meme coin, nhưng cái mà các nhà phát triển nhắm đến là tính bốc đồng của các cộng đồng trực tuyến. “Phải dùng những meme cực đoan nhất, thu hút những người cực đoan nhất, gần giống như một dạng giáo phái", B cho biết.
Floki Inu được quảng cáo để thu hút những nhà đầu tư nghiệp dư. Ảnh: FLOKI/ Twitter. |
Trong trường hợp PEPE, ngoài việc thể hiện cảm xúc như các meme thông thường, Pepe the frog còn là hình ảnh từng bị phe cực hữu "chiếm dụng" để thể hiện các nội dung mang tính phân biệt chủng tộc, bài Do Thái.
Một tháng trước khi Floki Inu bắt đầu giao dịch, đầu năm 2021, một meme coin khác đã gây chú ý với cái tên khiêu khích - CumRocket. “Tranh cãi giúp đồng tiền đắt khách”, Lydia Lane, kỹ sư phần mềm đến từ Vương quốc Anh, người phát triển đồng tiền này cho biết.
“Với CumRocket, mọi người có thể thích hoặc ghét nó, thấy buồn cười hoặc thấy kinh tởm", Lane giải thích. Thương hiệu gây tranh cãi đã thu hút sự chú ý của Musk. Sau khi tỷ phú nhắc đến CumRocket trong một bài đăng Twitter, giá đồng tiền tăng 400% trong vòng 10 phút.
Người thua trong trò chơi meme coin
Trong khi các nhà phát triển gặt hái, thì sự thực meme coin là một trò chơi có tổng bằng không. Với mỗi người chiến thắng, phải có một kẻ thua cuộc. Lời lãi của một số người đến từ thiệt hại của những người khác.
Ace cho biết trò chơi này không công bằng với nhà đầu tư bình thường ngay từ đầu, bởi vì vào thời điểm những người bình thường biết đến một loạt meme coin thì đã qua đỉnh về giá. "Tiền điện tử là mạng ngầm, và những người có thông tin đã dẫn từ đầu", Ace nói.
Khi nhà đầu tư thông thường chỉ đóng vai trò thanh khoản cho nhà phát triển hoặc những người có thông tin ngầm về các loại meme coin. Ảnh: Binance. |
Darrien Justice, quản lý cộng đồng của Garlicoin, một meme coin, nói rằng sẽ không bao giờ khuyên bất kỳ ai mua loại tiền điện tử này để đầu tư. “Các nhà đầu tư thông thường chính là thanh khoản cho những người mua sớm, nhưng họ không hiểu điều này", Justice cho biết.
Một nhà đầu tư thông thường, cho dù sử dụng tất cả các công cụ có thể, cũng chỉ thu được một lượng thông tin giới hạn về một meme coin, theo Dyma Budorin, người sáng lập công ty kiểm toán tiền điện tử Hacken.
Chẳng hạn, sẽ không có thông tin đáng tin cậy về việc phân phối coin ở thời điểm khởi chạy, có nghĩa là các nhà phát triển có thể lặng lẽ giữ lại một lô lớn, sau đó bán toàn bộ khi giá tăng. “Mã của một meme coin có thể tuyệt vời, không có bất kỳ lỗ hổng tiềm ẩn nào, nhưng vì không có kiểm toán, toàn bộ hệ thống có thể bị gian lận", Budorin lưu ý.
Ace, người đã từng bị “chơi” bởi một dự án meme coin, có quan điểm tương tự. “Nếu là một người bình thường, thật ngớ ngẩn khi đặt tiền vào meme coin", nhà đầu tư nói.
Nhóm người săn lùng loại mã độc nguy hiểm nhất thế giới công nghệ
Trong quyển sách mới, Renee Dudley và Daniel Golden đưa độc giả đến gần hơn với cuộc chiến thầm lặng của những chuyên gia công nghệ toàn cầu, chống lại kẻ đứng sau ransomware.