Trang Bloomberg hôm 16-4 cho biết yêu cầu hàng đầu là Mỹ phải thể hiện sự tôn trọng nhiều hơn, trong đó có việc kiềm chế những phát ngôn mang tính chỉ trích từ các thành viên trong nội các của ông Donald Trump. Ngoài ra, Trung Quốc còn muốn Mỹ có lập trường thống nhất hơn và chỉ định một người đại diện đàm phán chính. Nhân vật này được ông Donald Trump hậu thuẫn và có khả năng giúp chuẩn bị một thỏa thuận mà hai nước có thể ký kết tại hội đàm cấp cao.
Kể từ khi lên nắm quyền, ông Donald Trump đã áp thuế lên đến 145% đối với phần lớn hàng hóa Trung Quốc, dẫn đến các động thái trả đũa từ Bắc Kinh và làm suy giảm nghiêm trọng hoạt động thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thậm chí, Nhà Trắng hôm 15-4 cho biết nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới hiện đối mặt mức thuế lên đến 245% đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ do các hành động trả đũa của nước này.
Trong cuộc đối đầu thương mại hiện nay với Mỹ, sự thống trị chuỗi cung ứng đất hiếm có thể giúp ích cho vị thế đàm phán của Trung Quốc. Đất hiếm là nhóm 17 nguyên tố đóng vai trò thiết yếu cho các công nghệ tiên tiến sẽ định hình tương lai. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), Trung Quốc hiện chiếm 61% sản lượng khai thác đất hiếm toàn cầu. Trong nhiều thập kỷ, Mỹ và các nước khác phụ thuộc nhiều vào nguồn cung đất hiếm từ Bắc Kinh.

Một công nhân tại nhà máy của Công ty JL MAG Rare Earth (Baotou) chuyên khai thác đất hiếm tại TP Bao Đầu, Khu tự trị Nội Mông - Trung Quốc Ảnh: TÂN HOA XÃ
Ngày 4-4, Trung Quốc công bố các biện pháp hạn chế xuất khẩu 7 loại khoáng sản đất hiếm nhằm trả đũa mức thuế 34% mà ông Donald Trump áp lên hàng hóa Trung Quốc. Theo quy định mới, các công ty muốn xuất khẩu những loại khoáng sản này và các sản phẩm liên quan phải được chính phủ Trung Quốc cấp phép.
Đáp lại, Tổng thống Mỹ hôm 15-4 ra lệnh điều tra việc nhập khẩu các khoáng sản quan trọng, trong đó có đất hiếm, tác động thế nào đối với an ninh quốc gia. Dù vậy, giới phân tích cho rằng Washington rất khó trả đũa tương xứng trong lĩnh vực này. Mỹ hiện nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng đất hiếm nội địa, với một số công ty trong nước mở rộng sản xuất và tìm nguồn cung từ các đồng minh. Tuy nhiên, tiến trình này sẽ mất nhiều năm mới có thể đáp ứng được nhu cầu của các ngành công nghiệp chủ chốt.
Ngoài đất hiếm, chính quyền Tổng thống Donald Trump còn mở cuộc điều tra tác động của việc nhập khẩu thiết bị sản xuất bán dẫn đối với an ninh quốc gia. Theo ước tính, trong trường hợp đòn thuế quan mới được công bố, 3 tập đoàn sản xuất thiết bị bán dẫn lớn nhất của Mỹ - Applied Materials, Lam Research và KLA - thiệt hại tổng cộng khoảng 1 tỉ USD mỗi năm. Các công ty nhỏ hơn, như Onto Innovation, cũng có thể chịu tổn thất hàng chục triệu USD.