Từng bắt CEO Lei Jun của Xiaomi uống rượu bồi tội cách đây 10 năm, Chủ tịch Samsung hiện phải sang ‘nài nỉ’ hãng điện thoại Trung Quốc giúp đỡ làm xe điện

Người Trung Quốc có câu ’30 năm Hà Đông, 30 năm Hà Tây’ là để ám chỉ đến những trường hợp như của CEO Lei Jun, từ kẻ phải đi bồi tội cho đến người cười chiến thắng sau này.

Mới đây, việc Chủ tịch Lee Jae Yong của Samsung sang gặp gỡ CEO Lei Jun của Xiaomi đang thu hút sự chú ý của dư luận. Câu chuyện chẳng có gì đáng nói nếu chỉ là cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo 2 doanh nghiệp vừa là bạn vừa là thù.

Thế nhưng ít ai biết rằng cách đây 10 năm, phía Samsung đã từng ép CEO Lei Jun uống rượu bồi tội bởi Xiaomi khi đó chỉ là một hãng điện thoại non trẻ trên thị trường.

Giờ đây khi Xiaomi đã vươn tầm lên ông lớn trong khi Samsung gặp nhiều khó khăn đến mức "sống còn" (Life and Death), lần này đến lượt Chủ tịch Lee Jae Yong phải sang Trung Quốc bắt tay CEO Lei nhằm tìm kiếm hợp tác phát triển xe điện.

Bởi vậy không có gì khó hiểu khi trong bức ảnh chụp chung, giới truyền thông Trung Quốc mô tả CEO Lei Jun nở nụ cười tự nhiên thì Chủ tịch Lee lại là một nụ cười ngại ngùng.

Bồi tội

Câu chuyện uống rượu bồi tội của CEO Lei Jun được in trong cuốn tự truyện "Forward" và được phát hành chính thức bởi Xiaomi.

Quay ngược lại năm 2015 khi Xiaomi mới thành lập được 5 năm, hãng điện thoại non trẻ của Lei Jun khi này đạt được thành tích ấn tượng bán được 64,9 triệu chiếc smartphone và dẫn đầu Trung Quốc về doanh số.

Với tư cách là đối thủ cạnh tranh tại Trung Quốc, Samsung không hài lòng điều này nhưng hãng điện thoại Hàn Quốc lại cũng là nhà cung ứng màn hình cho Xiaomi.

Bởi vậy khi đàm phán về việc cung ứng màn hình, ban giám đốc điều hành Samsung chi nhánh Trung Quốc đã xảy ra tranh cãi với phía Xiaomi.

Ngay sau đó, Samsung quyết định dùng cung ứng màn hình AMOLED cho Xiaomi, vốn là linh kiện quan trọng được sử dụng phổ biến trong smartphone thời đó nhờ màu sắc đẹp, tiết kiệm năng lượng và dễ nhìn từ mọi góc độ.

Từng bắt CEO Lei Jun của Xiaomi uống rượu bồi tội cách đây 10 năm, Chủ tịch Samsung hiện phải sang ‘nài nỉ’ hãng điện thoại Trung Quốc giúp đỡ làm xe điện- Ảnh 1.

Tại thời điểm năm 2016, Samsung chiếm tới 99% nguồn cung màn hình AMOLED toàn cầu và là hãng độc quyền trên thị trường. Do đó tập đoàn Hàn Quốc này dễ dàng áp đặt quyền kiểm soát lên thị trường smartphone Trung Quốc mà Xiaomi là ví dụ tiêu biểu nhất.

Việc Samsung cắt nguồn cung AMOLED khiến Xiaomi rơi vào khủng hoảng đứt gãy chuỗi cung ứng và sản phẩm Note 2 của hãng trở thành nạn nhân. Phía Xiaomi buộc phải thay màn hình Note 2 sang nhà cung ứng LG và hệ quả là hàng loạt lỗi xảy ra, từ độ sáng yếu, màu sắc không chuẩn cho đến khiến người dùng khó nhìn.

Trước tình thế đó, dù vào cuối tuần nhưng CEO Lei Jun buộc phải liên hệ với ban giám đốc Samsung chi nhánh Trung Quốc rất nhiều lần nhưng không hề được tiếp đón.

Cuối cùng đích thân CEO Lei Jun phải gọi điện đến số cá nhân cho vị giám đốc Samsung này với đề nghị: "Bao giờ ngài rảnh? Tôi sẽ bay trực tiếp đến Thâm Quyến để xin lỗi ngài".

Ngay chiều thứ 2 hôm sau, CEO Lei Jun đã phải đến Thâm Quyến và uống hết 5 chai rượu vang để bồi tội cùng ban lãnh đạo Samsung trong bữa tối.

Theo cuốn tự truyện, CEO Lei Jun đã quàng vai vị giám đốc Samsung và liên tục nhắc lại: "Chúng tôi đã làm sai và thái độ đó không thể đại diện cho Xiaomi".

