“Trung Quốc đang sống vào năm 2050”, thanh toán bằng lòng bàn tay

Cụm từ “Trung Quốc đang sống vào năm 2050” gần đây trở thành xu hướng, gắn với video về phương thức thanh toán đặc biệt của tương lai.

Nhật báo The Economic Times (Ấn Độ) nhận định Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu về những tiến bộ công nghệ, đặc biệt là trong hệ thống thanh toán và cơ sở hạ tầng.

Đoạn video đăng tải trên Instagram gần đây của nhà sáng tạo nội dung người Pakistan Rana Hamza Saif đã chia sẻ trải nghiệm về một phương thức thanh toán gây bất ngờ. Trong video, Saif và bạn bè của anh này đến cửa hàng tạp hóa tại TP Chu Châu (tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc). Người bạn của Saif mua hàng bằng hệ thống thanh toán bằng lòng bàn tay, khiến những người khác vô cùng kinh ngạc.

Saif giải thích: "Nếu ai đó đã đăng ký lòng bàn tay, họ có thể thanh toán ở bất kỳ đâu tại Trung Quốc chỉ bằng một cái vẫy tay". Sau giao dịch, bạn bè của Saif vừa hoài nghi vừa ngưỡng mộ trước bước nhảy vọt công nghệ này.

Video của Saif thu hút gần 10 triệu lượt xem trên Instagram và đang tạo nên làn sóng bình luận sôi nổi của cư dân mạng. "Đây là tương lai. Tôi không thể tin rằng chúng ta đang chứng kiến điều đó ngày hôm nay!" - một người bình luận.

Nhiều người bày tỏ hy vọng những đổi mới như vậy sẽ lan rộng trên toàn cầu.

“Trung Quốc đang sống vào năm 2050”, thanh toán bằng lòng bàn tay- Ảnh 1.

Ảnh chụp từ video của nhà sáng tạo nội dung người Pakistan Rana Hamza Saif

Nhà sáng tạo nội dung người Pakistan Rana Hamza Saif chia sẻ trải nghiệm về phương thức thanh toán bằng lòng bàn tay ở Trung Quốc. Ảnh: Instagram/ranahamzasaif

Nhà sáng tạo nội dung người Pakistan Rana Hamza Saif chia sẻ trải nghiệm về phương thức thanh toán bằng lòng bàn tay ở Trung Quốc. Ảnh: Instagram/ranahamzasaif

Không chỉ riêng nhà sáng tạo nội dung Saif, doanh nhân Harsh Goenka, Chủ tịch công ty RPG Enterprises (trụ sở tại Mumbai - Ấn Độ), cũng chia sẻ một đoạn clip tương tự trên X, cho thấy công nghệ này đang thay đổi cuộc sống hằng ngày ở Trung Quốc như thế nào.

Trong video của ông Goenka, một người phụ nữ mô tả cách sử dụng phương thức thanh toán bằng lòng bàn tay trên tàu điện ngầm Bắc Kinh. "Sống ở Trung Quốc, tôi đã quen với việc thanh toán không dùng tiền mặt bằng mã QR và thậm chí là công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Giờ đây, tôi thậm chí có thể thanh toán bằng tay không" - cô này nói.

Ông Goenka nhận xét: "Công nghệ đang dần giúp cuộc sống của chúng ta đơn giản hơn".

Công nghệ thanh toán bằng lòng bàn tay của Tencent tại trạm tàu điện ngầm Bắc Kinh. Ảnh: SCMP

Công nghệ thanh toán bằng lòng bàn tay của Tencent tại trạm tàu điện ngầm Bắc Kinh. Ảnh: SCMP

Tencent, công ty đứng sau nền tảng WeChat cực kỳ phổ biến của Trung Quốc, nổi lên như một công ty đi đầu trong việc áp dụng thanh toán bằng lòng bàn tay. Theo Tencent, giải pháp này được phát triển dựa trên khả năng nhận dạng dấu vân tay và tĩnh mạch của bàn tay.

Công nghệ được triển khai nhằm cải thiện hiệu quả cũng như trải nghiệm người dùng, nhất là người lớn tuổi. Thời gian tới, công nghệ mới sẽ được cung cấp tại nhiều môi trường khác nhau từ văn phòng, trường học, nhà hàng cho đến các cửa hàng bán lẻ.

Tính năng thanh toán bằng nhân diện khuôn mặt cũng đã được ứng dụng trong nhiều năm. Tuy vậy, việc dùng lòng bàn tay được đánh giá tiện dụng hơn, nhất là khi người dùng đeo khẩu trang hoặc điện thoại hết pin.

Tuy nhiên, phương thức thanh toán bằng lòng bàn tay của Tencent cũng gây tranh cãi về khả năng bảo mật, khi việc đánh cắp dữ liệu sinh trắc học ngày càng diễn ra phổ biến tại Trung Quốc.

Dịch vụ hiện chỉ dành cho người dân Trung Quốc đã đăng ký xác minh thông tin trên WeChat Pay. Ở Trung Quốc đại lục, người dùng WeChat Pay có thể đăng ký dịch vụ trả tiền bằng lòng bàn tay từ tháng 5-2023 .

Gần đây nhất, vào giữa tháng 9-2024, hệ thống thanh toán không chạm của Tencent tiếp tục được mở rộng phạm vi hoạt động, đã có mặt tại Đặc khu hành chính Macau - Trung Quốc.