Sáng 3/2, truyền thông Trung Quốc rầm rộ trước thông tin Từ Hy Viên qua đời đột ngột và được hỏa táng tại Nhật Bản. Thông tin ngay lập tức lan truyền trên mạng xã hội, thậm chí trở thành chủ đề được tìm kiếm số một tại nhiều quốc gia châu Á.
Gia đình nữ diễn viên Từ Hy Viên xác nhận cô đã qua đời ở tuổi 49 do bệnh viêm phổi và cúm mùa. Trước khi mất, cô vẫn xuất hiện khỏe mạnh và rạng rỡ trong các sự kiện, khiến công chúng không khỏi bàng hoàng.
Cụ thể, ngày 25/1, nữ diễn viên nổi tiếng vẫn tươi cười bên đồng nghiệp, không có dấu hiệu bệnh tật. Tuy nhiên, chỉ sau chưa đầy 10 ngày, cô đã ra đi đột ngột vì biến chứng cúm mùa, làm dấy lên lo ngại về sự nguy hiểm của căn bệnh mà nhiều người vẫn coi là "cảm vặt".
Cúm mùa: Kẻ giết người thầm lặng
Theo BS Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cúm mùa không đơn thuần là bệnh "cảm vặt" như nhiều người vẫn nghĩ. Bệnh có thể gây ra viêm phổi, suy hô hấp, viêm cơ tim hoặc nhiễm trùng huyết, đặc biệt ở người có bệnh nền.
"Mỗi năm, cúm mùa cướp đi hàng trăm nghìn sinh mạng trên thế giới. Những người có hệ miễn dịch yếu, bệnh nền như tim mạch, tiểu đường, hay phụ nữ mang thai có nguy cơ biến chứng nghiêm trọng hơn nhiều lần", BS Thiệu cảnh báo.
Cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, do virus cúm gây ra.
Virus cúm có 4 chủng chính: A, B, C và D. Cúm A và B thường gặp ở người, trong khi cúm C gây bệnh nhẹ và thường không có triệu chứng. Cúm D ảnh hưởng chủ yếu đến gia súc và không gây bệnh ở người.
Các triệu chứng phổ biến của cúm bao gồm: đau đầu, sốt, ho, đau họng, đau nhức cơ khớp và nói chung là cảm giác khó chịu. Bệnh cúm thường nặng hơn cảm lạnh đơn thuần mặc dù bệnh cũng có thể nhẹ.
"Mức độ nghiêm trọng của bệnh từ các triệu chứng nhẹ đến viêm phổi nặng, viêm não và nhiễm trùng toàn thân, có thể đe dọa tính mạng.
Những biểu hiện nghiêm trọng này có thể là do bản thân virus cúm hoặc các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn/virus khác xảy ra sau nhiễm cúm, làm suy yếu khả năng phòng vệ của cơ thể", BS Thiệu phân tích.
Biến chứng cúm mùa
Trường hợp của Từ Hy Viên là minh chứng rõ nét cho sự nguy hiểm của cúm mùa. Nữ diễn viên có tiền sử bệnh tim mạch, động kinh và từng nhiều lần nhập viện vì biến chứng sức khỏe. Điều này khiến cơ thể cô dễ bị virus tấn công và không đủ sức chống chọi khi bệnh trở nặng.
BS Thiệu nhấn mạnh: "Những người có bệnh nền hoặc hệ miễn dịch kém cần đặc biệt cẩn trọng khi mắc cúm".
Theo BS Thiệu, người dân cần đặc biệt chú ý đến những triệu chứng báo hiệu biến chứng nguy hiểm, như:
- Khó thở hoặc thở nhanh.
- Tím tái, môi hoặc đầu ngón tay đổi màu.
- Lơ mơ, mất tỉnh táo, hoặc hạ thân nhiệt bất thường (dưới 36⁰C).
- Đau ngực, huyết áp tụt.
- Không ăn uống được, nôn nhiều, mất nước (khô môi, mắt trũng).
Những dấu hiệu này có thể là biểu hiện của viêm phổi nặng, suy hô hấp hoặc suy đa tạng. Đây là những biến chứng có nguy cơ dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Làm gì để bảo vệ bản thân trước cúm mùa?
Để tránh những tình huống đáng tiếc, BS Thiệu khuyến nghị:
- Tiêm vaccine cúm hàng năm: Đây là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và biến chứng nặng.
- Giữ vệ sinh cá nhân tốt: Rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người để tránh lây nhiễm.
- Bổ sung dinh dưỡng và tập luyện hợp lý: Một hệ miễn dịch khỏe mạnh giúp cơ thể chống chọi tốt hơn với virus cúm.
- Theo dõi triệu chứng cẩn thận: Nếu bị cúm kèm theo dấu hiệu nghiêm trọng, không nên chủ quan mà cần đến bệnh viện ngay.
- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh: Tránh đến những nơi có nguy cơ cao lây nhiễm, đặc biệt trong mùa dịch cúm.
- Duy trì môi trường sống sạch sẽ: Khử trùng các bề mặt tiếp xúc thường xuyên như tay nắm cửa, bàn phím máy tính, điện thoại di động.