Vì sao cảnh phim của Jennie bị chỉ trích, dù cô chỉ đóng vai phụ

Khi người hâm mộ Hàn Quốc luôn muốn kiểm soát thần tượng theo cách mình muốn, các idol như Jennie không dễ dàng phá vỡ khuôn mẫu, theo đuổi hình tượng mới mẻ.

Xuất hiện trong tập đầu tiên của phim The Idol (HBO), Jennie, thành viên nhóm nhạc Hàn Quốc Blackpink, gây tranh cãi vì hình ảnh gợi cảm, táo bạo.

Nhiều fan nhận xét tạo hình nhân vật không phù hợp với nữ idol, thậm chí có người suy đoán Jennie sẽ gây thất vọng, mất điểm.

Tuy vậy, một số ý kiến cho rằng sự chỉ trích nhằm vào Jennie là vô lý khi cô đã đủ trưởng thành và đang thử sức với con đường diễn xuất.

Phản ứng trái chiều không gây bất ngờ khi Jennie vốn xuất thân từ Kpop, một ngành công nghiệp đầy phán xét và khắt khe. Trước The Idol, nữ ca sĩ 27 tuổi cũng từng hứng chịu chỉ trích vì công khai theo đuổi hình tượng gợi cảm hơn trước.

Từ trang phục, vũ đạo trong các buổi concert cho đến hình ảnh trên trang cá nhân, Jennie luôn nằm trong "tầm ngắm" của công chúng xứ kim chi, những người vốn đã quen kiểm soát các idol theo cách mình muốn.

Đóng khung idol trong sự dễ thương

Theo bảng xếp hạng danh tiếng các nhóm nhạc nữ của Viện Nghiên cứu Kinh doanh Hàn Quốc vào năm 2017, TWICE là nhóm nhạc đứng đầu, kế tiếp là Red Velvet. 4/5 nhóm thuộc top 5 đều ra mắt với concept dễ thương.

Với bảng xếp hạng vào năm 2022, thứ tự có nhiều thay đổi với Blackpink đứng đầu danh sách. Tuy nhiên hầu hết nhóm xếp hạng cao vẫn theo hình tượng ngọt ngào, dễ thương, như IVE, TWICE, Oh My Girl...

Một bài phân tích của Popsori, kênh chuyên về lịch sử, kinh doanh, marketing trong ngành Kpop, từng chỉ ra rằng dễ thương và gợi cảm là hai trong số những concept phổ biến nhất khi thành lập một nhóm nữ tại Hàn Quốc.

"Hai phong cách này gần như đối lập nhau. Dễ thương thường liên quan đến hình ảnh ngọt ngào, đáng yêu của các nữ sinh hay 'cô gái nhà bên'. Còn sexy lại nhấn mạnh vào sự nóng bỏng, gợi cảm và trưởng thành", Popsori chỉ ra.

Từ thống kê về mức độ nổi tiếng, doanh số album, vị trí trên các bảng xếp hạng, Popsori nhận định các nhóm nhạc đi theo hướng dễ thương thường phổ biến và dễ thành công hơn.

Có hai lý do chính để giải thích cho xu hướng này. Đầu tiên, về mặt truyền thông, các nhóm nhạc với hình tượng trong sáng, ngọt ngào gần như không bị giới hạn trên truyền hình và các phương tiện truyền thông khác.

jennie bi chi trich anh 1

Nhiều nhóm nhạc nữ thành công khi ra mắt với hình tượng dễ thương.

Các đài truyền hình Hàn Quốc từ lâu nổi tiếng với những quy tắc phát sóng khắt khe. Những nhóm nhạc có vũ đạo, trang phục hay lời bài hát bị cho là "gợi cảm, gợi dục, không phù hợp" có thể bị cắt sóng.

Lee Se-hui, nhà sản xuất của Music Bank trên KBS cho biết: "Chúng tôi kiểm tra trang phục và vũ đạo trong buổi tổng duyệt. Nếu lộ quá nhiều, chúng tôi sẽ chỉ đạo thay đổi trang phục vào ngày hôm đó. Khi các vũ đạo trở nên khiêu khích, chúng tôi sẽ đưa máy quay ra xa".

Các nhóm nhạc theo hình tượng gợi cảm như AOA, Sistar, Rainbow, EXID đều từng phải cắt bỏ phần vũ đạo trong nhiều ca khúc do quy tắc phát sóng truyền hình.

Lý do thứ hai xuất phát từ nỗi ám ảnh của người Hàn với "aegyo". Tháng 10/2021, aegyo đã được đưa vào Từ điển tiếng Anh Oxford, trong tiếng Hàn từ này có nghĩa là "dễ thương, đáng yêu, duyên dáng".

Theo truyền thống, aegyo gắn liền với việc phụ nữ thực hiện những cử chỉ dễ thương, nói giọng nũng nịu, nhưng từ này đã mang một ý nghĩa mới khi nhiều người nổi tiếng trên truyền hình thể hiện sự đáng yêu của mình, bất kể giới tính hay tuổi tác.

