Trong bối cảnh ngành công nghiệp ôtô đang đẩy mạnh phát triển công nghệ hỗ trợ lái tiên tiến, Trung Quốc đã có động thái quyết liệt nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn cách mà các hãng xe triển khai và quảng bá công nghệ này. Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (MIIT) vừa công bố một loạt quy định mới, tác động sâu rộng đến cả quảng cáo, tính năng trên xe và phương thức cập nhật phần mềm.
![]() |
Các hãng xe tại Trung Quốc sẽ phải "rạch ròi" hơn trong việc quảng bá các tính năng hỗ trợ lái tiên tiến (ADAS). |
Theo quy định mới, các hãng xe không còn được phép sử dụng những thuật ngữ phổ biến nhưng dễ gây hiểu nhầm như "hệ thống lái thông minh" hay "tự lái" - những cụm từ thường xuất hiện trong các chiến dịch quảng cáo để mô tả hệ thống hỗ trợ lái nâng cao (ADAS). Thay vào đó, các thương hiệu phải nêu rõ công nghệ của họ đang ở cấp độ nào trong 6 cấp độ tự lái do Hiệp hội Kỹ sư Ôtô (SAE) đặt ra, từ Cấp độ 0 (không có hỗ trợ nào) đến Cấp độ 5 (tự lái hoàn toàn).
![]() |
Mercedes-Benz là hãng xe hiếm hoi được công nhận sở hữu khả năng tự lái Cấp độ 3 tại một số thị trường. |
Hiện tại, gần như tất cả các hệ thống hỗ trợ lái đang phổ biến trên thị trường – bao gồm cả Tesla Full Self-Driving – đều chỉ đạt Cấp độ 2. Hệ thống Drive Pilot của Mercedes-Benz, đã được phê duyệt ở một số thị trường cho Cấp độ 3.
Một trong những thay đổi lớn khác là việc cấm thử nghiệm công khai các tính năng hỗ trợ lái mới thông qua các bản cập nhật phần mềm dạng beta. Đây là phương pháp mà nhiều hãng xe, đặc biệt là Tesla, thường áp dụng để triển khai nhanh công nghệ mới mà không cần kiểm tra kỹ lưỡng. MIIT cũng yêu cầu các hãng xe giảm tần suất cập nhật phần mềm qua mạng (OTA).
![]() |
Tính năng Smart Summon của Tesla cho phép người dùng "triệu hồi" xe từ bãi đỗ đến vị trí của mình mà không cần trực tiếp đến gần xe. |
Các tính năng cho phép xe tự di chuyển mà không có người ngồi sau tay lái, đơn cử như tính năng "Smart Summon" của Tesla, cũng bị cấm hoàn toàn. Hệ thống giám sát người lái trên xe sẽ không được phép tắt, và nếu xe không phát hiện tay người lái trên vô lăng trong 60 giây, xe phải tự động giảm tốc, tấp vào lề hoặc bật đèn cảnh báo nguy hiểm.
Các quy định mới được ban hành chỉ vài tuần sau một vụ tai nạn nghiêm trọng khiến ba người tử vong, liên quan đến chiếc xe điện Xiaomi SU7. Theo báo cáo, vụ việc xảy ra chỉ vài giây sau khi người lái giành lại quyền điều khiển từ hệ thống tự lái của xe.
![]() |
Việc "định danh" các chức năng hỗ trợ lái được đưa ra sau tai nạn với mẫu Xiaomi SU7 khiến 3 người chết tại tỉnh An Huy, Trung Quốc. |
MIIT đưa ra những quy định này trong bối cảnh ngành công nghiệp ôtô Trung Quốc đang tích cực nâng cấp khả năng của các hệ thống ADAS và đẩy mạnh quảng bá như một điểm bán hàng chủ lực. Tuy nhiên, các nhà chức trách cho rằng cần có sự minh bạch và an toàn rõ ràng hơn để tránh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và hạn chế rủi ro tai nạn.
![]() |
Mức độ tự lái của ôtô sẽ được phân biệt qua thang đo 6 cấp độ của SAE thay vì những lời quảng cáo dễ gây hiểu lầm. |
Động thái của Trung Quốc đặt ra một câu hỏi lớn cho phần còn lại của thế giới: Liệu các quốc gia phương Tây có nên áp dụng cách tiếp cận tương tự? Việc tiêu chuẩn hóa ngôn ngữ quảng cáo, cấm thử nghiệm các phần mềm beta công khai và kiểm soát chặt chức năng nâng cấp phần mềm qua giao thức không dây có thể làm chậm tiến trình phát triển xe tự lái, nhưng cũng có thể giúp tăng độ an toàn và minh bạch cho người dùng.
Sách hay đọc trên xe
Chuyên mục Xe gửi tới độc giả những tựa sách hay với nhiều chủ đề hấp dẫn. Trên những chặng hành trình với những chiếc xe, không hiếm khi chúng ta có những khoảnh khắc nghỉ ngơi, thư giãn, và những trang sách là người bạn đồng hành lý thú.