Trừ hết điểm bằng lái của tài xế say xỉn: Cần thiết!

Nhiều tai nạn thương tâm xảy ra có nguyên nhân từ tài xế say xỉn. Vì thế, biện pháp mạnh đối với hành vi điều khiển xe khi đã uống rượu bia quá đà là cần thiết.

Nói về chuyện tự lái xe về nhà sau khi nhậu, anh Nguyễn Giang Nam (kỹ sư, sống tại quận Bình Thạnh) chưa thôi cảm giác "hú vía".

May mắn… bị xử lý

Anh Nam kể vừa qua dự buổi liên hoan với đồng nghiệp có uống hơn chục lon bia kèm rượu. Tối muộn về bằng xe máy, tới khu vực chợ Bà Chiểu thì anh ngã do quá xỉn. Một CSGT ở chốt ngay đấy tiến đến, ra dấu hiệu anh vào làm việc, lập biên bản và tiến hành tạm giữ xe máy.

"Khi ấy có hơi men, tôi vịn vai một cảnh sát để thanh minh, xin bỏ qua thì bị dứt khoát đẩy ra, cảnh báo có thể bị xử lý thêm hành vi nặng hơn nữa. Tôi chột dạ, phải gọi điện để em trai ra đón" - Nam kỹ sư nhớ lại và cho biết đấy là tình huống may mắn, vì nếu không bị giữ lại, quãng đường từ nơi tự ngã tới nhà ở Thanh Đa, không biết chuyện gì sẽ xảy ra với bản thân hoặc những nạn nhân của việc anh không làm chủ được tay lái.

Theo tìm hiểu, nhiều tài xế chung cảnh đối diện nhiều nguy cơ như ở trên. Theo Phòng CSGT TP HCM, chỉ trong 8 tháng đầu năm 2024, lực lượng đã lập biên bản xử lý 388.497 trường hợp vi phạm giao thông; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 980 tỉ đồng, tạm giữ 143.283 phương tiện; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) có thời hạn trên 82.000 trường hợp.

Đáng nói, vi phạm liên quan đến nồng độ cồn vẫn chiếm ở mức cao, với 113.667 trường hợp bị xử lý, trong đó có 112.624 trường hợp vi phạm là người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, còn lại là ô tô các loại... Điều này cho thấy việc mất an toàn khi uống rượu bia rồi lái xe luôn hiển hiện và công tác xử lý chưa khi nào giảm mức độ.

Trừ hết điểm bằng lái của tài xế say xỉn: Cần thiết!- Ảnh 1.

CSGT ở TP HCM kiểm tra nồng độ cồn đối với tài xế xe tải

Nghiêm khắc với vi phạm

Mới đây, Bộ Công an có dự thảo lần 4 Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm GPLX. Nếu được Chính phủ ban hành, nội dung trên sẽ có hiệu lực từ 1-1-2025.

Dự thảo lần này, Bộ Công an đề xuất áp dụng chế tài phạt tiền như hiện hành. Với GPLX, sẽ trừ 12 điểm đối với tài xế điều khiển ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở.

Mức trừ 12 điểm cũng được áp dụng nếu tài xế không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ; điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy hoặc chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng. Trừ toàn bộ điểm GPLX cũng được áp dụng nếu tài xế ô tô tái phạm hoặc vi phạm nồng độ cồn nhiều lần ở mức thấp hơn.

Với xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự, dự thảo cũng đề xuất trừ 12 điểm GPLX như với tài xế ô tô…

Đồng tình

PGS-TS Trương Văn Vỹ, chuyên gia Xã hội học tội phạm, giảng viên Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP HCM, đồng tình việc trừ toàn bộ điểm bằng lái với tài xế vi phạm nồng độ cồn. Ông cho rằng quy định này là để mọi người đều ý thức rằng an toàn giao thông là trên hết. Bất kỳ biện pháp nào đặt ra để ngăn chặn mà giảm bớt tai nạn giao thông, không tác động xấu đến nhiều người thì cần được ủng hộ. 

"Đặc biệt là trong việc uống rượu bia thì càng làm nghiêm khắc thì mới mong giảm được tai nạn giao thông. Mức tiền xử phạt tăng lên, trừ sạch điểm bằng lái khiến các tài xế hết chủ quan, từ đó sẽ kéo giảm tai nạn giao thông" - PGS-TS Trương Văn Vỹ nói.

Phòng CSGT TP HCM khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm bảo đảm an toàn cho mọi người dân tham gia giao thông.

Chung ý kiến, luật sư Trần Thị Thanh Thảo, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thảo Trần, nhận xét dự thảo Nghị định lần 4 của Bộ Công an với những quy định chặt chẽ, khoa học nhằm răn đe mạnh để cho xã hội an toàn.

"Thời gian qua, cả nước xảy ra nhiều tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan nồng độ cồn. Vì thế, nếu tài xế vi phạm nồng độ cồn, việc trừ hết điểm bằng lái xe là cần thiết" - luật sư Trần Thị Thanh Thảo nêu quan điểm và hy vọng dự thảo được ban hành, cơ quan chức năng áp dụng nghiêm sẽ là tiếng chuông cảnh báo hữu hiệu giúp người lái xe chấp hành pháp luật tốt.

Một cán bộ cảnh sát thuộc Phòng CSGT TP HCM cho hay ngay từ dự thảo trước đã đưa các quy định nghiêm xử phạt các hành vi vi phạm nồng độ cồn. Các địa phương TP HCM cũng đã có thống nhất, đồng tình với quy định và gửi văn bản tới Cục CSGT. 

Quy định cần biết

Theo Điều 58 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, điểm của GPLX bao gồm 12 điểm. Số điểm trừ mỗi lần vi phạm tùy thuộc tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. GPLX chưa bị trừ hết điểm trong thời hạn 12 tháng từ ngày bị trừ điểm gần nhất thì được phục hồi đủ 12 điểm.

Trường hợp GPLX bị trừ hết điểm thì người có GPLX không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo giấy phép lái xe đó. Sau thời hạn ít nhất 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, họ được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, khi đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.

Trong dự thảo Nghị định, Bộ Công an nêu rõ nếu trừ điểm với bằng lái tích hợp "có thời hạn và không thời hạn" thì người có thẩm quyền trừ điểm ghi rõ các hạng giấy phép lái xe có thời hạn hoặc không có thời hạn.