Từ trường học thành viện dưỡng lão: Trung Quốc gặp khủng hoảng lớn hơn cả Nhật Bản, ông Tập khẳng định "vấn đề sống còn"

Cuộc khủng hoảng mà Trung Quốc đang đối mặt sẽ đòi hỏi những cải cách khó khăn đối với mô hình tăng trưởng đã đưa nước này thành nền kinh tế lớn thứ 2.

Từ trường học thành viện dưỡng lão: Trung Quốc gặp khủng hoảng lớn hơn cả Nhật Bản, ông Tập khẳng định "vấn đề sống còn" - Ảnh 1.

Trường tiểu học thành viện dưỡng lão

“Ăn ngon, ngủ tốt, đó là tất cả những gì quan trọng đối với người già", Xiao nói. Người đàn ông 75 tuổi hoạt bát này ở chung phòng với một cặp vợ chồng ở độ tuổi 80 tại nơi từng là trường tiểu học, giờ đây đã được chuyển thành nhà dưỡng lão.

Đây là một minh chứng rõ ràng cho cuộc khủng hoảng nhân khẩu học của Trung Quốc.

Vào cuối những năm 1960, quận Như Đông, thuộc tỉnh Giang Tô thịnh vượng phía đông Trung Quốc, đông dân đến mức được chọn để thí điểm chính sách một con.

Gần 60 năm sau, đây là quận “già” nhất của đất nước - gần 39% dân số ở độ tuổi trên 60, cao hơn gấp đôi với trung bình toàn quốc là 18,7%.

Do đó, các trường học phải đóng cửa và các trang trại trồng lúa và bông của quận phải vật lộn để tìm công nhân, trong khi người già thường phải sống bằng những khoản lương hưu ít ỏi.

Thực trạng của Như Đông nói lên thách thức nhân khẩu học của Trung Quốc mà quy mô và tốc độ dự kiến sẽ còn vượt qua cả các cuộc khủng hoảng tương tự ở các quốc gia khác như Nhật Bản và Ý.

Tháng trước, Ấn Độ đã vượt Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Điều này xảy ra sau khi dân số Trung Quốc năm ngoái giảm lần đầu tiên kể từ những năm 1960.

Đối với Bắc Kinh, cuộc khủng hoảng nhân khẩu học sẽ đòi hỏi những cải cách khó khăn đối với mô hình tăng trưởng đã biến Trung Quốc thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, bao gồm chuyển hướng chi tiêu từ cơ sở hạ tầng và tài sản sang lương hưu và chăm sóc sức khỏe cũng như cố gắng tìm công nhân trẻ hơn cho các nhà máy.

Nước này cũng sẽ cần giải quyết sự bất bình đẳng nghiêm trọng trong hệ thống lương hưu, trong đó nhiều cư dân thành thị nhận được khoản trợ cấp cao hơn nhiều so với hầu hết người lao động nhập cư và cư dân nông thôn.

Vấn đề sống còn

“Những gì bạn thấy ở Như Đông mới chỉ là khởi đầu,” Huang Wenzheng, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, cho biết.

Khi chính sách một con được đưa ra, người dân hy vọng nó sẽ giúp xóa đói giảm nghèo ở những ngôi nhà đông đúc ở Như Đông bằng cách giảm số miệng ăn.

Theo thời gian, quy mô gia đình giảm dần. Đến những năm 1980, khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển, những người trẻ tuổi cũng bắt đầu rời Như Đông để tìm những công việc khấm khá hơn ở Thượng Hải và các thành phố phía đông khác.

Năm 2016, Trung Quốc cuối cùng đã từ bỏ chính sách một con khi tỷ lệ sinh giảm mạnh.

Tuy nhiên, với Như Đông, trong thập kỷ kết thúc vào năm 2020, dân số của quận đã giảm gần 12% xuống còn khoảng 880.000 người.

Người già lại càng khó khăn hơn. Nhiều người lớn tuổi ở Như Đông cho biết lương hưu hàng tháng của họ là 300 Nhân dân tệ (khoảng 42USD) hoặc ít hơn.

Hầu hết người già ở nông thôn không muốn xin tiền con cái do chi phí sinh hoạt ngày càng tăng ở Trung Quốc. Vì chính sách một con, một số cặp vợ chồng trẻ phải chăm sóc cả gia đình 2 bên nội ngoại bên cạnh con cái của họ.

Từ trường học thành viện dưỡng lão: Trung Quốc gặp khủng hoảng lớn hơn cả Nhật Bản, ông Tập khẳng định "vấn đề sống còn" - Ảnh 2.

Kết quả là, nhiều người lớn tuổi kiếm sống bằng mọi cách có thể. Dưới bóng chùa Guoqing 1.200 năm tuổi ở Như Đông, một người bán nhang 77 tuổi cho biết bà nhận được một khoản tiền trợ cấp ít ỏi nhưng vẫn làm việc vì không muốn trở thành “gánh nặng” cho con trai mình.

Một người lái xe ba bánh 64 tuổi cho biết ông đã quá già để làm nghề mộc trước đây. “Không ai muốn thuê tôi cả", ông nói.

Từ trường học thành viện dưỡng lão: Trung Quốc gặp khủng hoảng lớn hơn cả Nhật Bản, ông Tập khẳng định "vấn đề sống còn" - Ảnh 3.

Những người nông dân cao tuổi vẫn có thể nhìn thấy trên những cánh đồng xung quanh Như Đông. Họ được trả 8 Nhân dân tệ (khoảng 1,13 USD) cho một giờ làm việc.

Trong tháng này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát biểu: “Phát triển dân số là một vấn đề sống còn".

Ông nhấn mạnh phương châm mới là “phát triển dân số chất lượng cao”, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết của việc chăm sóc và giáo dục trẻ em tốt hơn.

Chính quyền đã địa phương đưa ra các ưu đãi từ mức lương cao hơn đến nhà ở được trợ cấp với hy vọng sẽ thu hút được lao động trẻ tuổi.

Tại một khu nhà ở mới phát triển trong thành phố, các đại lý bán hàng cho biết chính quyền địa phương giảm giá cho người mua nhà có bằng tiến sĩ, thạc sĩ, có trình độ kỹ thuật hoặc là gia đình có hai con

Những ưu đãi địa phương này được triển khai ở cấp quốc gia.

Một số thành phố đang trao các khoản trợ cấp bằng tiền mặt cho các gia đình có con thứ ba, trong khi những thành phố khác đang mở rộng thời gian nghỉ thai sản và sinh con...

Bert Hofman, giám đốc Viện Đông Á tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết với tốc độ hiện tại, tỷ lệ giữa người lao động/người về hưu của Trung Quốc vào cuối thế kỷ này sẽ chỉ còn 1/4.

Để bù đắp điều này, chính phủ cần dần dần khuyến khích mọi người làm việc ngoài độ tuổi nghỉ hưu hiện tại là 50 đối với phụ nữ và 60 đối với nam giới, đồng thời khuyến khích dân số nông thôn vẫn còn lớn di cư để làm những công việc ở thành thị, ông Hofman nói.

Các nhà hoạch định chính sách cũng cần mở rộng lương hưu và nâng cấp ngành y tế.

Cho đến khi những cải cách như vậy được thực hiện, các quận bán nông thôn như Như Đông sẽ phải vật lộn để chăm sóc người già.