Nhiều chương trình trò chuyện và tạp kỹ, bao gồm cả Weekly Idol của đài MBC Every 1, thậm chí còn có các phân đoạn dành riêng cho idol tự do thể hiện aegyo với hy vọng thu hút người xem.

Ở Kpop, hầu hết thần tượng đều thực hiện aegyo cho người hâm mộ như một cách duy trì mối quan hệ thân thiết.

Trong thị trường ngày càng cạnh tranh với khoảng 50-60 nhóm ra mắt trong một năm, bên cạnh giọng hát, những bản hit gây nghiện và vũ đạo cuốn hút, aegyo đã trở thành một yếu tố cần thiết khác để một nhóm nhạc thần tượng bứt phá.

Phải trả giá nếu dám sexy

Trong khi các nhóm nhạc ra mắt với phong cách dễ thương được đón nhận, những idol mang hình tượng gợi cảm thường bị soi mói, chỉ trích.

Ngay cả những nghệ sĩ được coi là "biểu tượng sexy" của Kpop như Lee Hyori, HyunA, Hwasa... cũng không thoát khỏi điều này.

Năm 2007, không lâu sau khi được độc giả tạp chí Movies Weekly bình chọn là "nữ nghệ sĩ gợi cảm nhất Hàn Quốc", Lee Hyori lại bị báo giới xứ kim chi chỉ trích vì mặc áo sơ mi không cài hết cúc và trình diễn vũ đạo khiêu gợi.

HyunA cùng các thành viên 4Minute theo đuổi hình tượng "cô nàng tiệc tùng" nhưng lại nhận được phản ứng dữ dội từ truyền hình Hàn Quốc. Đài KBS cho rằng ca khúc Won't Give You của nhóm "quá gợi dục" để phát sóng, mặc dù nội dung bài hát nói về một người phụ nữ từ chối quan hệ với người mà cô ấy không có tình cảm.

Trong cuộc phỏng vấn với ENews, HyunA cho biết cô không hối hận khi theo đuổi hình tượng sexy, dù từng rất khổ sở vì bị chỉ trích. "Có những người không thích cho dù tôi có làm gì đi chăng nữa. Tôi đã từng bị tổn thương vì điều đó. Nhưng giờ tôi bắt đầu nghĩ khác đi. Tôi không thể làm gì khác ngoài việc làm hết sức mình".

Tương tự, Hwasa hay nhóm nhạc Le Sserafim gần đây cũng bị chỉ trích vì thể hiện vũ đạo "khiêu khích không cần thiết, phá vỡ tiêu chuẩn của các nhóm nhạc nữ Kpop".

jennie bi chi trich anh 2

Hwasa nhiều lần bị chê trách vì trang phục, vũ đạo gợi cảm.

Kim Dong-wan, thành viên của nhóm nhạc nam Kpop thế hệ đầu tiên Shinhwa, từng viết về nỗi khổ khi trở thành idol tại Hàn Quốc: "Những người nổi tiếng đang làm việc dưới áp lực cực lớn và mức độ căng thẳng mà họ phải đối mặt ngày càng tăng khi sự cạnh tranh trở nên gay gắt hơn. Họ phải 'sexy' nhưng không được 'sex', và phải cứng rắn nhưng không được đấu tranh cho bất cứ điều gì".

Tuy nhiên, Kpop ngày nay đã phát triển đến thế hệ idol thứ 4 và đã không còn chỉ giới hạn ở Hàn Quốc. Đây là lúc sự chật hẹp của các khuôn mẫu ngày càng trở nên rõ ràng.

Trong khi cư dân mạng xứ kim chi phàn nàn về trang phục gợi cảm, vũ đạo khiêu gợi của Jennie, nhiều fan quốc tế đã lên tiếng bảo vệ nữ thần tượng. Bằng từ khóa "Leave Jennie Alone", người hâm mộ quốc tế chia sẻ các bài đăng trên Twitter yêu cầu khán giả ngừng kiểm soát idol.

Chelcee Grimes, nhạc sĩ từng được đề cử giải Grammy, người đồng sáng tác ca khúc Kiss and Make Up, nói rằng Blackpink là "nhóm nhạc độc nhất" nhờ khả năng di chuyển giữa thị trường nhạc pop phương Tây và châu Á.

"Họ sẵn sàng bước ra khỏi nơi mà họ luôn thành công và thử sức với phong cách mới. Những cô gái này muốn lách luật và tôi thích điều đó".

Còn theo nhà báo văn hóa Iana Murray, sự xuất hiện của Jennie trong phim The Idol chính là một bước tiến trong quá trình lách luật này.

"Việc các thần tượng Kpop lấn sân sang lĩnh vực diễn xuất là điều bình thường nhưng Blackpink đang làm điều đó theo một cách khác. Vai diễn của Jennie rất khác so với những gì mà các thần tượng trở thành diễn viên thường đảm nhận. Không chỉ vì đây là một bộ phim dài tập của Mỹ mà còn vì sự khiêu khích mạnh mẽ của nó", Murray nhận định.

Niềm vui và nỗi buồn của công việc

Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.