Cùng ngày hôm đó, nhà sáng lập Xiaomi cũng đã phải liên hệ CEO Lu Weibing của Gionee, nhà sáng lập Chen Mingyong của OPPO cùng 2 nhà cung ứng thân thiết khác để hỗ trợ chuyển lời xin lỗi đến ban lãnh đạo cấp cao Samsung.

Thậm chí sau đó, đích thân nhà sáng lập được ví như "Steve Jobs của Trung Quốc" này phải bay đến trụ sở Samsung tại Hàn Quốc vài lần để liên tục xin lỗi.

Bất chấp điều đó, phải đến vài tháng sau phía Samsung mới đồng ý cung ứng lại màn hình AMOLED cho Xiaomi nhưng với điều kiện là phải đợi 2 năm nữa do "hợp đồng khách hàng đặt trước đã kín chỗ".

Thế nhưng Samsung chẳng cười được lâu khi vị thế độc tôn của hãng dần biến mất.

Đổi ngôi

"30 năm Hà Đông, 30 năm Hà Tây" là ngạn ngữ Trung Quốc nói về con sông Hoàng Hà có chu kỳ 60 năm, cứ 30 năm đổi hướng một lần. Nếu bên này là phía Tây thì sau 30 năm, nó đổi thành hướng Đông. Ngạn ngữ này ý nói cho dù bất kỳ lúc nào cũng đừng coi thường những người không bằng bạn bây giờ, vì có lẽ sau này họ sẽ khiến bạn thay đổi con mắt nhìn về họ, thậm chí là bạn còn không với tới họ.

Người Trung Quốc có câu ’30 năm Hà Đông, 30 năm Hà Tây" là để ám chỉ đến những trường hợp như của CEO Lei Jun.

Câu chuyện Samsung độc quyền AMOLED đã khiến không chỉ Xiaomi mà hàng loạt tên tuổi như Huawei, OV hay thậm chí Apple khó chịu. Văn hóa chèn ép của hãng điện thoại Hàn Quốc khiến nhiều thương hiệu chuyển hướng.

Các hãng như Huawei bắt đầu hỗ trợ sản phẩm màn hình BOE trong nước của Trung Quốc, trong khi Xiaomi cũng có nước đi tương tự với CSOT.

Đến năm 2024, thị phần màn hình điện thoại di động AMOLED sản xuất tại Trung Quốc đã chiếm gần 50% toàn cầu trong khi Samsung là 43% và vẫn đang giảm xuống. Chi phí sản xuất rẻ của Trung Quốc và tính cạnh tranh thay vì độc quyền khiến màn hình AMOLED của Samsung dần thất sủng trong mắt các doanh nghiệp.

Thậm chí trong suốt 2 năm qua, rất hiếm có điện thoại nội địa Trung Quốc nào còn dùng màn hình của Samsung.

Tệ hơn, không chỉ thua về màn hình AMOLED, Samsung còn bị các hãng Trung Quốc cạnh tranh cả về bán dẫn, đóng tàu, sản xuất smartphone, thiết bị gia dụng, ắc quy...

Đặc biệt, trong khi Trung Quốc vươn mình với trí thông minh nhân tạo (AI) thì Samsung lại tụt hậu ở mảng này, lặng nhìn Huawei, Xiaomi, Alibaba hay các hãng công nghệ của xứ sở tỷ dân ra mắt hàng loạt ứng dụng AI.

Trong vòng 1 năm qua, cổ phiếu của Samsung Electronics đã giảm gần 1/3 khiến Chủ tịch Lee Jae Yong phải họp các giám đốc để chấn chỉnh tình hình, đồng thời cho biết tập đoàn đang trong giai đoạn "sống còn" khi bỏ lỡ xu thế AI.

Từng bắt CEO Lei Jun của Xiaomi uống rượu bồi tội cách đây 10 năm, Chủ tịch Samsung hiện phải sang ‘nài nỉ’ hãng điện thoại Trung Quốc giúp đỡ làm xe điện- Ảnh 2.

Trái ngược với Samsung, tình hình của Xiaomi lại ngày càng tốt hơn kể từ khi CEO Lei Jun chấp nhận bồi tội. Tổng doanh số bán smartphone của hãng hiện đứng thứ 3 thế giới trong khi mảng xe điện bán được hơn 200.000 chiếc.

Doanh thu của hãng đang ở mức cao kỷ lục còn giá cổ phiếu liên tiếp phá kỷ lục, tổng vốn hóa cũng đã vượt 1,4 nghìn tỷ Dollar Hong Kong (HKD) lần đầu tiên trong lịch sử.

Giờ đây sau 10 năm gặp lại, CEO Lei Jun đã không còn phải cúi mình trước Samsung nữa mà ngược lại, chính Chủ tịch Lee mới là người sang thăm nhà máy xe điện của Xiaomi để mở đường hợp tác cho đôi bên.

*Nguồn: Korea Herald