Từng kịch liệt phản đối Nga, lãnh đạo một quốc gia EU bất ngờ ‘quay xe’ kêu gọi châu Âu nối lại hợp tác kinh tế với Moscow, nhấn mạnh đàm phán vẫn tốt hơn xung đột

Tổng thống Cộng hòa Séc cho rằng EU nên xem xét lại cách tiếp cận đối với Nga và cố gắng tìm ra một sự thỏa hiệp với Moscow để tránh tổn thất về nhân lực và vật lực cho đôi bên.

Từng kịch liệt phản đối Nga, lãnh đạo một quốc gia EU bất ngờ ‘quay xe’ kêu gọi châu Âu nối lại hợp tác kinh tế với Moscow, nhấn mạnh đàm phán vẫn tốt hơn xung đột- Ảnh 1.

Tổng thống Cộng hòa Séc Petr Pavel. Ảnh: RT.

Tổng thống Cộng hòa Séc Petr Pavel vừa bất ngờ tuyên bố rằng Liên minh châu Âu (EU) nên cân nhắc nối lại đàm phán với Nga về an ninh châu Âu và khôi phục quan hệ kinh tế sau khi cuộc xung đột ở Ukraine kết thúc.

Trong cuộc phỏng vấn với BBC News Ukraine ngày 8/7, Tổng thống Pavel cho rằng đã đến lúc EU phải đánh giá lại cách tiếp cận với Moscow, vì một cuộc chiến kéo dài sẽ chỉ dẫn tới tổn thất nhân lực lớn và thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho cả đôi bên.

“Thật khó để chấp nhận điều đó, nhưng chúng ta cũng cần nhìn vào thực tế. Cả Ukraine lẫn châu Âu đều không thể chiến đấu với Nga mãi mãi. Điều đó sẽ gây ra những thiệt hại lớn cả về con người và kinh tế”, ông Pavel nhận định.

Tuyên bố mới của ông Pavel đánh dấu một sự thay đổi rõ rệt trong lập trường cứng rắn của ông với Moscow. Trước đó, ông Pavel – người đồng thời là nguyên Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO, chỉ trích Nga gay gắt trong cuộc xung đột với Ukraine và ủng hộ mạnh mẽ việc cung cấp vũ khí phương Tây cho Kiev.

Dù vẫn khẳng định EU “không bao giờ công nhận về mặt pháp lý” các vùng lãnh thổ Ukraine đã tổ chức trưng cầu dân ý sáp nhập vào Nga, ông Pavel cho rằng sớm hay muộn, Kiev cũng sẽ cần phải đàm phán hòa bình với Moscow. Ông thừa nhận rằng ngay cả với sự hỗ trợ từ phương Tây, Ukraine khó có thể giành lại các vùng lãnh thổ bị mất “trong thời gian ngắn mà không phải trả giá bằng thương vong lớn”.

Tổng thống Pavel cho biết một bộ phận đáng kể trong dân chúng Séc muốn có quan hệ tốt với Nga, không phải vì họ ủng hộ các mục tiêu của Moscow, mà bởi họ tin rằng “đàm phán luôn tốt hơn xung đột”.

“Nếu đạt được thỏa thuận hòa bình, phương Tây sẽ có thể tái thiết Ukraine và – tùy theo phản ứng của Nga – đưa Moscow trở lại bàn đàm phán về an ninh châu Âu, hợp tác và kinh doanh như trước kia”, ông nói thêm.

Lời kêu gọi đối thoại của Tổng thống Séc có thể được xem là phản ánh một sự thay đổi tinh tế trong tư duy chiến lược của một số nhà lãnh đạo châu Âu trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, trong khi nguồn lực viện trợ của phương Tây đang dần cạn kiệt và kinh tế châu Âu chịu nhiều sức ép.

Dù vậy, khả năng khôi phục quan hệ với Nga sẽ còn phụ thuộc vào lập trường của Moscow, đặc biệt trong việc xử lý các vùng lãnh thổ đã sáp nhập và sẵn sàng đàm phán hòa bình trên cơ sở nào.

Trong khi đó, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Magyar Nemzet của Hungary đầu tuần này, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, , tiếp tục nhấn mạnh điều kiện tiên quyết của Moscow: cộng đồng quốc tế phải công nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea, Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye – những vùng đã tổ chức trưng cầu dân ý sáp nhập vào Nga.

Theo RT