"Vấn đề lương thưởng rất quan trọng, nhưng nếu chỉ tập trung lương cao thì chưa chắc giữ chân được người lao động"

Tại Hội thảo, bà Ingrid Christensen, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam khẳng định, vấn đề liên quan đến lương thưởng rất quan trọng với người lao động. Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung lương cao cho người lao động thì không thể giải quyết và giữ chân họ.

"Vấn đề lương thưởng rất quan trọng, nhưng nếu chỉ tập trung lương cao thì chưa chắc giữ chân được người lao động"- Ảnh 1.

Bà Ingrid Christensen, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam tại Hội thảo (Ảnh: Báo )

Sáng 30/10, tại Hà Nội, Báo tổ chức hội thảo “Nhân lực bền vững - Trọng tâm chữ “S” trong ESG. Hội thảo có sự tham gia của hơn 200 khách mời, gồm đại diện cơ quan quản lý, tổ chức quốc tế về lao động, học giả, chuyên gia hàng đầu về quản trị nguồn nhân lực; nhà quản lý có tầm ảnh hưởng ở lĩnh vực ESG trong nước và thế giới; lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề đã, đang và hướng đến lộ trình phát triển bền vững.

Thực hành ESG đang dần trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp trên thế giới. Tuy nhiên, khi đề cập đến ESG, cộng đồng chủ yếu nói về hai yếu tố môi trường (E), quản trị (G) và ít nhắc đến yếu tố xã hội (S). Tập trung vào chữ “S”, Hội thảo cung cấp cái nhìn đa chiều về trách nhiệm xã hội trong thực thi ESG.

Nếu chỉ tập trung lương cao thì không thể giải quyết và giữ chân người lao động

Tại Hội thảo, bà Ingrid Christensen, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam khẳng định, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, vấn đề liên quan đến lương thưởng rất quan trọng với người lao động. Tất cả mọi người đều có gia đình phải chăm lo và cần chi tiêu tài chính cá nhân.

Tuy nhiên, bà Ingrid Christensen cho biết, nếu chỉ tập trung lương cao cho người lao động thì không thể giải quyết và giữ chân họ. Song hành với tiền lương, doanh nghiệp cần trang bị nhiều yếu tố khác như: Làm việc linh hoạt, môi trường làm việc thân thiện. Bà nêu ví dụ, nếu nhân viên có con nhỏ, nhu cầu của họ không chỉ là lương thưởng.

“Động lực làm việc của mỗi người lại khác nhau, như có người cần sự tự do trong công việc, sự tôn trọng, ghi nhận…”, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế phân tích.

Cũng tại Hội thảo, Bà Ingrid Christensen nêu khái niệm “đối thoại xã hội” như một công cụ thiết yếu, giúp Chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động hợp tác, nhằm giải quyết các tranh chấp và đạt được thỏa thuận thông qua các hình thức thương lượng tập thể. Thêm vào đó, sự hợp tác tại nơi làm việc và các thỏa thuận khung quốc tế giúp nâng cao chất lượng đối thoại xã hội, là chìa khóa để thúc đẩy công bằng xã hội và việc làm bền vững trong bối cảnh các cộng đồng kinh tế khu vực.

Với sự phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan, từ nhà tuyển dụng đến người lao động và các tổ chức quốc tế, bà bà Ingrid Christensen tin rằng, Việt Nam có tiềm năng thúc đẩy công bằng xã hội và phát triển bền vững.

"Vấn đề lương thưởng rất quan trọng, nhưng nếu chỉ tập trung lương cao thì chưa chắc giữ chân được người lao động"- Ảnh 2.

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jeans kiêm Phó Chủ tịch Thường trực Hội Dệt may Thêu đan TP. HCM tại Hội thảo (Ảnh: Báo )

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jeans kiêm Phó Chủ tịch Thường trực Hội Dệt may Thêu đan TP. HCM cũng cho biết, mức lương không còn là yếu tố để giữ chân nhân tài.

"Chúng tôi hiểu rằng quản lý nhân sự là yếu tố cốt lõi để thúc đẩy ESG. Trong lĩnh vực dệt may, nơi lực lượng lao động đông đảo và đa thế hệ, mức lương không còn là yếu tố hàng đầu để giữ chân nhân tài. Người lao động ngày càng quan tâm đến các giá trị mà họ nhận được, bao gồm sự công bằng, minh bạch và tính linh hoạt trong công việc", ông Việt nói.

