Một tách cà phê vào buổi sáng giúp nhiều người tỉnh táo, cải thiện tâm trạng và tăng hiệu suất làm việc.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích đã được công nhận, việc tiêu thụ cà phê mỗi ngày ở mức độ cao có thể gây ra những tác động tới sức khỏe tim mạch.
Lạm dụng cà phê tạo gánh nặng cho tim
Trong nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ, các nhà khoa học đã tiến hành phân tích dữ liệu từ hơn 347.000 người trưởng thành trong độ tuổi từ 37 đến 73 tại Anh, nằm trong cơ sở dữ liệu của Biobank.

Cần uống cà phê với lượng vừa phải (Ảnh: Getty)
Đây là một hệ thống lưu trữ thông tin y tế, di truyền học và lối sống lớn nhất tại quốc gia này. Mục tiêu của nghiên cứu là tìm hiểu mối liên hệ giữa việc tiêu thụ cà phê hàng ngày với nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch.
Kết quả cho thấy, những người uống hơn sáu tách cà phê mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn 22% so với những người uống ít hơn hoặc không uống.
Nguy cơ này không phụ thuộc vào yếu tố di truyền hay các thói quen sinh hoạt khác. Đáng chú ý, mối liên hệ giữa lượng caffeine tiêu thụ và các chỉ số tim mạch xấu trở nên rõ ràng hơn khi lượng cà phê vượt ngưỡng cho phép trong thời gian dài.
Tiến sĩ Elina Hyppönen, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: "Uống cà phê điều độ có thể mang lại một số lợi ích nhất định, nhưng khi vượt quá giới hạn, caffeine bắt đầu gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến hệ tim mạch.
Chúng tôi nhận thấy một ngưỡng nguy hiểm bắt đầu xuất hiện từ mức sáu tách cà phê mỗi ngày trở lên".
Vì sao uống nhiều cà phê lại hại tim?
Caffeine là hoạt chất chính trong cà phê, có khả năng kích thích hệ thần kinh trung ương. Khi vào cơ thể, caffeine làm tăng nồng độ adrenaline - một loại hormone giúp cơ thể phản ứng nhanh hơn trong các tình huống khẩn cấp, đồng thời khiến tim đập nhanh và mạnh hơn.
Đây là lý do khiến nhiều người cảm thấy tỉnh táo, thậm chí "phấn chấn" sau khi uống cà phê. Tuy nhiên, nếu trạng thái này kéo dài liên tục mỗi ngày, trái tim sẽ phải làm việc nhiều hơn mức cần thiết, lâu dần có thể dẫn tới rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp và suy tim.
Ngoài ra, caffeine còn có thể gây co thắt mạch máu và làm tăng áp lực máu trong lòng động mạch.
Ở người có sẵn yếu tố nguy cơ như cao huyết áp, béo phì, căng thẳng mạn tính hoặc di truyền bệnh tim, việc tiêu thụ lượng lớn cà phê có thể trở thành "giọt nước tràn ly", đẩy nhanh quá trình tiến triển bệnh.
Không ít người có cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực hoặc bồn chồn sau khi uống cà phê. Đó chính là dấu hiệu cho thấy cơ thể phản ứng tiêu cực với caffeine, đặc biệt là khi sử dụng với liều lượng cao hoặc vào thời điểm không phù hợp như buổi chiều tối.
Bao nhiêu cà phê là vừa đủ?
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), người trưởng thành khỏe mạnh không nên tiêu thụ quá 400mg caffeine mỗi ngày, tương đương khoảng ba đến bốn tách cà phê pha thông thường.
Tuy nhiên, mức chịu đựng caffeine ở mỗi người là khác nhau. Với người có thể trạng yếu, rối loạn giấc ngủ, phụ nữ mang thai hoặc người mắc bệnh tim mạch, ngưỡng an toàn có thể thấp hơn rất nhiều.
Một điều đáng chú ý là không phải ai cũng nhận ra mình đã vượt ngưỡng caffeine mỗi ngày, bởi ngoài cà phê, chất này còn có trong trà, nước tăng lực, một số loại thuốc cảm. Vì vậy, cần tính toán tổng lượng caffeine tiêu thụ từ tất cả nguồn thực phẩm trong ngày, không chỉ riêng cà phê.
Uống cà phê thế nào để bảo vệ trái tim?
Thay vì loại bỏ hoàn toàn cà phê - điều không cần thiết nếu bạn khỏe mạnh và uống ở mức độ vừa phải - lời khuyên là hãy sử dụng cà phê một cách thông minh.
Nên tránh uống cà phê khi đang đói, vì sẽ kích thích dạ dày tiết nhiều axit, làm tăng nguy cơ viêm loét. Không uống cà phê sau 14h để tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ - yếu tố có liên hệ trực tiếp đến sức khỏe tim mạch.
Hãy lắng nghe cơ thể của bạn. Nếu sau khi uống cà phê, bạn cảm thấy hồi hộp, bồn chồn, tim đập nhanh hay mất ngủ kéo dài, đó là dấu hiệu nên giảm lượng tiêu thụ, hoặc chuyển sang loại cà phê ít caffeine (decaf).
Ngoài ra, hạn chế sử dụng cà phê hòa tan có nhiều đường, kem hoặc chất tạo ngọt nhân tạo cũng là cách để giảm áp lực cho tim và hệ tuần hoàn.