USAID và quyền lực mềm của Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay trong những ngày đầu tiên lên nắm quyền đã ra sắc lệnh tạm dừng viện trợ nước ngoài của Mỹ ít nhất 90 ngày và đe dọa giải thể Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID).

USAID và quyền lực mềm của Mỹ - Ảnh 1.

Hoa được đặt trước trụ sở USAID ở Washington DC vào ngày 5-2 - Ảnh: AFP

Động thái trên của ông Trump đã làm rúng động trong và ngoài nước Mỹ, nhất là tại các quốc gia vốn lâu nay dựa nhiều vào các 10.000 nhân viên USAID mất việc, nhiều người bất ngờ khi bị sa thảiTỉ phú Bill Gates bảo vệ USAID

Bất kỳ quốc gia nào khi đạt đến trình độ phát triển nhất định, có nguồn lực đủ lớn sẽ tìm cách phát huy ảnh hưởng của mình thông qua viện trợ nước ngoài. Không chỉ có Mỹ, các quốc gia lớn khác đều có các cơ quan thực hiện nhiệm vụ viện trợ nước ngoài như Pháp có AFD, Nhật Bản có JICA, Hàn Quốc có KOICA và Trung Quốc có CIDCA...

Với việc sở hữu nguồn lực lớn, các quốc gia này có thể hào phóng cung cấp viện trợ cho các quốc gia nhỏ và khó khăn hơn, vừa phục vụ cho những mục đích nhân đạo nhưng cũng qua đó thúc đẩy những lợi ích và gia tăng hình ảnh của quốc gia mình.

Được Tổng thống John Kennedy thành lập năm 1961 với mục tiêu sử dụng công cụ viện trợ để thúc đẩy lợi ích của nước Mỹ ở bên ngoài và cạnh tranh với Liên Xô, USAID qua thời gian đã trở thành cơ quan viện trợ phát triển lớn nhất trên thế giới. 

Chỉ riêng năm 2023, ngân sách viện trợ nước ngoài của USAID lên đến hơn 43 tỉ USD, đứng đầu thế giới, tuy nhiên con số này cũng chưa chiếm đến 1% ngân sách liên bang của Mỹ. Với phạm vi hoạt động ở hơn 130 nước, USAID đang cung cấp viện trợ cho nhiều lĩnh vực từ y tế, giáo dục... cho đến cả viện trợ quân sự.

Dù có những thành công nhất định nhưng ngay từ khi mới ra đời luôn có những luồng quan điểm khác nhau về sự cần thiết và sự vận hành của USAID. 

Những người ủng hộ cho rằng USAID đã góp phần thúc đẩy lợi ích của Mỹ, gia tăng ảnh hưởng của Mỹ ở bên ngoài. Những người chỉ trích thì cho rằng đây là một sự lãng phí nguồn lực, sử dụng vào những dự án không hiệu quả. 

Những người Cộng hòa muốn đặt cơ quan này dưới sự quản lý của Bộ Ngoại giao để gắn với những mục tiêu, lợi ích đối ngoại của Mỹ. Còn những người Dân chủ thì cho rằng USAID cần có sự độc lập trong chính sách của mình.

Viện trợ sẽ không còn là "từ thiện"

Dưới con mắt của người Mỹ, dường như nước Mỹ đang quá hào phóng với các quốc gia khác. Trong các cuộc khảo sát, 6 trên 10 người dân Mỹ cho rằng nước Mỹ đang dành quá nhiều ngân sách để viện trợ cho các nước khác. 

Do đó không có gì khó hiểu khi USAID đã trở thành một trong những cơ quan đầu tiên lọt vào tầm ngắm của Ban Hiệu suất Chính phủ Mỹ (được Tổng thống Trump lập ra để tái cấu trúc các cơ quan liên bang). Người đứng đầu cơ quan này, tỉ phú Elon Musk, đã so sánh USAID là "một tổ chức tội phạm".

Liệu rằng việc đóng cửa USAID sẽ mở ra khoảng trống cho các nước khác, nhất là những nước được coi là đối thủ và đang cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ như Trung Quốc, Nga... lấp vào đó không?

Có lẽ điều đó sẽ diễn ra ở một số địa bàn và trong một số vấn đề nào đó nhưng chắc chắn Mỹ sẽ không từ bỏ một công cụ hữu hiệu như vậy để thúc đẩy lợi ích của mình. Thêm vào đó, rất khó cho một quốc gia nào có thể có được nguồn lực to lớn để sử dụng một cách hào phóng vào mục đích viện trợ cho các nước khác như Mỹ.

Nhưng với những gì đang diễn ra trên thế giới, nhất là xu hướng đơn phương và chính trị nước lớn như hiện nay, thời kỳ của những nguồn viện trợ với ít điều kiện ràng buộc sẽ không còn nữa. 

Viện trợ nước ngoài sẽ không còn là "từ thiện", như lời của Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, mà ngày càng gắn liền hơn với lợi ích đối ngoại của nước cung cấp, thậm chí gắn liền với những yêu cầu đổi chác lợi ích. Các nước nhỏ, kém phát triển có lẽ sẽ phải đáp ứng nhiều điều kiện hơn, chấp nhận nhân nhượng hơn để đổi lấy nguồn viện trợ từ các nước giàu.

Có thể trong thời gian tới USAID sẽ phải cải tổ sâu rộng hoặc thậm chí bị đóng cửa và được thay thế bởi một cơ quan khác. Tuy nhiên viện trợ nước ngoài sẽ vẫn là một công cụ được sử dụng để phát huy ảnh hưởng của nước Mỹ ra bên ngoài.

Với cách làm của Tổng thống Trump, không khó để nhận thấy viện trợ cũng như thương mại sẽ được sử dụng để gây sức ép, thậm chí để đánh đổi lợi ích với những quốc gia khác. "Cây gậy, củ cà rốt và mật ngọt" sẽ vẫn luôn được sử dụng là công cụ trong quan hệ giữa các nước, cho dù dưới chính quyền nào.

294

Truyền thông Mỹ đưa tin chỉ có 294 trong số 14.000 nhân viên của USAID trên toàn cầu được giữ lại công việc, bao gồm 12 người ở văn phòng châu Phi và 8 người ở văn phòng châu Á.

USAID và quyền lực mềm của Mỹ - Ảnh 2.Chính quyền ông Trump sẽ giữ 611 nhân viên thiết yếu của USAID

Chính quyền của ông Trump sẽ giữ lại 611 nhân viên thiết yếu của USAID, thay vì khoảng 300 người như nguồn tin trước đó.