Nói về vai trò của thực hiện ESG, Lãnh đạo Công ty Việt Thắng Jeans nhấn mạnh, việc quản lý rủi ro và cam kết theo bộ tiêu chuẩn ESG đang trở thành “kim chỉ nam” cho các doanh nghiệp trong ngành. Đặc biệt, việc thiết lập và thực hiện các cam kết bền vững về ESG không chỉ giúp doanh nghiệp cải thiện hình ảnh và thương hiệu, duy trì năng lực cạnh tranh trên thị trường, mà còn thu hút và giữ chân nhân tài.

Tuy nhiên, ông Phạm Văn Việt cho rằng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện ESG dễ dàng. Bên cạnh bài toán về vốn đầu tư, doanh nghiệp còn đối mặt với thách thức về nguồn nhân lực. Điều này không chỉ đòi hỏi khả năng tuyển dụng những nhân sự sáng tạo, có tư duy logic và chuyên môn phù hợp với định hướng phát triển mà còn là bài toán giữ chân nhân tài trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt.

Xây dựng nhân lực bền vững giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí tuyển dụng

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: “Nhân lực bền vững không chỉ là thu hút và giữ chân người tài, mà còn là xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, công bằng, tạo điều kiện cho người lao động phát triển toàn diện".

Bà Nguyễn Thị Hà cho biết, điều này đòi hỏi sự chung tay góp sức của tất cả các bên, từ cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, người lao động và các tổ chức xã hội.

TS. Lê Thái Hà, Giám đốc Điều hành Quỹ VinFuture và Quỹ Vì tương lai xanh (Vingroup) cho biết, trọng tâm của chữ “S” trong ESG thể hiện qua trách nhiệm xã hội, nhân sự bền vững và đảm bảo phúc lợi, hạnh phúc, an toàn lao động.

"Vấn đề lương thưởng rất quan trọng, nhưng nếu chỉ tập trung lương cao thì chưa chắc giữ chân được người lao động"- Ảnh 3.

TS. Lê Thái Hà, Giám đốc Điều hành Quỹ VinFuture và Quỹ Vì tương lai xanh (Vingroup) tại Hội thảo (Ảnh: Báo )

Về lý do xây dựng nhân lực bền vững, bà cho rằng việc thực hành yếu tố này giúp doanh nghiệp giảm thiểu tỷ lệ nghỉ việc và chi phí tuyển dụng; gia tăng hiệu suất của nhân viên và sự hài lòng trong công việc. Trong dài hạn, ứng dụng yếu tố xã hội doanh nghiệp sẽ tạo môi trường bền vững, thúc đẩy sự gắn kết và cống hiến.

Từ cơ sở đó, TS. Lê Thái Hà định nghĩa việc làm hạnh phúc là tạo dựng môi trường làm việc thân thiện, công bằng; phúc lợi tốt và cơ hội phát triển; sự gắn kết và động lực cá nhân. Nhờ đó, doanh nghiệp sẽ nâng cao sự hài lòng và cống hiến của nhân viên.

Việc tạo dựng nhân lực bền vững và việc làm hạnh phúc là doanh nghiệp sẽ gia tăng năng suất, gắn kết đội ngũ, cải thiện hình ảnh và thương hiệu. Rộng hơn nữa, việc phát triển nhân lực bền vững thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững và tạo điều kiện làm việc tốt hơn cho lực lượng lao động.

Tại phiên thảo luận, ông Chaturon Thipphiansak, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH SCG Việt Nam đưa ra thông điệp, việc xây dựng môi trường làm việc hạnh phúc không chỉ là trách nhiệm của cá nhân mà còn là của tổ chức và doanh nghiệp.

“Thực hành ESG sẽ không thể thành công nếu không tạo dựng được môi trường làm việc hạnh phúc, nơi nuôi dưỡng văn hóa doanh nghiệp và khuyến khích ý thức an toàn cho nhân viên”, lãnh đạo Công ty SCG Việt Nam nhấn mạnh.

Ông Chaturon Thipphiansak cho biết, khi các doanh nghiệp đạt được mục tiêu này, mỗi nhân viên sẽ có động lực để thực hiện và tuân thủ các quy định đề ra.