Khi thời tiết miền Bắc bắt đầu chuyển lạnh, lẩu trở thành món ăn yêu thích của nhiều người, đặc biệt trong những dịp họp mặt hoặc những bữa ăn quây quần bên nhau.
Tuy nhiên, bên cạnh sự hấp dẫn đó, một số nguyên liệu phổ biến trong lẩu, đặc biệt là các loại rau thủy sinh như: rau muống, rau ngổ, rau cần, bông súng... nếu không được chế biến đúng cách, có thể tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh.
Theo BS Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), nhiều người có thói quen nhúng tái các thực phẩm trong lẩu, vì thích giòn, ngọt.
Tuy nhiên, với các loại rau thủy sinh, cần bỏ cách ăn này, vì đây là nhóm thực phẩm có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng cao.
Rau thủy sinh có thể là ổ sán
BS Thiệu cho biết, các loại rau thủy sinh như: rau cần, rau muống, rau ngổ thường mọc trong môi trường nước, nơi dễ bị ô nhiễm bởi bùn đất, phân động vật, hoặc các chất thải sinh hoạt. Điều này khiến chúng trở thành nơi lý tưởng để ký sinh trùng và vi khuẩn bám vào.
"Trong môi trường tự nhiên, ấu trùng đuôi và nang trùng sán lá gan lớn có thể bám vào rau thủy sinh. Do đó, các loại rau thủy sinh thường bị nhiễm ấu trùng sán lá gan lớn và nhiều loại giun sán khác.
Khi ăn sống, tái rau có nhiễm ấu trùng sán, nguy cơ mắc bệnh rất cao", BS Thiệu phân tích.
Loạt bệnh nguy hiểm từ sán lá gan
Nếu ăn rau chưa nấu chín nhiễm sán, thông qua đường tiêu hóa, ấu trùng sán lá gan lớn vào dạ dày, xuống tá tràng, tự tách vỏ và xuyên qua thành tá tràng vào khoang phúc mạc đến gan, đục thủng bao gan và xâm nhập vào nhu mô gan gây tổn thương gan.
Đây cũng chính là giai đoạn kích thích cơ thể phản ứng miễn dịch mạnh nhất.
"Sán lá gan lớn ký sinh chủ yếu ở mô gan, nhưng trong giai đoạn xâm nhập, sán có thể di chuyển lạc chỗ và gây tổn thương ở các cơ quan khác như thành ruột, thành dạ dày, thành bụng", BS Thiệu phân tích.
Sau giai đoạn xâm nhập vào nhu mô gan 2-3 tháng, sán xâm nhập vào đường mật, trưởng thành và đẻ trứng. Tại đây sán trưởng thành có thể ký sinh và gây bệnh trong nhiều năm (có thể tới 10 năm) nếu không được phát hiện và điều trị.
Tại đường mật, sán có thể gây tổn thương biểu mô đường mật, tắc mật, viêm và xơ hóa đường mật thứ phát, và thậm chí có thể gây ung thư biểu mô đường mật.
BS Lê Văn Thiệu nhấn mạnh: "Khi thời tiết lạnh, món lẩu trở thành lựa chọn phổ biến của nhiều gia đình. Tuy nhiên, việc sử dụng các loại rau thủy sinh như rau muống, rau cần, rau ngổ mà không được chế biến đúng cách có thể dẫn đến nhiều bệnh lý nghiêm trọng.
Người dân cần thay đổi thói quen ăn uống, đảm bảo rau được nấu chín kỹ trước khi sử dụng để bảo vệ sức khỏe".
Để phòng ngừa các bệnh do giun sán, ký sinh trùng, việc tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh và an toàn thực phẩm là rất quan trọng.
BS Thiệu khuyến cáo người dân cần tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc sau:
- Ăn chín, uống sôi: Chỉ nên ăn rau cần và các loại rau thủy sinh sau khi đã được nấu chín kỹ.
- Vệ sinh sạch sẽ môi trường sống xung quanh: Đảm bảo vệ sinh cá nhân và nơi ở, tránh để môi trường ẩm ướt và bẩn thỉu.
- Tẩy giun sán định kỳ cho chó mèo: Chó mèo là nguồn lây nhiễm giun sán phổ biến, cần tẩy giun định kỳ cho chúng.
- Uống thuốc giun định kỳ: Người dân nên uống thuốc giun định kỳ mỗi năm 3 lần, mỗi lần cách nhau 4 tháng (liều lượng tùy vào độ tuổi theo chỉ định của bác sĩ).