Trung Quốc sẵn sàng "khí giới" chống lại đe dọa đánh thuế 60% của ông Trump: Bắc Kinh không còn như 8 năm trước

Trung Quốc đã chuẩn bị cho ngày này trong một thời gian dài. Thị trường Mỹ đã trở nên ít quan trọng hơn nhiều đối với mạng lưới thương mại của Trung Quốc.

Bắc Kinh đã chuẩn bị trong một thời gian dài

Vào mùa Hè năm 2018, khi chính quyền Tổng thống Donald Trump phát động cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh, nền kinh tế Trung Quốc đang trên đà tăng trưởng cao. Thậm chí còn có đánh giá rằng nước này có thể sớm vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Giờ đây, khi ông Trump chỉ còn vài tháng nữa trước khi nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai, nền kinh tế Trung Quốc từng được coi là một thế lực đang lên đã suy yếu đáng kể. Đối mặt với những thách thức về thị trường bất động sản, nợ nần và giảm phát, Trung Quốc dường như không sẵn sàng cho một cuộc chiến khác.

Nhưng bề ngoài có thể khác xa thực tế.

Theo các nhà kinh tế và phân tích, khi hiểu rõ cách thức làm việc của Tổng thống đắc cử Mỹ, giới lãnh đạo Trung Quốc được trang bị tốt hơn để đối phó với khả năng thực sự là ông Trump sẽ thực hiện lời hứa áp thuế lên tới 60% đối với hàng hóa bán cho Mỹ, thông qua sự kết hợp giữa đa dạng hóa thương mại, trả đũa có mục tiêu vào các công ty Mỹ và hỗ trợ tiêu dùng trong nước.

Trung Quốc đã chuẩn bị cho ngày này trong một thời gian khá dài. Mỹ ít quan trọng hơn nhiều đối với mạng lưới thương mại của họ so với trước đây - Dexter Roberts, tác giả của bản tin Chiến tranh thương mại và là thành viên cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết.

Một phần là do cuộc chiến thương mại đầu tiên tiếp diễn dưới thời Tổng thống Joe Biden, Bắc Kinh cũng như các công ty Trung Quốc đã bắt đầu tích cực giảm sự phụ thuộc vào Washington trong thương mại. Tác động này có thể thấy rõ trong dữ liệu thương mại và diễn ra với tốc độ chóng mặt.

Mới đây nhất là vào năm 2022, thương mại song phương đã đạt mức cao kỷ lục. Nhưng năm ngoái, Mexico đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nước xuất khẩu hàng hóa hàng đầu vào Mỹ, theo Bộ Thương mại Mỹ. 

Theo Matthews Asia, chỉ dưới 30% lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc được chuyển đến các nước giàu trong nhóm G7 vào năm ngoái, giảm so với mức 48% vào năm 2000. Đó là lý do tại sao, mặc dù bán ít hơn cho Mỹ nhưng thị phần xuất khẩu toàn cầu của Trung Quốc hiện ở mức 14%, tăng so với mức 13% trước khi chính quyền Trump trước đây áp dụng mức thuế quan đầu tiên.

Đừng xem nhẹ đòn trả đũa từ Trung Quốc

Liza Tobin, giám đốc cấp cao về kinh tế tại Dự án nghiên cứu cạnh tranh đặc biệt (Mỹ), cho rằng không nên nhận định Trung Quốc sẽ trả đũa thương chiến với Mỹ bằng một động thái đơn giản về thuế quan. Thay vào đó, phản ứng của Bắc Kinh có thể sẽ có tính mục tiêu và bất đối xứng hơn.

"Họ đã và đang gây sức ép lên các công ty nước ngoài đang hoạt động tại Trung Quốc, và họ có thể gia tăng sức ép lên các công ty Mỹ, lựa chọn những mục tiêu mà họ muốn đẩy ra khỏi thị trường Trung Quốc", bà cho biết.

Vào tháng 9, Bắc Kinh thông báo đang điều tra nhà bán lẻ thời trang PVH Corp, chủ sở hữu của Calvin Klein và Tommy Hilfiger, vì từ chối lấy bông từ khu vực Tân Cương.

Năm ngoái, cảnh sát Trung Quốc đã đến làm việc và đặt một số câu hỏi cho nhân viên văn phòng Thượng Hải của Bain & Company - một công ty tư vấn quản lý của Mỹ.

Trung Quốc sẵn sàng "khí giới" chống lại đe dọa đánh thuế 60% của ông Trump: Bắc Kinh không còn như 8 năm trước- Ảnh 1.

Trung Quốc từng tiến hành kiểm tra công ty tư vấn Capvision của Mỹ

Ngay sau động thái này, phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc tiết lộ rằng các cơ quan an ninh đã ghé thăm nhiều văn phòng ccủa công ty tư vấn quốc tế Capvision, một công ty tư vấn có trụ sở tại Thượng Hải và New York.

Các nhà kinh tế cho biết, Trung Quốc cũng có khả năng "trả đũa" các công ty Mỹ hoặc nhắm vào ngành nông nghiệp.

Việc hạ giá đồng nhân dân tệ cũng có thể giúp ích cho xuất khẩu của Trung Quốc nếu ông Trump áp đặt ra thuế quan mới, nhưng các nhà phân tích cũng không tin rằng động thái này nằm trong kế hoạch bởi có thể gây ra tình trạng hỗn loạn trên thị trường chứng khoán

Nhà phân tích ngoại hối cấp cao tại ITC Markets, Sean Callow, cho biết Trung Quốc cũng muốn đồng nhân dân tệ được coi là một sự thay thế đáng tin cậy cho đồng đô la Mỹ.

Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Ngân hàng Macquarie, đã viết trong báo cáo nghiên cứu gần đây rằng những động thái lớn hơn có thể phải đợi cho đến khi thuế quan của chính quyền Trump 2.0 được công bố. Điều này có thể xảy ra ngay sau khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1 năm tới.