Mỹ đồng ý trả tự do cho công dân Nga Alexander Vinnik, để đổi lấy việc Nga trao trả giáo viên người Mỹ Marc Fogel.
Vinnik là người điều hành BTC-e, một trong những sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới. Vinnik bị bắt năm 2017, tại một trong những ngôi làng nhỏ ven biển ở miền bắc Hy Lạp theo yêu cầu của Mỹ, với nghi ngờ rửa 4 tỷ USD qua sàn này.
Giới chức Mỹ cáo buộc Vinnik liên quan đến sự thất bại của Mt. Gox, một sàn giao dịch bitcoin có trụ sở ở Nhật Bản. Mt. Gox sụp đổ năm 2014, sau khi bị tin tặc tấn công. Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Vinnik “chiếm” các quỹ của Mt. Gox và “rửa” qua BTC-e và Tradehill – một sàn giao dịch khác ở San Francisco mà người này sở hữu.
Vinnik ban đầu được dẫn độ sang Pháp, sau đó sang Mỹ. Tháng 5/2024, Vinnik nhận tội âm mưu rửa tiền, sau đó bị kết án 20 năm tù.
Văn phòng công tố quận phía bắc California cáo buộc BTC-e thực hiện các giao dịch trị giá hơn 9 tỷ USD từ năm 2011 đến 2017, khi Vinnik bị bắt và sàn này bị đóng cửa. Sàn này có hơn 1 triệu người tham gia, trong đó có nhiều người Mỹ.
Andrei Zakharov, một nhà báo từng viết sách về Vinnik, nói rằng người đàn ông nắm giữ 80.000 bitcoin lấy từ Mt. Gox năm 2011. Số bitcoin này hiện tương đương khoảng 8 tỷ USD.
Để đổi lấy việc Mỹ thả Vinnik, Nga trả tự do cho Marc Fogel, một giáo viên bị bắt ở sân bay Nga năm 2011 vì mang theo cần sa.
Fogel thụ án 14 năm tù vì tội mang lậu ma túy. Người đàn ông 63 tuổi này là giáo viên lâu năm của các trường quốc tế ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Colombia, Malaysia, Oman, Mexico và Venezuela.
Từ năm 2012, ông và vợ sống ở Mátxcơva, nơi ông dạy lịch sử tại một trường dành cho người Mỹ và con của các nhà ngoại giao. Fogel được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao cho đến năm 2020, khi Nga tước bỏ quyền này với cáo buộc lạm dụng đặc quyền.