Ứng phó với thuế đối ứng của Mỹ

Việc cân bằng trong các mối quan hệ và các chính sách đảm bảo tính nhất quán, không để lại những hậu quả tai hại từ một chính sách hay mối quan hệ nào đó đến các đối tác khác là hết sức quan trọng.

thuế  - Ảnh 1.

Thịt nhập khẩu bán tại siêu thị ở TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

"Tôi vừa trao đổi với (ông) Tô Lâm, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông nói rằng Việt Nam sẽ đưa thuế suất của họ về KHÔNG nếu họ có thể để có thỏa thuận với Mỹ. Đại diện cho đất nước, tôi đã cảm ơn ông ấy và nói rằng tôi trông chờ một cuộc gặp trong tương lai gần".

Đó là những dòng đầu tiên với tín hiệu đầy tích cực mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng trên mạng xã hội ngày 4-4, sau khi ông công bố thuế đối ứng toàn cầu.

Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống Trump về thuế quan, doanh nghiệp cũng ‘chạy đua’ĐỌC NGAY

Cuộc điện đàm thể hiện sự nhạy bén và kịp thời của lãnh đạo Việt Nam trong việc tìm cách giải quyết vấn đề thách thức, ảnh hưởng rất lớn đến tương lai phát triển của đất nước.

Cả thế giới đang sốc. Chỉ riêng Mỹ, giá trị chứng khoán của các công ty niêm yết sau hai ngày đã bốc hơi 6.000 tỉ USD, bằng hơn 20% GDP của nước này và 15 lần GDP của Việt Nam.

Trong tình huống khẩn cấp hiện nay, để có thể đàm phán được một mức thuế với Mỹ cũng như các điều kiện khác thuận lợi nhất cho sự phát triển của đất nước và duy trì mối quan hệ với các đối tác khác, Việt Nam có thể xem xét một số vấn đề sau:

Thứ nhất, chuẩn bị đầy đủ nhất có thể các thông tin dữ liệu cần thiết. Trước hết là tính đúng, tính đủ thương mại hai chiều (bao gồm cả dịch vụ).

Ví dụ mấy chục nghìn du học sinh tại Mỹ mỗi năm Mỹ đã "xuất khẩu" tại chỗ được nhiều tỉ USD dịch vụ. Các dịch vụ khác cũng rất lớn. Tiếp đó là phân tách giá trị hàng hóa mà Việt Nam xuất sang Mỹ với phần của các công ty Mỹ trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Thông tin về các doanh nghiệp Mỹ đang làm ăn và hưởng lợi ở Việt Nam và những mặt hàng hoặc dịch vụ mà Việt Nam có thể "trao đổi" tương ứng với các hàng hóa và dịch vụ mà Việt Nam đang xuất khẩu sang Mỹ là hết sức quan trọng.

Thứ hai, rà soát lại toàn bộ các chính sách Việt Nam đang áp dụng với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhất là những doanh nghiệp Mỹ.

Với những loại thuế và các quy định phi thuế quan thì cần rà soát và loại bỏ (theo lộ trình hợp lý) những thứ có thể nhằm giảm thiểu sự nghiêm trọng hoặc góc nhìn tiêu cực của phía Mỹ.

Giải quyết sớm nhất có thể những vấn đề còn tồn đọng trong quan hệ, nhất là quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước mà phía Mỹ yêu cầu.

Thứ ba, tăng cường mua hàng hóa dịch vụ và đầu tư vào Mỹ, đặc biệt là những mặt hàng có tính chiến lược, có tác dụng dài hạn cho sự phát triển của Việt Nam.

Trong đó, giáo dục và năng lực nghiên cứu cần được tập trung. Việt Nam cần đưa thêm du học sinh và các chương trình hợp tác nghiên cứu sang Mỹ.

Điều này sẽ giúp Việt Nam hiện thực hóa chiến lược phát triển khoa học công nghệ, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia mà nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đã đề ra. Thêm vào đó, thúc đẩy đầu tư vào Mỹ là một việc cần làm.

Thứ tư, rà soát lại các chính sách để đảm bảo nền kinh tế thị trường hoạt động một cách đầy đủ nhất.

Điều này sẽ là một mũi tên nhắm trúng hai đích: loại bỏ tối đa các yếu tố mà Mỹ liệt Việt Nam thuộc nước không có nền kinh tế thị trường và tạo dựng sân chơi bình đẳng thúc đẩy lực lượng doanh nghiệp phát triển, nhất là các doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Thứ năm, những gì xảy ra trên bàn đàm phán là hết sức quan trọng. Do vậy cần phải lựa chọn được đội ngũ có năng lực và tinh nhuệ nhất cho việc này cùng với việc có được lực lượng hậu cần đằng sau với thông tin đầy đủ nhất cộng với trí tuệ để có thể hỗ trợ những người đang ở ngoài "chiến trường" một cách tốt nhất.

Cuối cùng, Mỹ chỉ là một đối tác và các đối tác khác cũng hết sức quan trọng cho sự phát triển của Việt Nam.

Vì vậy việc cân bằng trong các mối quan hệ và các chính sách đảm bảo tính nhất quán, không để lại những hậu quả tai hại từ một chính sách hay mối quan hệ nào đó đến các đối tác khác là hết sức quan trọng. 

Đây chính là nghệ thuật của ngoại giao cây tre trên nguyên tắc lợi ích quốc gia là trên hết.

Ứng phó với thuế đối ứng của Mỹ - Ảnh 1.Thủ tướng: Bị áp thuế là cơ hội cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng bền vững

Ngày 6-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 và quý 1-2025 trực tuyến với các địa phương.

Đọc tiếp Về trang Chủ đề