
Phó tổng lãnh sự Úc Brent Stewart (thứ hai từ phải sang) thăm dự án nghiên cứu giống cá mú tại Nha Trang - Ảnh: TRẦN PHƯƠNG
Những dự án nổi bật bao gồm dự án lai tạo giống khoai mì kháng bệnh, giải quyết các rào cản kỹ thuật trong chuỗi cung ứng cá mú, hỗ trợ nuôi trồng hải sâm, chuỗi giá trị bền vững cho cà phê và hồ tiêu.
Đáng chú ý, hợp tác giữa ACIAR và Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình viện trợ truyền thống sang mối quan hệ đối tác bình đẳng và đồng đầu tư.
Đổi mới, sáng tạo
ACIAR cho biết các mục tiêu chính của chiến lược hợp tác với Việt Nam giai đoạn 2017 - 2027 là nâng cao năng lực nghiên cứu nông nghiệp của Việt Nam; cải thiện kỹ năng, sinh kế và thu nhập của những người nông dân sản xuất nhỏ để tăng trưởng bền vững; sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững và hiệu quả hơn trong sản xuất.
Có thể thấy rõ những đổi mới sáng tạo đang lớn dần trong các dự án mà ACIAR hợp tác tại nhiều khu vực ở Việt Nam.
Tại Lâm Đồng, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc và Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (CIAT), đối tác của dự án Các hệ thống sản xuất kháng bệnh bền vững ở khu vực Mekong, đang trong giai đoạn 2 của chương trình lai tạo giống khoai mì mới có thể kháng bệnh nhưng vẫn đạt năng suất cao.
Khoai mì là một trong những giống cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nhưng cũng gặp nhiều vấn đề về sâu bệnh.
Bà Cù Thị Lệ Thủy, quản lý chương trình lai tạo giống khoai mì thuộc CIAT, cho biết dự án không chỉ giúp lai tạo giống khoai mì mới mà còn giúp đảm bảo sự bền vững về đất đai và sinh kế của người dân.
Dự án đã chọn lọc được chín dòng khoai mì lai ưu tú và chia sẻ nguồn gene quý giá này với các nước láng giềng Lào, Campuchia.
Trong khi đó, dự án giúp giải quyết các rào cản kỹ thuật trong chuỗi cung ứng cá mú triển khai ở Cam Ranh đang giúp thúc đẩy việc sử dụng thức ăn công nghiệp trong nuôi cá mú lai cũng như hỗ trợ nguồn cung cấp cá giống chất lượng cao để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo ông Trương Quốc Thái, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nuôi biển Nha Trang (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3), việc chuyển đổi trong nuôi cá bằng cá ăn tạp sang thức ăn công nghiệp sẽ có nhiều ưu điểm và mở ra tiềm năng bứt phá cho ngành này.
"Hiện nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu sử dụng thức ăn công nghiệp, nhưng chúng tôi phải tiếp tục nghiên cứu nâng cao hiệu quả hơn nữa", ông Thái nói.
Cũng trong lĩnh vực này, dự án hợp tác nghiên cứu thủy sản, với sự tham gia của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 và Trường đại học Nha Trang, đang xây dựng thành công quy trình nuôi ghép hải sâm cát không chỉ giúp nông dân có thêm sản phẩm thứ hai và nâng cao lợi nhuận mà còn giúp cải thiện chất lượng nước.
Tại khu vực Tây Nguyên, các dự án do Úc thực hiện mang ý nghĩa lớn cho các nông dân, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang gây ảnh hưởng nặng nề và suy thoái môi trường.
Điểm nhấn là cải thiện tính bền vững của hệ thống canh tác và chuỗi giá trị cà phê và hồ tiêu. Trong đó, việc nước tưới cho cây cà phê sử dụng công nghệ đo Sap-flow có thể xác định chính xác lượng nước tưới cho cây trồng nhằm tiết kiệm đến 30% nước. Điều này không chỉ có lợi về kinh tế mà còn giúp bảo vệ nguồn nước ngầm ngày càng cạn kiệt.
"Trong năm 2024 rất nhiều hộ trồng bị thiếu nước, vì vậy nhận thức về việc tưới đủ nước cũng ngày càng tăng lên" - cô Châu Thị Minh Long, nghiên cứu viên Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), một đối tác của dự án, chia sẻ.
Úc đồng hành cùng Việt Nam
Ông Brent Stewart, phó tổng lãnh sự Úc tại TP.HCM, nhấn mạnh hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực nông nghiệp, thông qua các chương trình như của ACIAR, cho thấy rõ cam kết lâu dài của Úc trong việc đồng hành cùng Việt Nam giải quyết các thách thức cấp bách như biến đổi khí hậu, suy thoái đất và an toàn thực phẩm.
Chiến lược của ACIAR là giúp các đối tác tại Việt Nam phát triển năng lực để giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu và nông dân sản xuất nhỏ và các nhóm dễ bị tổn thương khác.
"ACIAR tập trung vào Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và tây bắc Việt Nam, là những khu vực có nhiều nhóm dễ bị tổn thương và người nghèo, để hỗ trợ họ và giúp cải thiện năng lực nghiên cứu. Sau cùng, chính Việt Nam có thể giải quyết được các vấn đề này", ông Stewart nói.
Chẳng hạn trong vấn đề tưới tiêu, ông Brent cho biết Úc là quốc gia khô hạn nhưng nông nghiệp của Úc vẫn phát triển nhờ hệ thống thủy lợi.
Những kinh nghiệm trong 200 năm qua của Úc là điều đáng học hỏi. Các đối tác Việt Nam cũng đánh giá cao hiệu quả và sự hỗ trợ của Úc trong các dự án.
"Các dự án của Úc giúp nâng cao năng lực của các cán bộ nghiên cứu và có hiệu quả trực tiếp cho người nông dân. Tôi hy vọng giai đoạn tiếp theo của dự án sẽ nghiên cứu sâu hơn nhằm hỗ trợ phát triển canh tác cà phê và hồ tiêu bền vững ở Tây Nguyên", cô Minh Long đánh giá.
"Trong lĩnh vực nông nghiệp, sự đổi mới công nghệ mang lại những cơ hội. Khoa học công nghệ càng phát triển thì càng mở ra nhiều cơ hội" - ông Lê Đức Niêm, phó hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên, nhận định.
Cô Tống Thị Lan Chi, giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo tỉnh Đắk Lắk, cũng cho rằng các tiếp cận đổi mới sáng tạo của Úc cũng là điều đáng học hỏi.
"Đối với Úc, bất cứ giải pháp nào giúp giải quyết vấn đề cũng được coi là đổi mới sáng tạo. Kết hợp với sự hợp tác, điều đó sẽ tạo ra sự thay đổi dù nhỏ", cô nói.
Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Úc (ACIAR) là một cơ quan của Chính phủ Úc hỗ trợ các quốc gia đối tác phát triển các hệ thống nông nghiệp năng suất cao, bền vững và có khả năng thích ứng.
ACIAR đã hoạt động tại Việt Nam từ năm 1993 với 261 dự án đã hoàn thành hoặc đang triển khai với tổng kinh phí hỗ trợ là 184 triệu đô la Úc.
