Trung Quốc trả đũa đòn thuế mới, điện đàm hai ông Trump-Tập bị hủy: Thái độ Tổng thống Mỹ thế nào?

Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bị hủy sau khi Bắc Kinh công bố mức thuế trả đũa Washington.

Thương chiến Mỹ - Trung đang leo thang

Tờ Telegraph (Anh) đưa tin, cuộc điện đàm đã được lên lịch vào ngày 4/2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bị hủy sau khi Bắc Kinh công bố mức thuế trả đũa Washington.

Ông Trump đã lên lịch điện đàm với ông Tập chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ áp đặt mức thuế bổ sung 10% đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trung Quốc trả đũa đòn thuế mới, điện đàm hai ông Trump-Tập bị hủy: Thái độ Tổng thống Mỹ thế nào?- Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu với các phóng viên tại Phòng Bầu dục trong Nhà Trắng vào ngày 3/2/2025. Ảnh: Getty

Chỉ vài phút sau khi thuế quan mới của Mỹ có hiệu lực ngày 4/2, Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo nước này sẽ áp mức thuế 15% đối với than và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG); 10% đối với dầu thô, thiết bị nông nghiệp và một số ô tô nhập khẩu của Mỹ. Mức thuế quan mới đối với hàng hóa Mỹ sẽ bắt đầu được áp dụng từ ngày 10/2.

Trong khi đó, Bộ Thương mại Trung Quốc và hải quan nước này cho biết họ đang áp dụng biện pháp kiểm soát xuất khẩu một số đất hiếm và kim loại có vai trò quan trọng đối với các thiết bị công nghệ cao và quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.

Trung Quốc cũng cho biết họ đang khởi động cuộc điều tra chống độc quyền đối với Google, đồng thời đưa cả tập đoàn thời trang PVH Corp (sở hữu các thương hiệu Calvin Klein và Tommy Hilfiger) và công ty công nghệ sinh học Illumina của Mỹ vào "danh sách các thực thể không đáng tin cậy".

Tổng thống Trump cho biết vào tối 4/2 rằng ông "không vội" nói chuyện với người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình mặc dù có ý muốn gọi điện để thảo luận về cuộc chiến thương mại đang leo thang giữa hai nước.

Ông Trump cho biết mức thuế mới bổ sung đối với Trung Quốc chỉ là "một loạt đòn mở màn".

"Nếu chúng ta [Mỹ] không thể đạt được thỏa thuận với Trung Quốc, thì mức thuế sẽ rất, rất đáng kể", ông nói thêm.

Cuộc điện đàm đã bị hủy mặc dù trước đó, Peter Navarro - cố vấn thương mại của Tổng thống Mỹ – đã tuyên bố rằng hai bên sẽ thảo luận về khả năng tạm dừng áp thuế, theo tờ Wall Street Journal (Mỹ).

Thuế quan của Mỹ đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico cũng từng suýt có hiệu lực vào ngày 4/2 trước khi Tổng thống Trump đồng ý tạm hoãn trong 30 ngày để hai nước này hành động nhằm giải quyết mối quan ngại của ông về an ninh biên giới và buôn lậu ma túy.

Giáo sư John Gong tại Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế ở Bắc Kinh gọi phản ứng của Trung Quốc là "có chừng mực".

"Tôi không nghĩ họ [Trung Quốc] muốn chiến tranh thương mại leo thang", Gong nói. "Và họ thấy ví dụ này từ Canada và Mexico, và có lẽ họ cũng đang hy vọng điều tương tự."

Trung Quốc trả đũa đòn thuế mới, điện đàm hai ông Trump-Tập bị hủy: Thái độ Tổng thống Mỹ thế nào?- Ảnh 2.

Những mẫu xe có động cơ lớn của Mỹ như GMC Yukon sẽ chịu mức thuế 10% khi nhập khẩu vào Trung Quốc. Ảnh: Durant Guild

Các nhà sản xuất ô tô Mỹ có thể chịu tổn hại

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump, vào năm 2018, Trung Quốc và Mỹ đã tham gia vào một cuộc chiến thương mại ăn miếng trả miếng leo thang, khi ông Trump liên tục tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, khiến Bắc Kinh trả đũa.

Lần này, Trung Quốc cho biết họ sẽ áp dụng mức thuế 15% đối với than và LNG, cũng như mức thuế 10% đối với dầu thô, máy móc nông nghiệp và ô tô động cơ lớn nhập khẩu từ Mỹ.

"Việc Mỹ đơn phương tăng thuế quan vi phạm nghiêm trọng các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới", Ủy ban Thuế quan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố.

"Điều này không chỉ không có ích trong việc giải quyết các vấn đề của chính họ, mà còn gây tổn hại đến hợp tác kinh tế và thương mại bình thường giữa Trung Quốc và Mỹ", ủy ban này tuyên bố.

Telegraph dẫn lời các chuyên gia cho biết, tác động đối với hàng xuất khẩu của Mỹ có thể không nhiều. Mặc dù Mỹ là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới, nhưng nước này không xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, vào năm 2023, nước này đã xuất khẩu 4,9 triệu m3 LNG sang Trung Quốc, chiếm khoảng 2,3% tổng lượng khí đốt tự nhiên xuất khẩu của nước này.

Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán mức thuế liên quan đến động cơ ô tô có thể gây tổn hại cho General Motors - công ty đang bổ sung các mẫu xe Chevrolet Tahoe và GMC Yukon vào danh mục sản phẩm của mình tại Trung Quốc.

Ford - công ty xuất khẩu xe bán tải Mustang và F-150 Raptor cũng có thể chịu tổn hại tương tự.