Từ ngày 1/10, tất cả các bệnh viện bắt buộc kê đơn thuốc điện tử

() - Đây là nội dung được quy định trong Thông tư 26 về kê đơn thuốc ngoại trú vừa được Bộ Y tế ban hành.

Lộ trình bắt buộc kê đơn thuốc điện tử

Theo đó, Thông tư 26 có hiệu lực từ ngày 1/7, riêng quy định về việc bắt buộc kê đơn thuốc điện tử sẽ được thực hiện theo lộ trình.

Cụ thể, từ ngày 1/10, tất cả các bệnh viện sẽ phải thực hiện kê đơn thuốc điện tử. Và đến ngày 1/1/2026, tất cả cơ sở khám chữa bệnh khác cũng sẽ bắt buộc thực hiện điều này.

Ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết, hệ thống kê đơn và bán thuốc sẽ kết nối được với nhau. Người bệnh đi mua thuốc sẽ được kiểm soát theo đơn đã kê trong hệ thống. Những đơn nào được bán đến đâu, những loại thuốc nào bị bán sai so với kê đơn, tất cả đều có thể theo dõi được.

Từ ngày 1/10, tất cả các bệnh viện bắt buộc kê đơn thuốc điện tử - 1

Thực tế, hiện nay rất nhiều bệnh viện đã thực hiện kê đơn thuốc điện (Ảnh minh họa: N.P).

Theo ông, đây là bước tiến rất lớn trong kiểm soát tình trạng bán thuốc không theo đơn, đặc biệt là thuốc kháng sinh.

Việc kết nối liên thông giữa Hệ thống kê đơn thuốc điện tử và Hệ thống Quản lý Dược quốc gia là một trong những giải pháp then chốt để nâng cao hiệu quả giám sát sử dụng thuốc. Khi tất cả đơn thuốc được cập nhật đồng bộ, cơ quan quản lý có thể phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi lạm dụng thuốc, kê đơn sai quy định hoặc bán thuốc khi không có đơn.

Đối với người dân, việc sử dụng mã QR trên đơn thuốc điện tử giúp dễ dàng tra cứu thông tin về loại thuốc, liều dùng, hướng dẫn sử dụng và lịch sử điều trị. Đây là một công cụ hữu ích, giúp người bệnh chủ động theo dõi quá trình dùng thuốc của mình, góp phần tăng tính minh bạch và an toàn trong sử dụng thuốc.

Ngoài ra, thông tư cũng có một số điểm mới như bổ sung trường thông tin bắt buộc trong đơn thuốc như số định danh cá nhân, số căn cước công dân, số căn cước hoặc số hộ chiếu của người bệnh.

Theo tinh thần liên thông dữ liệu điện tử, công dân Việt Nam cung cấp số định danh cá nhân sẽ không cần kê khai các thông tin như giới tính, ngày sinh, địa chỉ thường trú.

Đây là một bước tiến quan trọng nhằm đồng bộ hóa dữ liệu y tế với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Điều này giúp giảm thời gian kê đơn, hạn chế sai sót và đơn giản hóa thủ tục cho cả người bệnh lẫn nhân viên y tế.

“Về lâu dài, đây cũng là nền tảng quan trọng để xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử thống nhất, phục vụ tốt hơn cho việc chăm sóc sức khỏe liên tục và quản lý thông tin y tế của người dân”, ông Dương nhấn mạnh.

Chỉ kê đơn thuốc khi thực sự cần thiết, tránh lạm dụng

Bên cạnh đó, người kê đơn cần ghi rõ số lượng sử dụng mỗi lần, số lần sử dụng trong ngày, số ngày sử dụng thuốc cho người bệnh.

Thông tư cũng cập nhật các quy định mới theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 (như chỉ định sử dụng thuốc khi thật sự cần thiết, đúng mục đích, an toàn, hợp lý và hiệu quả…).

Đồng thời có hướng dẫn rõ hơn về xử lý thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất đã cấp cho người bệnh nhưng không sử dụng hết hoặc người bệnh tử vong.

Theo ông Dương, nguyên tắc kê đơn “chỉ kê thuốc khi thật sự cần thiết” thực tế được quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023. Đây là nguyên tắc chung trong khám bệnh, chữa bệnh. Người hành nghề chỉ thực hiện dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, hay kê đơn trong trường hợp thực sự cần thiết, không được lạm dụng.

Trên thực tế, người kê đơn phải căn cứ trên chẩn đoán bệnh, tình trạng bệnh của người bệnh, các tài liệu quy định làm căn cứ kê đơn tại thông tư để chỉ định thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả.